Ca sĩ Mỹ Linh chia sẻ: “Năm 2020 có nhiều điều thay đổi và mang lại những lo lắng, nhưng nếu mình ngồi yên nghĩ sâu thì đó là năm thức tỉnh.
Bản thân tôi cũng từng phù phiếm, không giành đủ thời gian chăm sóc tinh thần bản thân và người thân trong gia đình. Nên năm 2020 với tôi là một năm thức tỉnh. Để thấy những người thân trong gia đình vô cùng trân quý. Năm 2020, tôi được dành thời gian chăm sóc cho gia đình và hiểu hơn mỗi thành viên. Khi muốn được yêu thương thì chúng ta phải mở lòng, phải ổn và mọi thứ sẽ xoay theo. Tôi thu bản ngã lại và mở rộng trái tim để quan sát trong bình tâm. Tôi cũng dành được nhiều thời gian để thương yêu những người ở gần mình. Thương yêu theo cách người khác muốn chứ theo cách mà mình muốn. Điều này khó mà phải tập”.
“Tôi rất hân hoan và cảm động khi hát bài “Khúc giao mùa” giữa đông người trong đêm đón Tết Dương lịch tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Cách đây 20 năm, tôi cũng đã hát bài đó vào thời khắc từ Thiên niên kỷ cũ sang Thiên niên kỷ mới. Lúc ấy tôi còn trẻ. Nhiều bạn nghe tôi hát đêm vừa qua, 20 năm sau, còn chưa ra đời, trong đó có cả con gái Mỹ Anh. Tôi hát “Khúc giao mùa” lần này, khán giả là thanh niên của thế hệ bây giờ. Khi hát có con gái Mỹ Anh đứng dưới xem. Tôi rất xúc động. Thấy mình là một nhân chứng của những thay đổi giá trị lịch sử của thời bình. Thay đổi từ suy nghĩ, nề nếp, cách sống. Hà Nội cũng khác, bao khu đô thị đã mọc lên. Thế hệ trẻ sinh vào những năm 2000 cũng vô cùng khác biệt. Tôi nhận ra điều thật hay là bản thân mình vẫn đứng trên sân khấu tại Quảng trường trước Nhà hát Lớn, vẫn hát bài hát đó, vẫn chính là mình, như thể đứng lại và quan sát. Mọi thứ thay đổi từng sát na, nhưng khi mình có thể quan sát trọn vẹn mọi diễn biến xung quanh thì bản thân không hề thay đổi. Tôi đứng ở tâm vòng tròn, trụ một chỗ để quan sát những dịch chuyển đang xoay. Cảm nhận của riêng tôi, càng lớn tuổi, càng hiểu cuộc đời hơn, bớt mong cầu, thì sẽ sống một cách hạnh phúc. Niềm vui của tôi bây giờ rất đơn giản. Sáng dậy làm cốc trà và nhìn sự trưởng thành của các con. Nhưng cũng có điều buồn là con gái Anna và con trai Duy năm nay do dịch bệnh nên không được về nước, nên cũng thương nhớ con. Nhưng vẫn yên tâm. Vậy là con đã lớn và mình thì bước sang chặng tiếp theo của cuộc đời”.
PV: Nghĩ về các con, chị có nhớ về tuổi thơ của chính mình? Chị đã được sống trong tinh thần ra sao cũng như âm nhạc đi vào chị như thế nào?
Ca sĩ Mỹ Linh: Tôi sinh ra vào những năm 70 khi mà đất nước còn rất nhiều khó khăn, vì thế những đứa trẻ con như bọn tôi thời đấy hầu hết đều không được tiếp xúc nhiều với nghệ thuật, mà chỉ được tiếp xúc qua văn học. Sách vở là thứ xa xỉ nhất thời đó. Nhưng tôi yêu ca hát từ nhỏ, nên hay nghe qua radio và nhẩm theo từng câu hát.
Tuổi thơ của chị, những âm thanh nào tác động đến chị nhiều nhất, tạo cảm xúc ra sao và để tinh thần chị chảy tràn những nốt nhạc?
- Vì tôi sống ở khu tập thể nên những âm thanh ngày mới của chúng tôi đó là tiếng của người lớn nhắc nhở trẻ con, tiếng lanh canh của dụng cụ lao động, tiếng xe đạp, tiếng trẻ con í ới gọi nhau.
Chị đã thể hiện năng khiếu âm nhạc khi nào? Gia đình đã tạo điều kiện cho chị phát triển khả năng như thế nào?
