Thị trường được mở rộng tới 140 nước nhưng giá cá tra – một trong những mặt hàng có thế mạnh vẫn chưa chủ động được. Chập chờn, mùa vụ, lúc tăng cao khi giảm sâu... là thực trạng khiến người nuôi cá tra lo ngại.
Tuy vẫn tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu nhưng giá bán cá tra
luôn chững lại với biên độ sâu.
Xuất khẩu sang 140 nước
Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam cả năm 2016 đạt gần 1,7 tỉ USD, tăng 6,6% so với năm ngoái, trong đó Trung Quốc là thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất hiện nay với mức tăng 90% so với năm 2015. Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, cá tra Việt Nam được xuất khẩu sang 140 nước, tăng 4 thị trường so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, trong niềm vui về kim ngạch xuất khẩu này, theo đánh giá của một số chuyên gia, nếu nhìn sâu vào thực tế thì tiềm năng của cá tra Việt vẫn chưa thật sự xứng đáng. Tăng và rớt giá, chững lại ở một “biên độ” dài về giá với thời gian đang nói lên một sự hết sức chập chờn của một loại thủy sản hết sức có giá trị này.
Năm 2016 được xem là năm có nhiều bất lợi cho ngành cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Xâm ngập mặn gia tăng, ảnh hưởng của của tình trạng biến đổi khí hậu đã làm gia tăng chi phí cho người nuôi thả cá tra. Tuy nhiên, với những vất vả đầu tư như vậy nhưng giá cả lại hết sức biến động nên đã tạo ra những thiệt thòi cho người dân. Năm 2016 cũng được coi là năm mà giá nguyên liệu biến động trong một biên độ lớn, thất thường nên đã làm cho doanh nghiệp lẫn người nuôi tiếp tục thua lỗ nặng.
Theo thống kê, đầu năm, giá cá ở mức 21.000 đ/kg, đến tháng 8/2016, giá cá tra tại ĐBSCL rớt xuống chỉ còn 18.000 đ/kg, người nuôi lỗ từ 2.000 - 3.000đ/kg. Bước sang tháng 10/2016, giá cá nhúc nhích tăng lên ở mức 22.500đ/kg, ngư dân bắt đầu có lãi thì lại rơi vào thực tế là… không còn cá để bán.
Theo dự báo, trong thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu cá tra sẽ tăng ở hầu hết các thị trường cho đến quí I-2017 với mức tăng khoảng 20%. Đáng chú ý là xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Á (nổi bật là Trung Quốc) sẽ tăng trưởng cao gấp rưỡi thị trường Mỹ. Tuy nhiên, bên cạnh những dự báo hết sức khả quan này thì một lo lắng khác lại đang được đưa ra đấy là yếu tố thời tiết và khí hậu.
Nhiều lo ngại
Theo phân tích, hiện nay, thời tiết ở khu vực ĐBSCL đang thay đổi bất thường, lạnh về sớm, và hiện tượng tháng 12 vẫn còn mưa. Những ao cá giống đều bị thiệt hại, và cá thịt chậm lớn, có hiện tượng bệnh kéo dài. Lạnh và thay đổi thời tiết cũng khiến cá chậm ăn, chậm lớn. Tình hình này dự báo sẽ còn kéo dài cho đến hết quý I-2017. Do bất lợi về thời tiết này nên đã dẫn đến tình trạng cá tra hiện đang khá khan hiếm. Chẳng hạn loại cá size từ 1kg-1,8kg/con không còn để đáp ứng nhu cầu đang tăng từ thị trường Hồng Kông, Trung Quốc và thị trường Nam Mỹ.
Vì khan hiếm nên sẽ dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phải bắt cá 700-800 gram/con để chế biến đáp ứng một số hợp đồng xuất khẩu bán size cá cỡ nhỏ. Trong khi đó, con giống lại đang bị ảnh hưởng thời tiết lạnh, khả năng sẽ làm nguyên liệu thiếu hụt vào quý III/2017 lớn hơn. Do vậy, các doanh nghiệp phải tính toán, chủ động nguyên liệu bằng việc đầu tư hoặc liên kết nuôi với người dân để có đủ nguyên liệu cho năm 2017.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết định hướng xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc trong năm 2017 vẫn chiếm khoảng 20% của toàn ngành. Sau Trung Quốc - Hồng Kông, theo VASEP thì Mỹ cũng là thị trường tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá tốt trong nhập khẩu cá tra của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ bị sụt giảm do chính sách bảo hộ của tổng thống mới đắc cử Donald Trump. Riêng đối với thị trường EU, dự báo năm 2016 xuất khẩu cá tra đạt 260 triệu USD Mỹ, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, đây cũng là năm thứ ba liên tiếp xuất khẩu cá tra vào thị trường này chững lại và sụt giảm.