Với ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề, việc hút thuốc lá, thuốc lào rất phổ biến với 47% nam giới hút thuốc, cùng với việc xuất hiện và lan tràn các vi khuẩn kháng thuốc, đa kháng thuốc làm cho tỷ lệ mắc và tử vong của các bệnh hô hấp ngày càng gia tăng.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới được WHO coi là nguyên nhân gây tử vong cao.
Hầu hết các bệnh lý hô hấp đều có biểu hiện ho, khạc đờm, đau ngực hoặc khó thở, tùy theo từng bệnh lý cụ thể, mà các triệu chứng có thể có những biểu hiện, diễn biến khác nhau, chẳng hạn, bệnh nhân viêm phế quản cấp, viêm phổi thường có các triệu chứng diễn biến cấp tính, trong thời gian ngắn, với các triệu chứng như: sốt, ho, khạc đờm mủ… |
Thông tin đáng lo ngại trên được giáo sư Ngô Quý Châu - Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh tại Hội nghị khoa học thường niên, do Hội Hô hấp Việt Nam tổ chức trong hai ngày cuối tuần qua tại Hà Nội. Theo giáo sư Châu, bệnh hô hấp là nhóm bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên sức khoẻ cộng đồng ở các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Vì vậy, hội nghị được tổ chức nhằm cập nhật thông tin mới về chẩn đoán và điều trị các bệnh lý hô hấp, các kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý hô hấp như: Nội soi can thiệp, CT scan định lượng phổi…; Ứng dụng phương pháp điều trị mới: sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Viêm phế quản cấp là bệnh rất thường gặp ở Việt Nam, hầu như bất cứ người nào cũng đều đã một hoặc nhiều lần bị viêm phế quản cấp, bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi hoặc người già, những người có bệnh mũi, xoang hoặc khuyết tật về phổi…
Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng cũng là một trong những nhiễm trùng hô hấp rất thường gặp, hàng năm tại Hoa Kỳ có từ 2-3 triệu bệnh nhân mắc viêm phổi nhập viện điều trị, tại Khoa hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, khoảng 12% các bệnh nhân nhập viện điều trị vì viêm phổi. Hầu hết các bệnh nhân viêm phổi được chữa khỏi hoàn toàn, một số bệnh nhân có thể tiến triển thành áp xe phổi, hoặc tràn mủ màng phổi, một số ít bệnh nhân có thể tiến triển thành hội chứng suy hô hấp cấp tính, nhiễm khuẩn huyết và có thể tử vong. Ngày càng có nhiều loại virus có khả năng gây nhiễm trùng đường hô hấp, với độc lực cao như virus cúm A H5N1… Viêm phổi do virus có thể lây lan nhanh thành dịch lớn như viêm phổi do virus SARS, virus cúm A H1N1…
Hen phế quản là bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lứa tuổi trên toàn thế giới. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày khi tình trạng bệnh không được kiểm soát. Bệnh nhân có thể xuất hiện cơn bùng phát nặng có thể gây tử vong ở bất cứ thời điểm nào khi tiếp xúc với dị nguyên, ngay cả khi bệnh đã hoàn toàn được kiểm soát.
Thế giới hiện có khoảng 300 triệu người mắc hen phế quản, và khoảng 250.000 trường hợp tử vong vì hen phế quản mỗi năm. Tỷ lệ mắc hen phế quản ước tính khoảng 6-8% ở người lớn và khoảng 10-12% ở trẻ em dưới 15 tuổi. Ở Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc hen phế quản dao động từ 1,1% ở Đà Lạt cho tới cao nhất là 5,5% ở cư dân một số khu vực Hà Nội.
Ung thư phổi là loại ung thư gây tử vong hàng đầu ở hầu hết các nước trên thế giới. Nam mắc bệnh nhiều hơn nữ (tỷ lệ 5 nam/ 1 nữ), bên cạnh đó, hầu hết các bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn muộn, không còn chỉ định phẫu thuật (60-80%), do vậy, thời gian từ khi được phát hiện đến khi tử vong ngắn, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ dưới 15%.
Lao phổi hiện nay có tần xuất cao ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Lao có thể gây các tổn thương đa dạng ở đường hô hấp từ lao thanh quản xuống khí phế quản, nhu mô phổi, màng phổi. Nguy cơ các vi khuẩn lao kháng thuốc và lao đa kháng thuốc ngày một nhiều. Đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được quan tâm nhiều hơn nữa.