- Tôi thích hát từ bé và bắt đầu lên sân khấu lúc 5 tuổi, từ nhỏ lớn lên ở khu tập thể nên vào mùa hè các hoạt động phong trào phát triển rất mạnh, tôi được tham gia rất nhiều sân khấu ở trường, ở xã... Ngoài ra, tuy Gia đình không có điều kiện nhưng bố tôi hát rất hay, nên tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ bố.
Theo chị, sự giáo dục từ trong gia đình có phải là nền tảng vững chắc để chị đi theo con đường âm nhạc sau này cũng như hình thành nên tính cách của chị?
- Cũng khó có thể nói như vậy, bởi vì gia đình tôi không theo con đường âm nhạc, nên tôi không được định hướng theo con đường nghệ thuật, mà do tôi là một người yêu ca hát và đặc biệt mẹ tôi rất khuyến khích tôi tham gia các hoạt động văn nghệ của trường, của phường, quận nơi tôi sinh sống. Không giống như định kiến “xướng ca vô loài” ngày xưa, mẹ tôi rất hứng thú với việc con mình được chú ý, và bây giờ tôi nghĩ lại tôi rất biết ơn mẹ tôi vì đã không ngăn cấm tôi hát hò suốt tuổi thơ.
Chị chia sẻ về những thầy cô dạy âm nhạc của chị khi còn nhỏ? Chị đã học được những gì thời gian đó? Những ngày đi học thanh nhạc đó diễn ra thế nào?
- Thời của tôi việc phổ cập giáo dục âm nhạc được Bộ GD-ĐT quan tâm. Tôi bắt đầu được học và làm quen với các môn nghệ thuật vào những năm cấp một. Người thầy đầu tiên của tôi là thầy Tuyên. Thầy kéo acordion rất hay và có một giọng hát rất tuyệt vời. Ngày đó tôi hay ước mơ được hát hay giống như thầy.
Chị chia sẻ về một số chương trình biểu diễn mà chị nhớ nhất và những buổi biểu diễn cũng như giải thương mang lại đã mang đến cho chị điều gì?
- Sau này mặc dù nhận được những giải thưởng quan trọng trong cuộc đời nghệ sĩ nhưng tôi không thể quên được giải thưởng đầu tiên của mình là huy chương vàng Giọng hát hay Toàn quốc và được thêm một giải là người hát hay nhất về thầy cô và mái trường. Tôi nhận được chiếc đồng hồ treo tường có con ngựa mà bố mẹ tôi rất tự hào và treo trang trọng nơi đẹp nhất trong nhà trong suốt nhiều năm. Lần thứ hai nhận giải khi tôi là thành viên của ban nhạc Hoa Sữa. Lúc đấy ban nhạc chúng tôi đạt được giải nhì, ngoài ra tôi còn đạt được giải ca sĩ trẻ gây ấn tượng nhất cuộc thi lúc đó. Liên hoan các ban nhạc nhẹ hồi đó quy tụ rất nhiều tên tuổi sau này trở thành những người quan trọng trong làng nhạc Pop Việt Nam như chị Thanh Lam, anh Bằng Kiều, anh Đức Trí, ...
Bắt đầu từ khi nào chị đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp?
- Sau khi được giải cùng với ban nhạc Hoa Sữa, lúc ấy tôi đồng thời cũng là sinh viên của khoa thanh nhạc học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, và tôi chính thức trở thành ca sĩ từ khi đó cho đến nay, tính ra cũng được gần 28 năm rồi.
Chị có nghĩ rằng, năng khiếu âm nhạc là cần nhưng được rèn luyện thông qua giáo dục bởi những người thầy cô giỏi mới là đủ?
- Đúng là như vậy. Năng khiếu nó chỉ như hạt mầm thôi, mà muốn phát triển thì phải được gieo trồng trên một mảnh đất tốt và được chăm bón cẩn thận. Tôi tin là môi trường không chỉ có thầy cô mà còn có bạn bè, gia đình, mọi người đều yêu âm nhạc là điều kiện rất quan trọng giúp cho năng khiếu được phát huy.
Hành trình rèn luyện âm nhạc của chị đã diễn ra thế nào?
- Để trả lời câu hỏi này nó cũng dài và khó, nên tôi tin chỉ có luyện tập mỗi ngày, một khi mà mình rèn được thói quen luyện tập mỗi ngày một ít thì kết quả sẽ đến, và bạn càng luyện tập thì kết quả càng bền vững hơn. Việc rèn luyện trong nghề đã cho tôi tính kiên trì, nhẫn nại, không lùi bước.
