Quốc tế

Bưu điện ‘chim cánh cụt’ ở Nam Cực

THẾ TUẤN 22/09/2024 09:34

Thế giới từng biết đến một hòm thư “mai mối” vô cùng độc đáo trên thân một cây sồi già trong khu rừng nước Đức. Nhưng cũng thú vị không kém đó là một bưu điện được biết đến với tên gọi “chim cánh cụt” ở Nam Cực.

anh 1 bai Nam Cuc
Bưu điện Port Lockroy. Nguồn: iflscience.

Vào khoảng tháng 11 năm ngoái, nhiều người ngạc nhiên trước thông tin Bưu điện chim cánh cụt tuyển 4 người đến Nam Cực chỉ để đếm số lượng loài chim này mỗi ngày. Mỗi năm họ phải làm việc ở vùng khí hậu băng giá khắc nghiệt nhất hành tinh 5 tháng, và tất nhiên vào với mức lương hậu hĩnh.

Thực ra, tên chính thức của bưu điện này là Port Lockroy. Nó đã trở nên “khét tiếng” qua những câu chuyện của những người từng phục vụ ở đây khi đã trở về quê hương. Họ mô tả rằng mọi thiếu thốn về sinh hoạt cũng như cái giá lạnh thấu xương cũng không đáng sợ bằng sự cô đơn. “Một tuần chịu được. Một tháng chịu được. Ba tháng chịu được. Nhưng đến tháng thứ tư sự cô đơn khiến người ta phát điên” - Mich Jefflan, một người từng làm ở bưu điện này kể lại.

Port Lockroy là bưu điện xa xôi nhất thế giới, nằm trên một hòn đảo chỉ lớn hơn diện tích một sân bóng đá. Nơi đây chỉ có chim cánh cụt là sinh vật duy nhất.

Nhưng rồi biến đổi khí hậu ngày một rõ ràng hơn ảnh hưởng cả đến cộng đồng chim cánh cụt ở Nam Cực. Người ta cho rằng môi trường sống thay đổi có thể khiến loài chim này biến mất. Vì thế, Quỹ Di sản Nam Cực của Vương quốc Anh đã tài trợ để thuê người tới làm việc ở bưu điện này. Họ sẽ làm việc từ tháng 11 năm trước tới hết tháng 3 năm sau, chủ yếu là thay phiên nhau đếm chim cánh cụt và dọn dẹp phân cho chúng do chúng rất thích tới gần khu nhà của họ.

Ngoài ra, họ cũng sẽ là hướng dẫn viên du lịch trong trường hợp có những nhóm người ưa mạo hiểm tới hòn đảo băng giá này. Du khách rất thích thú viết thư gửi về cho người thân. Có năm, bưu điện “chim cánh cụt” nhận chuyển tới 8.000 bức thư, tất cả đều do khách du lịch viết.

Vậy, công việc chính của họ là đếm chim cánh cụt thực ra như thế nào? Thực chất, đó được coi là việc thu thập nguồn dữ liệu thực tế phục vụ cho nghiên cứu về môi trường và quần thể chim cánh cụt. Hàng ngày, 4 người trong nhóm sẽ thay nhau đếm số lượng chim cánh cụt, bao gồm tổ, trứng và chim con của chúng. Sau đó ghi lại cẩn thận, không được phép tô vẽ hay là thêm vào nhận xét của cá nhân.

“Sống ở Port Lockroy bao giờ cũng thừa thời gian vì đêm cũng trắng như ngày. Bạn hầu như không cảm thấy buồn ngủ. Và cũng chính vì thế mà càng thấy nặng nề hơn. Hàng ngày phải theo dõi từng tí từng tí bầy chim cánh cụt mà hầu hết không có một thay đổi đáng kể nào càng khiến cuộc sống bí bách. Vì thế, mỗi khi có một nhóm khách du lịch đến, chúng tôi lại có những hoạt động giao lưu như một cách tái hòa nhập với thế giới. Càng vui hơn khi đón nhận những lá thư viết bằng tay của họ, vì ở đây không có internet hay là máy tính. Tất cả các bức thư đều phải viết bằng tay” - Lucy Dorman, người từng là lãnh đạo căn cứ tại Port Lockroy vào năm 2019-2020, nói.

