Từ 7/8, quy định về chuẩn đào tạo đại học (ĐH) sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, Thông tư không quy định cụ thể theo hướng “cầm tay chỉ việc” mà linh hoạt, đảm bảo quyền tự chủ của các trường.
Theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ Phó Vụ ĐH (Bộ GDĐT), đây là lần đầu tiên, trong một thông tư của Bộ GDĐT quy tụ các quy định có tính chuẩn mực với một chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH ở tất cả các mặt. Điều này là cần thiết và đã đã được luật hóa giúp cho trường ĐH xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan, thể hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình.
“Trên thực tế, trước đây, Việt Nam từng thực hiện khung chương trình đào tạo nhưng sau đó đã bỏ vì tính cứng nhắc, thiếu linh động và ràng buộc các trường. Nay Bộ GDĐT ban hành chuẩn đào tạo ĐH làm cơ sở để các trường xây dựng chương trình, kiểm định và hội nhập quốc tế. Tôi đánh giá chuẩn này đảm bảo linh hoạt và có khả năng điều chỉnh, định hướng chứ không phải áp đặt cho tất cả các trường phải giống như một trường” - TS Lê Viết Khuyến cho hay.
Với cách tiếp cận xuyên suốt theo hướng quản lý chất lượng đầu ra, việc “đánh giá đạt chuẩn đầu ra chương trình đào tạo” được xem là một yêu cầu mới đối với quản lý chất lượng đào tạo.
Cách tiếp cận quản lý chất lượng này yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH không chỉ minh bạch chuẩn đầu ra cho các bên liên quan mà còn phải cung cấp được minh chứng người tốt nghiệp đạt được những chuẩn đầu ra mà cơ sở giáo dục ĐH đã tuyên bố với người học và các bên liên quan cũng như toàn xã hội.
Về phía nhà tuyển dụng, ông Nguyễn Tiến Đông, Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Vinfast chia sẻ, nếu như chuẩn đầu ra của chương trình xây dựng tốt nhưng khi đào tạo cho qua hết thì cũng chẳng khác nào “thắt bên này, mở bên kia”.
“Với tư cách nhà tuyển dụng, chúng tôi quan tâm thực chất đào tạo có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không thay vì quá quan tâm đến bằng cấp của ứng cử viên. Nhưng mỗi cuộc phỏng vấn chỉ kéo dài vài phút, nhà tuyển dụng chỉ có thể đánh giá sơ bộ thông qua thái độ, cách trả lời câu hỏi; đương nhiên là cần phải xem bằng cấp có phù hợp với công việc hay không. Vì thế, dù không quyết định tất cả thì tấm bằng ứng cử viên nộp vào cũng là một căn cứ để người đó được tuyển dụng hay không và thương hiệu của trường lúc này sẽ phát huy tác dụng” - ông Nguyễn Tiến Đông chia sẻ.
Đơn cử như đối với năng lực ngoại ngữ, hiện nay có trường quy định để được xét và công nhận tốt nghiệp (chuẩn đầu ra) là phải có chứng chỉ tiếng Anh, Tin học tùy vào ngành học, tùy trường mà mức độ khác nhau.
Chẳng hạn, đối với ngoại ngữ, sinh viên muốn tốt nghiệp phải đạt chứng chỉ TOEIC hay IELTS, TOEFL… với thang điểm quy đổi tùy trường trong khi có những trường, sinh viên chỉ cần đảm bảo học và thi đạt học phần ngoại ngữ, tin học trong trường là được.
Ngay cả với từng trường, tùy từng thời điểm quy định này cũng có những thay đổi. Tại Học viện Ngân hàng, với khóa tuyển sinh 2018 trở về trước yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ mới ra trường thì từ khóa tuyển sinh 2019 trở đi được sử dụng kết quả học phần đại cương để thay cho chuẩn đầu ra Tin học, Tiếng Anh.
“Tất cả những điều này cần được đưa thành quy định về chuẩn đầu ra thống nhất cho các trường, tránh mỗi nơi áp dụng một kiểu sẽ làm khó cho các trường học thật, thi thật” - TS Lê Viết Khuyến phân tích.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GDĐT cho rằng việc ban hành chuẩn chương trình đào tạo tối thiểu là cần thiết để đảm bảo sự tương đồng về chuẩn đào tạo giữa các chương trình đào tạo cùng ngành ở cùng trình độ.
Các trường thiết kế và phát triển chương trình đào tạo dựa trên chuẩn này, trong đó đảm bảo sự gắn kết giữa giảng dạy, học tập và đánh giá, đảm bảo chất lượng dựa trên các chuẩn tối thiểu này gắn với khung trình độ quốc gia.
Còn Thông tư không quy định cụ thể theo hướng “cầm tay chỉ việc” mà quy định những yêu cầu cơ sở giáo dục ĐH cũng như các bên liên quan cần thực hiện trong mỗi nội dung công việc liên quan đến chất lượng các chương trình đào tạo.
Triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam về giáo dục nghề nghiệp
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành tại Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 về Kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021-2025.
Yêu cầu của Kế hoạch là xác định nội dung, nhiệm vụ cụ thể để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các bộ, ngành, địa phương) tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ GDNN một cách đồng bộ và hiệu quả, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật GDNN, Luật Giáo dục và các quy định pháp luật.
Một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Kế hoạch là xây dựng và ban hành các văn bản, tài liệu để triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ GDNN.
Cụ thể, từ quý II/2021 đến quý IV/2022, xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định, tài liệu hướng dẫn về chuẩn đầu ra và khối lượng học tập tối thiểu theo tín chỉ cho các trình độ GDNN.
Từ quý III/2021 đến quý II/2022: Xây dựng và ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo, tài liệu hướng dẫn các cơ sở GDNN rà soát, điều chỉnh cấu trúc, nội dung, phương pháp thực hiện chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra và quy định của Luật GDNN bảo đảm phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động.
Từ quý I/2022 đến quý VI/2022: Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về bảo đảm chất lượng các trình độ giáo dục nghề nghiệp, bao gồm cả chất lượng đào tạo từ xa, trực tuyến và chỉnh sửa, bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, từ quý IV/2021 đến quý IV/2023; nghiên cứu xây dựng quan hệ giữa tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia với các trình độ đào tạo theo khung trình độ quốc gia.
Từ quý III/2021 đến quý III/2025: Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khác là triển khai, cập nhật, phát triển chương trình đào tạo nghề nghiệp theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, trong đó, tiếp tục hướng dẫn, xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành nghề của các trình độ GDNN.
Từ quý I/2022 đến quý IV/2023: Hướng dẫn điều chỉnh cấu trúc, nội dung, phương pháp thực hiện chương trình đào tạo, biên soạn chi tiết các mô đun, môn học, học phần, giáo trình, kế hoạch đào tạo trên cơ sở chương trình đào tạo đã được cập nhật, phát triển bảo đảm theo quy định của Luật GDNN và theo các hướng dẫn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Từ quý IV/2021 đến quý IV/2025: Thực hiện các nội dung, hoạt động trong tiến trình tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam (đối với các trình độ GDNN) với Khung tham chiếu trình độ ASEAN và các khung trình độ quốc gia khác, trong đó, thực hiện việc công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực ASEAN.