Những người thầy cô đã có ảnh hưởng tới chị?
- Mỗi người tôi gặp đều là những người thầy của tôi, ở mỗi một người mình đều nhìn thấy điểm mạnh mà mình có thể học và điểm yếu mà mình có thể rút kinh nghiệm cho bản thân. Cho đến bây giờ tôi vẫn đang học theo kiểu đấy, tôi nghĩ quan trọng nhất là mình phải có một bộ lọc tốt, lúc ấy sẽ nhận được những kiến thức rất hay. Ngoài học qua thầy cô ở trường, tôi cũng học nhiều qua băng đĩa nước ngoài. Tôi cũng bỏ thời gian đi xem trực tiếp các nghệ sĩ, học cách họ hát, cách họ tương tác với khán giả, cách họ sống. Không chỉ các nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc mà còn trong các lĩnh vực khác trong cuộc sống.
Bước ngoặt của chị có phải từ chương trình SV96?
- Dùng từ “bước ngoặt” không chính xác, mà nên thay bằng từ “dấu ấn”. SV96 đó là một trong những dấu ấn cùng với những dấu ấn quan trọng khác trong suốt sự nghiệp của tôi.
Khi trở thành ca sĩ được đông đảo bạn trẻ hâm mộ, chị đã nghĩ gì?
- Tôi rất là vui vì được khán giả chú ý, nhưng hầu như tôi không có thời gian để nghĩ gì, khoảng thời gian đó tôi rất bận rộn với lịch trình, thu âm, đi diễn, cứ thế cuốn theo dòng chảy âm nhạc. Lúc đấy cũng đang là thời hoàng kim của Pop Việt, thời Làn Sóng Xanh.
Mặc dù được công chúng yêu mến, đồng thời giọng ca của chị đã trở thành kí ức rất đẹp trong lòng người hâm mộ, nhưng chị vẫn không ngừng tự rèn luyện giọng ca ra sao?
- Tôi nghĩ là từ năm 2010 khi tôi bắt đầu nhận huấn luyện cho các bạn trẻ trong các chương trình thực tế như Giọng hát Việt, Sao Mai điểm hẹn... Sau đó vào năm 2014, tôi cùng bạn nhạc Anh Em mở ra trường nhạc tư nhân Young Beat. Việc tự mình đứng lớp, truyền đạt kiến thức cho những người khác, khiến tôi phải đào sâu hơn, hệ thống lại những gì mình đã học, đã biết, dù có không muốn cũng phải tự động trao dồi, nên nó cũng là một cái may. Cho nên đến thời điểm này, kỹ thuật của tôi càng ngày chỉ càng vững vàng hơn mà thôi.
Chị rất ý thức trong việc chọn tác phẩm để thể hiện?
- Vâng. Tôi là người khá kỹ trong việc lựa chọn không chỉ tác phẩm mà còn trong đời sống, chọn bạn để chơi, chọn sách để đọc, chọn chỗ để ngồi, ... Tôi nghĩ tôi không có nhiều thời gian nên trong cuộc sống tôi chỉ chọn những gì phù hợp với mình.
Nhìn lại chặng đường âm nhạc rất dài chị đã đi qua, vì sao chị giảm bớt biểu diễn để quyết định đầu tư vào việc giáo dục âm nhạc?
- Kể từ năm thành lập trường, tôi tìm thấy niềm vui trong việc giảng dạy, chúng mang đến cho tôi một nguồn năng lượng rất khác khi đứng trên sân khấu biểu diễn. Thực ra hai việc đó rất khác nhau nên không thể so sánh cụ thể được. Và tôi nghĩ cũng đã đến lúc tôi ươm mầm cho các tài năng trong tương lai, cũng như là tôi muốn trả lại những gì tôi đã nhận được từ các thầy cô đi trước. Thứ hai là nếu chọn làm việc gì thì mình cần chuyện tâm vào việc đấy, nên tôi chọn việc chuyên tâm vào công tác giảng dạy. Ngoài ra, việc bớt biểu diễn lại thì tôi có nhiều thời gian cho gia đình, cho chồng, cho các con hơn.
Vì sao ngay khi mở trường, chị lại ưu ái dành sự quan tâm chăm sóc âm nhạc cho trẻ em?
