Tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 5,05%. Năm 2024, tăng trưởng GDP được đưa ra mức từ 6-6,5% là một thách thức không nhỏ. Do đó, cần bứt phá ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024.
Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhìn nhận, năm 2024 triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế có nhiều điểm sáng. Bởi các yếu tố để tạo đà phục hồi cho kinh tế đã được tích lũy, củng cố trong năm 2023 nên triển vọng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng, cũng như hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tốt hơn so với năm 2023.
Ông Lâm lý giải, Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đối với gói kích thích tập trung rất lớn vào đầu tư hạ tầng. Điều này sẽ tạo ra “cầu” cho nền kinh tế rất lớn, tác động lan tỏa. Khi các công trình hạ tầng được đầu tư bằng gói kích thích này và đưa vào khai thác thì sẽ tạo ra động lực, nền tảng đóng góp cho tăng trưởng chung, phát huy hiệu quả các công trình sau đầu tư. Như vậy, gói phục hồi cũng sẽ phát huy hiệu quả chủ yếu trọng tâm vào giai đoạn từ 2024 trở về sau.
Theo ông Lâm, 12 giải pháp Chính phủ đề ra trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội năm 2024 đã cơ bản toàn diện. Vấn đề quan trọng là thực thi, các chính sách giải pháp đặt ra như vậy nhưng quá trình tổ chức thiện ra sao, do đó Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo ngay từ đầu năm 2024 để triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp đã đưa ra. Đồng thời trong quá trình thực thi cần chú trọng khâu đôn đốc gắn với hướng dẫn, kiểm tra, xử lý trách nhiệm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cùng với đó huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị sẽ tạo một sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và mục tiêu kinh tế-xã hội đặt ra.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân cho rằng, mục tiêu đặt ra 6-6,5% là khá cao và phải nỗ lực phấn đấu. Tuy nhiên, có nhiều cơ hội để đạt được mục tiêu đó khi đà phát triển của nền kinh tế trong năm 2023 trong quý III, và quý IV đang trong đà tăng dần lên. Đặc biệt môi trường phát triển của năm 2023 sẽ được tiếp tục tiếp diễn ra trong 2024 ở cả trong nước và thế giới, nhất là tình hình thế giới trong năm 2024 sẽ tốt hơn, giảm dần các rào cản về lạm phát. Chính xu thế bên trong và bên ngoài đang dần tốt lên sẽ tạo đà cho tăng trưởng.
Muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, ông Cường cho rằng, cần tận dụng các cơ hội, lợi thế sẵn có, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân kích cầu tiêu dùng, mở rộng sản xuất. Đặc biệt, trong năm 2024 phải đa dạng hóa các hình thức tiếp cận thị trường, tranh thủ được các cơ hội mới để hồi phục thị trường truyền thống, thị trường ngách. Thúc đẩy đầu tư công, nhưng cũng cần nghiên cứu không chỉ tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng, mà còn đầu tư trực tiếp cho các tập đoàn, doanh nghiệp thông qua phương thức đặt hàng, tạo ra điều kiện hỗ trợ đón các luồng đầu tư mới.
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), năm 2024 phải là một năm bứt tốc. Theo đó, để hỗ trợ doanh nghiệp và ổn định cuộc sống người dân, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng tiếp tục được thông qua. Chính sách này được thực hiện tiếp trong 6 tháng đầu năm 2024 có tác dụng hạ giá thành, ổn định giá thành sản phẩm khiến cho cuộc sống của người dân không quá nhiều xáo trộn. Với việc kích cầu tiêu dùng bằng việc giảm thuế giá trị gia tăng thì người dân tiêu dùng nhiều hơn, đồng nghĩa với việc là doanh nghiệp sẽ bán được nhiều hàng hơn, sản xuất được nhiều đơn hàng hơn, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ nhiều hơn, và điều quan trọng hơn cả là có động lực để phát triển thị trường lao động. Như vậy, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cũng là hỗ trợ trực tiếp cho đời sống người dân, người lao động.
Bà Nga cũng cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt ở các công trình trọng điểm. Đối với những công trình trọng điểm, khi đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đương nhiên nó sẽ tạo ra động lực cho nền kinh tế. “Khi các công trình được hoàn thiện đưa vào sử dụng chúng ta cũng có thêm hạ tầng để phát triển kinh tế-xã hội” - bà Nga bày tỏ.