Ca sĩ Vân Quang Long, tên thật là Lê Quang Hiển, 41 tuổi, ở Đồng Tháp. Anh xuất thân trong một gia đình nhà giáo ở Sa Đéc - Đồng Tháp. Tuy nhiên, niềm đam mê ca hát và cái duyên với nghề đã đưa anh đến với con đường ca hát và trở thành ca sĩ chuyên nghiệp khi trở thành một trong những thành viên của nhóm nhạc 1088 đình đám.
Ca sĩ là một trong 5 thành viên của nhóm nhạc 1088 gồm các thành viên: Điền Thái Toàn, Vân Quang Long, Ưng Hoàng Phúc, Nhất Thiên Bảo và Nhật Tinh Anh.
Tuy nhiên, giữa lúc 1088 đang ở đỉnh cao sự nghiệp, các thành viên của nhóm bất ngờ chọn con đường solo để tìm hướng đi riêng. Nam ca sĩ đầu quân về công ty Kim Lợi để tiếp tục phát triển sự nghiệp, phát hành một số dự án âm nhạc cùng nữ ca sĩ Cẩm Ly.
Thời điểm đó, Vân Quang Long là một trong những ngôi sao bán đĩa khi album "Thư cuối - Thôi ta chia tay" bán được hơn 5000 bản khi ra mắt. Đây là một con số vô cùng ấn tượng với một nghệ sĩ trẻ tại thời điểm Vpop chỉ mới bắt đầu phát triển.
"Thư cuối - Thôi ta chia tay" là CD đầu tay của Vân Quang Long được Kim Lợi thực hiện một cách chuyên nghiệp từ thiết kế ấn tượng đến cách chọn lọc bài vở cũng hết sức tinh tế. Để thực hiện CD này, gần 6 tháng trời, anh đã ở lỳ trong phòng thu. Và, trời cũng chẳng phụ lòng người. Album bán được đón nhận nồng nhiệt.
Với chất giọng cao, ấm đặc biệt, nhiều ca khúc của anh đã được khán giả biết đến như "Nhật ký cho ai", "Bé mắt nhung", "Thư cuối", "Bởi tin lời thề"... và một số bài song ca cùng nữ ca sĩ Cẩm Ly qua các bài hát như "Nợ duyên", "Anh cố quên em", "Giọt nước mắt muộn màng", "Ngày mai mưa thôi rơi"...
Tuy nhiên, sau khi chấm dứt hợp đồng với Kim Lợi để trở thành ca sĩ tự do, Vân Quang Long bất ngờ... “biến mất” một thời gian dài khi vẫn còn đang ở đỉnh cao sự nghiệp khiến những khán giả yêu mến cảm thấy vô cùng hụt hẫng.
Trước đó, Đại Đoàn Kết Online đã đưa tin, Ca sĩ Vân Quang Long qua đời vì đột quỵ.
Vào tối ngày 29/12/2020, khán giả Việt Nam bàng hoàng trước thông tin nam ca sĩ Vân Quang Long qua đời.
Các đồng nghiệp của ca sĩ Vân Quang Long là Quách Tuấn Du, Nguyên Vũ, Lâm Chấn Huy vừa cho biết anh đã qua đời vì đột quỵ. Trong clip của Quách Tuấn Du, anh cũng cho biết, thông tin đã được người nhà của Vân Quang Long xác nhận.
Ca sĩ Quách Tuấn Du cho biết: "Tôi vừa nhận được tin từ bầu Đệ bên Mỹ. Anh ấy kể cách đây vài tiếng, Vân Quang Long đi ăn với gia đình về, thấy mệt nhưng vẫn đi tắm, không ngờ ra đi ngay sau đó".
Cộng đồng mạng chấn động trước thông tin về sự ra đi của nam ca sĩ Vân Quang Long. Theo thông tin được công bố, nam ca sĩ qua đời tại Mỹ do đột quỵ, hưởng dương 41 tuổi. Là một trong những ca sĩ đời đầu của Vpop, sự ra đi của Vân Quang Long đã khiến không ít người cảm thấy tiếc nuối.