- Tôi nghĩ rằng việc giáo dục cũng giống như chăm sóc cây xanh, phải tưới nước bón phân chăm sóc cẩn thận từ khi còn là hạt mầm thì cây mới lớn và cứng cáp được. Việc dạy học cũng thế, cho các cháu làm quen từ sớm và có được nền tảng thì con đường sau này sẽ dễ đi hơn.
Theo chị, độ tuổi nào tốt nhất cho việc học âm nhạc và âm nhạc sẽ mang đến những phát triển tâm lý ra sao đến trẻ?
- Âm nhạc nên được phát triển càng sớm càng tốt, đặc biệt là thai giáo. Bố mẹ càng hạnh phúc thì sẽ sinh ra những đứa con mạnh khỏe, hạnh phúc. Âm nhạc truyền tải cảm xúc rất nhanh, những gì gây cảm động, gây năng lượng tích cực là đi thẳng vào não con người. Những lời yêu thương, tiếng gió thổi, lá xạc xào, tiếng mưa rơi, tiếng chim hót… cũng đi vào trái tim con người rất nhanh, nhanh đến nỗi chính chủ thể đó không còn nhận ra được. Con người đến với âm thanh - âm nhạc bằng bản năng, thông qua tàng thức. Nên trẻ em mà được tiếp xúc với âm nhạc qua các giai đoạn du dương, phát triển tình thương thì rất tốt. Nhiều phụ huynh thông thái và tỉnh thức nên luôn biết chọn những gì tốt nhất cho con mình.
Tôi nghĩ, việc học nhạc bắt đầu từ lúc các cháu còn nhỏ là tốt nhất. Học nhạc không chỉ mang lại kiến thức, mà qua âm nhạc còn giúp các cháu yêu đời, yêu cuộc sống và đây là một phương pháp giải trí lành mạnh.
Trên thực tế, giáo dục âm nhạc cho trẻ em là chặng đường dài và rất cần cẩn thận tỉ mỉ nhưng lại khó có lợi nhuận vì đầu tư vốn lớn và chi phí nhiều, trong khi chị hoàn toàn có thể đầu tư cho những ca sĩ trẻ có triển vọng theo tư cách một nhà sản xuất? Chị nghĩ sao về điều này?
- Mỗi người chọn cách khác nhau, nhưng tôi thích làm giáo dục hơn. Quản lý nghệ sĩ hay làm giáo dục âm nhạc thì đều là giáo dục con người. Quản lý nghệ sĩ chỉ dừng lại một số cá nhân, còn giáo dục âm nhạc thì đại trà hơn. Tôi không thể dành thời gian cho cả hai thứ, nên tôi chỉ tập trung vào một việc. Giáo dục âm nhạc cho trẻ em đúng với hoài bão của tôi và nhiều trẻ em được hưởng lợi. Với tôi, thời gian ngày càng quý giá và không thể chia sẻ hay cho nhau được, nên càng không thể bỏ phí. Thời gian của tôi dành được cho nhiều người hơn thì thời gian cũng được sử dụng hiệu quả hơn.
Tôi yêu trẻ con và như tôi vừa chia sẻ là nếu cho các con nền tảng tốt thì con đường đi sau này sẽ dễ dàng hơn, nhất là nếu các con muốn theo nghề. Hơn nữa, việc dạy học cho trẻ em là mơ ước lúc bé của tôi, nhìn các con say mê, trong trẻo, tôi cũng như trẻ lại.
Những khó khăn vất vả cũng như niềm vui chị nhận được khi trở thành cô giáo dạy nhạc?
- Việc đi làm nghề giáo không phải là mình dạy gì, nó chỉ là một phần. Quan trọng nhất là mình được tiếp xúc với các em bé khi còn là trứng nước. Việc học chỉ là công cụ, điều mà các con cần nhận được là sự say mê, cảm hứng, sự kiên trì. Kĩ năng tập được, còn tính cách thì cần rèn luyện. nên cần sự phối hợp giữa thầy cô, phụ huynh và học trò, và để làm được thì hết sức tập trung cố gắng nỗ lực yêu thương vì mỗi đứa trẻ là một vũ trụ riêng với thế giới tinh thần riêng. Nên không bao giờ có một phom chung, mà cần có chặng đường riêng cho từng trẻ trên một cái nền giáo dục chung. Có những trẻ tưởng không học được, nhưng khi quan sát kiên trì thì lại tiếp thu rất tốt. Chúng ta cần chú ý định kiến trong giáo dục, điều này rất gây nguy hại cho trẻ. Mỗi bé là một viên kim cương giấu đi mà mình không biết. Nên cần phải vào tay những người thợ khéo. Chúng ta đang thiếu “người thợ” tài năng, trong khi nhiều giáo viên đang không có hạnh phúc, nên họ không thể mang lại niềm vui, sự hứng khởi, lạc quan, tinh thần tích cực cho người khác, lại nhất là đối với trẻ em. Nên chúng tôi chỉ có thể cố gắng chăm sóc cho các thầy cô được hạnh phúc, chăm sóc cho trẻ em ở gần mình, để có những giờ học tươi vui.