Dẫu cho cuộc sống tại hòn đảo quanh năm băng giá này là vô cùng khó khăn, nhưng vẫn có không ít người ứng tuyển. Không hẳn vì mức lương nhận được (khoảng 3.300 USD/tháng) mà chủ yếu là do tò mò và muốn được thử sức.

“Tôi muốn biết giới hạn của bản thân mình đến đâu, không phải chỉ là mức chịu đựng về độ giá buốt của cơ thể, mà còn xem mình tổ chức cuộc sống đơn độc ra sao trong điều kiện của thời hồng hoang”- Claire, một cô gái có bằng đại học cho biết. Tuy nhiên, cô đã thất vọng vì không được tuyển trong đợt tháng 11/2023 vì có tới 1.500 ứng viên nhưng chỉ 4 người được chọn mà thôi.

Camilla Nichol, một du khách từng ghé lại Port Lockroy cho biết, không một nơi nào trên thế giới có vẻ đẹp ấn tượng như hòn đảo này. Chỉ cần một lần đặt chân tới, người ta sẽ nhớ suốt đời. Nhưng nếu như muốn sống được ở đây thì cần phải có sức khỏe và sức chịu đựng cực kỳ dẻo dai, không chỉ về thể chất mà cả về tinh thần.

“Những tình nguyện viên đếm chim cánh cụt ở Port Lockroy là những người kiên cường trong những người kiên cường” - cô Camilla nhận xét.

Vào năm 1944, người Anh xây dựng một căn cứ mà lúc đó người ta gọi là "bảo tàng sống" Nam Cực. Ban đầu nó nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học. Tới nay, nó vẫn được duy trì. Với 4 người thay nhau sống tại đây trong vòng 5 tháng mỗi năm. Họ sống chung với khoảng 2.000 chú chim cánh cụt.

Theo Cơ quan khảo sát Nam Cực của Anh thì việc thống kê số chim cánh cụt trên đảo trong điều kiện khí hậu thay đổi và du lịch ngày một mạnh hơn là không hề dễ dàng. Và đáng tiếc là những dấu hiệu gần đây đã cho thấy sinh hoạt của chim cánh cụt trên hòn đảo này đã có sự thay đổi.

Mặc dù có nhiều quốc gia từng tuyên bố chủ quyền đối với các phần lãnh thổ của Nam Cực, nhưng cho đến nay lục địa này vẫn là lãnh thổ chung của toàn nhân loại. Đây cũng là nơi chỉ được sử dụng cho mục đích hòa bình và nghiên cứu khoa học.

Nam Cực là nơi lạnh nhất, khô nhất và nhiều gió nhất hành tinh. Nhiệt độ có thể đạt mức cao nhất là âm 30 độ C vào mùa hè và mức thấp nhất là âm 80 độ C vào mùa đông. Trong số những điều hấp dẫn có câu chuyện vào năm 1977, với ý định tạo ra “cư dân bản địa”, Argentina đã dùng máy bay quân sự đưa bà Silvia Morello de Palma đang mang thai và nhóm bác sĩ đến căn cứ Esperanza của quốc gia này ở Nam Cực. 2 tháng sau, con trai bà tên là Emilio đã trở thành người đầu tiên trong lịch sử sinh ra tại Nam Cực.

Nói như nhà bác học Stephen Hawking thì Argentina đã tạo ra một tiền lệ để con người có thể tạo ra những nhóm công dân đặc biệt tại Nam Cực - nơi tưởng chừng như chỉ là “đất sống” của riêng loài chim cánh cụt mà thôi.

Nam Cực không chỉ thu hút khách du lịch mạo hiểm mà còn là hấp lực lớn đối với các nhà khoa học. Tuy nhiên, sức khỏe và sự an toàn của họ luôn phải đặt lên hàng đầu. Tất cả mọi người đều phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra sức khỏe khác nhau trước khi đến làm việc ở Nam Cực. Trong trường hợp làm việc trong mùa đông tại các trạm ở Nam Cực, thì mọi người đều phải cắt bỏ ruột thừa để tránh sự cố sức khỏe nhưng không thể được chăm sóc y tế kịp thời, do không có bệnh viện gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bưu điện ‘chim cánh cụt’ ở Nam Cực