Trước đó, trong giới nghệ sĩ, sáng 9/12, nghệ sĩ Chí Tài cũng bị đột quỵ và đã qua đời. Danh hài bị đột qụy và phải nhập viện Hoàn Mỹ, dù được các bác sĩ hết lòng chữa trị nhưng Chí Tài không qua khỏi, nhiều đồng nghiệp, nghệ sĩ đã vô cùng sốc trước thông tin này.
Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổităng khoảng 2% mỗi năm
Như Đại Đoàn Kết đã đưa tin, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm, khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Mặc dù nhiều người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng họ vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí là mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ não, khoảng năm triệu người trong số đó tàn phế vĩnh viễn và năm triệu người tử vong. Theo Tổ chức Đột quỵ Mỹ năm 2019, số lượng bệnh nhân đột quỵ ở những người trẻ đã tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây, và khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ mỗi năm có độ tuổi từ 18 đến 50.
Tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp bốn lần nữ giới. Thông thường, đột quỵ thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên, tuy nhiên độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa.
Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng một phần ba tổng số các trường hợp đột quỵ. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Vì vậy, việc tăng cường khả năng tiếp cận các thông tin về phòng ngừa và điều trị bệnh đột quỵ trở nên rất cần thiết và quan trọng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc chủ động phòng ngừa bệnh đột quỵ, cũng như vai trò của thông tin số trong việc tăng cường khả năng tiếp cận nguồn thông tin tin cậy cho người bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thiết lập một kênh thông tin điện tử chuyên cung cấp thông tin về bệnh lý đột quỵ cho cộng đồng.
Theo đó, người dân có được những thông tin dễ hiểu, gần gũi về nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị cũng như những khuyến nghị nhằm phòng ngừa đột quỵ thông qua việc thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị.
Cấp cứu người bệnh đột quỵ
Theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), đột quỵ não là một hội chứng lâm sàng được đặc trưng bởi sự mất đột ngột cấp tính các chức năng của não (thường khu trú), tồn tại quá 24 giờ hoặc tử vong trước 24 giờ. Các triệu chứng thần kinh khu trú phù hợp với vùng não do động mạch bị tổn thương chi phối, không do nguyên nhân chấn thương.
Đột quỵ não gồm 2 dạng chính: đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ chảy máu não có chiến lược xử trí hoàn toàn khác nhau.
Cấp cứu càng sớm càng tốt, tối ưu trong vòng 3 tiếng đồng hồ có thể mở rộng cửa sổ đến 4,5 giờ từ khi khởi phát triệu chứng với tiêu huyết khối. Cấp cứu trong vòng 8 giờ đồng hồ từ khi khởi phát: Lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.
Phương pháp điều trị để tối ưu hóa trong việc chẩn đoán và điều trị đột quỵ não: Nhóm đột quỵ não và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã xây dựng phác đồ, hướng dẫn cụ thể và được coi là tối cấp cứu, được ưu tiên hàng đầu đúng theo “thời gian là não”.
Đội ngũ chuyên gia đột quỵ não toàn viện được nhận thông tin về mọi ca đột quỵ, hội chẩn nhanh, đưa ra phương pháp điều trị tối ưu dành cho mọi trường hợp, đặc biệt trong khoảng thời gian vàng.
Dù chỉ là nghi ngờ đột quỵ, người bệnh cũng nên được đưa ngay vào bệnh viện để kiểm tra đầy đủ, càng sớm càng tốt. Không nên dùng các thuốc trôi nổi trên thị trường được coi là chống hoặc chữa đột quỵ vì có thể mất cơ hội vàng của người bệnh và đôi khi gây nguy hiểm đến tính mạng.
Người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát các nguy cơ và điều trị sớm các bệnh có nguy cơ gây đột quỵ não là cách phòng tránh tối ưu nhất đối với căn bệnh đặc biệt nguy hiểm này.