Niềm vui thì nhiều nhưng tất nhiên là cũng có khó khăn rồi. Vui vì được nhìn thấy các con tiến bộ từng ngày, hứng thú với việc học nhạc còn khó khăn thì mình phải tập nhiều, mỗi cá nhân lại có những vấn đề riêng trong giọng hát nên mình phải sửa từng chút để các con cải thiện.
Chị có thể chia sẻ về dự án mới ra mắt “21 ngày luyện hát cùng Mỹ Linh”?
- Sau gần 30 năm trong nghề, tôi nhận ra mình đã mắc nợ cuộc đời, mắc nợ những người yêu thương mình, những người đã luôn ủng hộ mình trong suốt thời gian qua, từng dòng tin nhắn trên Facebook, những câu hỏi, những trăn trở suy tư mong muốn được giải đáp về việc học thanh nhạc, về các kỹ thuật xử lý bài hát, hay những câu hỏi ngô nghê và đáng yêu của những người bạn ở những nơi xa xôi không được tiếp cận với âm nhạc trong dòng chảy thời đại đã thôi thúc tôi phải làm điều gì đó, thế nên khóa học “21 ngày luyện hát” đã ra đời. Khóa học này được thiết kế dành cho những bạn có đam mê học hát, nhưng chưa có điều kiện để tiếp cận với các trường dạy nhạc do hạn chế về khoảng cách xa xôi cũng như thời gian bận bịu, các bạn có thể học tại bất cứ đâu, vào bất kỳ thời gian nào thuận tiện. Mỗi ngày chỉ cần dành 25 - 30 phút và bật máy điện thoại hoặc máy tính lên, đồng hành cùng Mỹ Linh trong 21 ngày liên tục. Kết thúc 21 ngày, bạn có thể tự tin đứng trên sân khấu, tỏa sáng với tình yêu âm nhạc của mình.
Dự án bắt đầu hình thành như thế nào và chị nghĩ gì về dự án này?
- Hồi nhỏ tôi ước mơ làm cô giáo và từ khi theo nghề ca sỹ, tôi nhận được rất nhiều sự chỉ bảo của các cô chú trong nghề và bản thân mình sau hơn 20 năm ca hát cũng đúc kết được những kinh nghiệm, tôi muốn truyền lại điều đó cho thế hệ sau này. Hồi mở trường thì mình dạy trực tiếp cho các em thế nhưng những bạn ở xa, ở nước ngoài thì họ không thể nào theo học được nên tôi muốn làm khoá học online để mọi người đều có thể tham gia.
Đây có phải là một khởi đầu mới cho hành trình giáo dục âm nhạc của chị?
- Đúng vậy, việc bước đầu có nhiều người đăng ký mua khoá học thì tôi xem là tín hiệu đáng mừng cho công sức, thời gian của cả ekip chúng tôi.
Những dự định của chị về giáo dục âm nhạc?
- Thủa nhỏ tôi có một ao ước là nghệ thuật sẽ được coi trọng hơn nữa trong trường học, đặc biệt là việc giảng dạy âm nhạc. Ngoài thể xác thì tâm hồn cũng là phần nhân bản và quan trọng nhất trong mỗi con người, nghệ thuật sẽ chăm sóc và dung dưỡng cho tâm hồn, giúp con người được sống hạnh phúc hơn, lạc quan hơn.
Covid như cú hích để đưa giáo dục âm nhạc lên trực tuyến. Bây giờ chúng ta phải chấp nhận hoàn cảnh mới khi dịch bệnh sẽ nối tiếp nhau. Từ năm 2020, cuộc sống của chúng ta đã thay đổi, mọi người nhận ra và tôi cũng đã nhận ra. Nên chúng ta sẽ sống chung với sự thay đổi quá nhanh và quá nguy hiểm này. Mỗi người cần vững tâm từ bên trong, với đội ngũ thì cần sự đồng lòng. Mọi thứ trở nên tinh gọn, rất tránh làm quá lớn và hoành tráng.
Xin cảm ơn ca sĩ Mỹ Linh!