Ca hát hay giảng dạy: Đều là truyền cảm xúc

Quỳnh Trân (thực hiện) 15/11/2015 10:05

Với giới showbiz, Hồ Trung Dũng nằm trong số rất ít ca sĩ vẫn giữ cho mình một vị trí trên giảng đường Đại học. Trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, nhân dịp Hồ Trung Dũng có mặt tại Hà Nội để ra mắt album mới với những tình khúc nhạc xưa của hai nhạc sĩ Vũ Thành An và Lam Phương, chúng tôi có cuộc trò chuyện với anh.

Ca hát hay giảng dạy: Đều là truyền cảm xúc

Ca sĩ Hồ Trung Dũng.

PV: Hồ Trung Dũng là một cái tên quen của showbiz, nhưng cái tên ấy dường như chưa bao giờ “hot” theo khía cạnh ồn ào. Anh có thể lý giải vì sao?

Ca sĩ Hồ Trung Dũng: Hướng đi của Dũng không ồn ào, nên thành công có thể không đến nhanh. Nhưng Dũng vui vì mình vẫn luôn có một lượng khán giả nhất định ủng hộ, yêu thương trung thành với mình, và con số đó tăng lên theo thời gian. Dũng thấy mình được yêu quý bởi giọng hát và con người của chính mình chứ không cần đến quá nhiều hình thức lăng-xê. Những tình cảm đến từ đáy lòng sẽ ở lại rất lâu.

Vậy anh có lúc nào muốn bung ra, thoát khỏi dòng nhạc trữ tình có vẻ như đang “đóng khung” với Hồ Trung Dũng?

- Quan sát thị trường âm nhạc, Dũng nhận thấy, những ca khúc được giới trẻ yêu mến luôn có yếu tố phù hợp với trào lưu, xu hướng mới. Quả thực, có lúc, Dũng từng chạnh lòng và đặt nhiều câu hỏi: mình nên làm gì tiếp theo, hướng đi của mình có đúng không? Nhưng rồi Dũng nhận ra, khán giả không chỉ thích những thứ thuộc về trào lưu, sự hào nhoáng đơn giản.

Hơn nữa gu âm nhạc không hẳn chỉ được quy định bởi tuổi tác. Dũng cảm thấy hãnh diện khi khán giả của mình đến từ các độ tuổi khác nhau, từ những bạn mới 12-13 tuổi cho đến những cô chú đã ngoài 70.

Bản thân Dũng vẫn tự nhận thấy mình còn rất trẻ, con đường dành cho mình còn rất dài. Dũng cố gắng vừa bước đi vừa tận hưởng nó. Vì vậy, Dũng sẽ chỉ hát những gì mình thật sự thích. Ngoài dòng nhạc trữ tình và các bản ballad trẻ thì trong 2 năm gần đây, Dũng đã bắt đầu khai thác nhiều hơn dòng nhạc blues, jazz, và rất vui khi đã nhận được những phản hồi tốt từ phía khán giả và giới chuyên môn.

Vậy ngoài giọng hát và ngoại hình đẹp, Hồ Trung Dũng còn có gì?

- Những giọng ca nổi tiếng, có bề dày chắc chắn là người có giọng hát hay, kỹ thuật tốt. Với mỗi người sẽ có những yếu tố cộng thêm khác nhau nhưng với Dũng, điểm cộng chính là tình cảm chân thành dành cho âm nhạc, cho khán giả của mình.

Dũng không quá tự hào về chất giọng hay ngoại hình của mình, nhưng Dũng có thể khẳng định, mình là một trong số những nghệ sĩ luôn lao động hết mình, đam mê thực sự với từng dự án, và Dũng hiểu câu chuyện mình đang muốn kể cho khán giả thông qua âm nhạc.

Ngay cả việc giảng dạy, hiện tại tuy là Dũng chỉ đứng lớp một buổi mỗi tuần ở Trường ĐH KHXH&NV TP HCM, nhưng gần như buổi dạy nào Dũng dành nhiều thời gian soạn bài, nghiên cứu giáo án trước mỗi giờ lên lớp để có thể hỗ trợ tối đa cho học sinh của mình.

Anh vừa nhắc đến chuyện vẫn đứng lớp, dù showbiz có bận cỡ nào. Vì sao anh vẫn duy trì việc dạy học và đi hát? Showbiz và giáo dục bây giờ, trong mắt Hồ Trung Dũng, có gì giống nhau?

- Dũng là người hết mình và rõ ràng trong công việc. Điều đó cũng có nghĩa là mọi người sẽ không thấy một ca sĩ Hồ Trung Dũng trên giảng đường và ngược lại, một thầy Dũng trên sân khấu. Đó là hai công việc tuy bổ trợ cho nhau nhưng rất khác biệt nhau.

Cảm xúc Dũng mang theo khi thực hiện hai công việc đó cũng rất khác nhau. Có lẽ một phần do tính cách bẩm sinh, một phần ảnh hưởng bởi văn hóa Đức nên Dũng không gặp vấn đề gì trong việc thực hiện “tròn vai” hai công việc ca sĩ - giảng viên, cũng như tách bạch giữa công việc và đời sống cá nhân.

Với Dũng, dạy học còn là liệu pháp tinh thần giúp cân bằng cuộc sống sau ánh đèn sân khấu. Lúc căng thẳng, mất cảm xúc, được gặp sinh viên, những người trẻ với suy nghĩ mới, cái nhìn lạc quan giúp Dũng suy nghĩ đơn giản hơn, nhìn nhận cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Công việc dạy học còn mang lại ý nghĩa lớn, góp phần định hình nhân sinh quan cho các bạn trẻ.

Dũng hay tưởng tượng rằng, khi dạy học mình là hướng đạo sinh còn khi đi hát, lại là bác sĩ tâm lý cho mọi người. Dũng luôn cố gắng tập cho sinh viên của mình khả năng tự phản biện, điều này không dễ nhưng một khi các bạn đã có thể làm được thì sẽ tự tìm được con đường đi đúng cho chính mình chứ không chỉ quyết định theo cảm tính hay theo phong trào…

Yêu nghề như vậy, liệu có lúc nào anh nghĩ sẽ buông nghiệp ca hát để ở lại với nghề nhà giáo?

- Trước khi đến với ca hát chuyên nghiệp, Dũng đã toàn tâm toàn ý cho nghề dạy trong 6 năm. Có nhiều lí do dẫn Dũng đến với nghề hát. Nhưng quan trọng nhất chính là để được thỏa sức sáng tạo, được sống với các đam mê lớn nhất của mình. Và từ lúc đó thì nghề giáo viên đã trở thành nghề phụ, hơn nữa với riêng Dũng, nghề dạy chỉ đủ cuốn hút Dũng khi nó bổ trợ và giúp cân bằng cho công việc ca hát, bởi tính Dũng luôn thích chinh phục, khám phá cái mới, chỉ có khi được đắm chìm vào âm nhạc thì Dũng mới cảm nhận mình là chính mình nhất.

Xin cảm ơn anh!

Dù trong vai trò là một ca sĩ, một MC, hay một giảng viên trên giảng đường đại học, Hồ Trung Dũng vẫn giữ cho mình nét chỉn chu, lịch thiệp cùng một thái độ làm việc nghiêm túc. Vì vậy, giới truyền thông đã ưu ái gọi vui anh là chàng “ca sĩ tri thức”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ca hát hay giảng dạy: Đều là truyền cảm xúc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO