Trong trường hợp người dân test nhanh tại nhà có kết quả dương tính thì trạm y tế lưu động sẽ tiếp nhận thông tin và triển khai xử lý kịp thời.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh TP HCM (HCDC) cho hay, chủ trương chính của việc lập gần 400 trạm y tế lưu động sẽ tạo tâm lý thoái mái cho các F0, kéo giảm số ca Covid-19 tử vong và giảm sự quá tải cho các bệnh viện. Ngoài ra, thành phố sẽ kịp thời xử trí khi bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng.
Ca nhiễm ở cộng đồng tiếp tục tăng cao
Theo cập nhật của Cổng thông tin Covid-19 TP HCM, trong ngày 19/8 thành phố ghi nhận tổng cộng 4.371 ca nhiễm mới. Trong đó, 3.603 F0 được phát hiện ngoài cộng đồng, chiếm tỷ lệ 82,4%. Trước đó, ngày 18/8, thành phố ghi nhận số ca nhiễm ở cộng đồng là 2.848 ca.
Huyện Hóc Môn ghi nhận số ca nhiễm trong ngày ít hơn với 208 ca nhưng 100% là ca nhiễm được phát hiện trong cộng đồng.
Quận có số ca nhiễm ở cộng đồng cao nhất chính là Quận 10. Trong vòng 24 giờ qua, địa bàn này ghi nhận 348 người phát hiện qua xét nghiệm tầm soát ở cộng đồng và sàng lọc tại bệnh viện. Tăng 128 ca so với ngày 18/8 (412 ca).
Quận Tân Bình có số F0 ngoài cộng đồng là 310/485 người, chiếm tỷ lệ gần 64%, tăng 55 ca so với hôm qua. Tổng F0 tại khu vực này đến nay là 14.296 trường hợp.
Đề cấp đến số ca nhiễm nCoV tăng trong cộng đồng những ngày gần đây, ông Nguyễn Hồng Tâm, cho rằng, đây là tín hiệu tích cực vì đã xét nghiệm đúng chỗ, nắm chắc F0 tại địa phương để quản lý.
Ông Nguyễn Hồng Tâm khẳng định, nhờ xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm nên phát hiện ra nhiều F0 trong cộng đồng. Việc người dân dùng test nhanh để tự kiểm tra cũng giúp phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng. Khi phát hiện dương tính với nCoV người dân chủ động báo cơ quan y tế. Ngoài ra, một số nơi chưa tuân thủ nghiêm giãn cách cũng khiến số ca cộng đồng tăng lên.
Từ ngày 15/8, TP HCM triển khai kế hoạch xét nghiệm mới nhằm đánh giá chính xác tình hình dịch. Kế hoạch lấy mẫu của thành phố trong 30 ngày tính từ giữa tháng 8 với 3 giai đoạn.
Từ ngày 15 đến 22/8 giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỷ lệ lây nhiễm cao. Từ 23 đến 31/8 tách được nguồn lây nhiễm mạnh. Từ 1/9 đến 15/9 duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng.
Trạm y tế lưu động hỗ trợ giảm F0 chuyển nặng và tử vong
Theo HCDC, TP HCM đã có tổng cộng 164.342 trường hợp nhiễm Covid-19 được công bố. Trong đó đang điều trị hơn 33.000 bệnh nhân với hơn 2.000 ca nặng. Để giảm tải cho các bệnh viện đồng thời tập trung điều trị giảm tỷ lệ tử vong, thành phố tập trung nhiều cho việc chăm sóc và điều trị F0 tại nhà.
“F0 sẽ được chăm sóc kỹ hơn để trường hợp trở nặng được chuyển đi cấp cứu kịp thời. Đây là phương án đúng đắn vì bảo đảm chăm sóc F0 tốt hơn, đồng thời giúp kéo giảm tỷ lệ tử vọng, nhất là tử vong tại nhà”, ông Tâm nhấn mạnh.
Liên quan đến chăm sóc, điều trị F0 tại nhà đã hình thành tổ y tế cộng đồng, tổ phản ứng nhanh, túi thuốc cùng F0 chiến thắng Covid-19. Sở Y tế thành phố cũng mới cho ra đời gói chăm sóc sức khỏe F0.
Mới đây nhất, đơn vị này còn chỉ đạo thành lập gần 400 trạm y tế lưu động nhằm quản lý F0, hỗ trợ truyền thông, điều trị F0 tại nhà và hỗ trợ cấp cứu kịp thời.
Ông Nguyễn Hồng Tâm cho hay, chủ trương chính của việc lập gần 400 trạm y tế lưu động sẽ tạo tâm lý thoái mái cho các F0, kéo giảm số ca Covid-19 tử vong và giảm sự quá tải cho các bệnh viện. Ngoài ra, thành phố sẽ kịp thời xử trí khi bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng.
Mỗi trạm sẽ quản lý từ 50 – 100 F0, với cơ cấu tối thiểu gồm bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế (hoặc tình nguyện viên tham gia). Trước mắt, thành phố sẽ chuẩn bị khoảng 400 trạm, sắp tới sẽ là 1.000 trạm
Đặc biệt, mỗi trạm sẽ được trang thiết bị thiết yếu tối thiểu 2 bình oxy, máy thở, máy đo Co2, các thiết bị xét nghiệm tại nhà và túi thuốc.
Trong trường hợp người dân test nhanh tại nhà có kết quả dương tính hoặc có người nhà bị tử vong tại nhà do Covid-19 thì trạm y tế lưu động sẽ tiếp nhận thông tin và triển khai xử lý kịp thời.
Kế hoạch trên được Sở Y tế thành phố đưa ra trong bối cảnh số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà tăng cao. Tính đến ngày 20/8, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 40.451 người.
Trong đó có 19.243 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngày từ đầu và 21.208 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 3.064 trường hợp. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 16.162 người.