Khi kiểm toán các DN, đối với một số tập đoàn, tổng công ty có số lượng và quy mô nghiệp vụ kinh tế liên quan đến ngoại tệ lớn thì rủi ro có sai sót liên quan đến chênh lệch tỷ giá là đáng kể và cần được kiểm toán viên lưu ý bởi quy mô, bản chất và tần suất phát sinh của các khoản chênh lệch tỷ giá cũng trở nên đa dạng và phức tạp hơn.
Cần kiểm tra chi tiết đến các bảng tính theo dõi chênh lệch tỷ giá
Theo ông Vũ Minh Đức - Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VI, đối với nhiều DN được kiểm toán, chênh lệch tỷ giá không phải là một nội dung kiểm toán trọng yếu do có quy mô giá trị thấp, tần suất phát sinh nhỏ lẻ. Tuy nhiên, một số tập đoàn, tổng công ty có số lượng và quy mô nghiệp vụ kinh tế liên quan đến ngoại tệ lớn thì rủi ro có sai sót liên quan đến chênh lệch tỷ giá là đáng kể và cần được kiểm toán viên (KTV) lưu ý. Ngoài rủi ro có sai sót trong công tác kế toán, đơn vị có phát sinh các khoản mục có gốc ngoại tệ bằng tiền, phải thu, cho vay cũng thường có các sai sót trong công tác kê khai hoãn thuế thu nhập DN.
Tổng hợp kết quả kiểm toán DN thời gian qua cho thấy, sai sót chủ yếu trong công tác kế toán chênh lệch tỷ giá thường liên quan đến việc đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm cuối kỳ, cụ thể như: Các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ nhưng đơn vị chưa đánh giá lại chênh lệch tỷ giá tại thời điểm lập báo cáo tài chính (BCTC) theo quy định tại Điều 69 Thông tư số 200/2014/TT-BTC. Sai sót này tương đối dễ nhận diện thông qua kiểm tra các tài liệu xác nhận, đối chiếu số dư với các bên liên quan do các tài liệu này thường thể hiện số liệu bằng đơn vị nguyên tệ.
Tỷ giá được DN sử dụng để đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ chưa phù hợp quy định tại Điều 69 Thông tư số 200/2014/TT-BTC do lựa chọn sai giữa tỷ giá mua vào/bán ra hoặc chưa cập nhật đúng tỷ giá tại thời điểm lập BCTC. Sai sót này cũng tương đối dễ nhận diện thông qua đối chiếu, rà soát tỷ giá niêm yết của các ngân hàng tại thời điểm lập BCTC.
DN xác định chưa chính xác đơn vị nguyên tệ của các khoản mục có gốc ngoại tệ. Một số khoản mục có giao dịch phát sinh bằng một đơn vị tiền tệ này nhưng bản chất được quy đổi, tính toán từ một đơn vị đo lường khác, dẫn đến kế toán xác định sai nguyên tệ gốc của khoản mục. KTV cần lưu ý khi kiểm toán các đơn vị có các khoản vay, giao dịch đặc biệt như vay nợ các tổ chức quốc tế, vay ưu đãi ODA do sai sót dạng này thường mang tính đặc thù, không xảy ra thường xuyên.
Tương tự như trong công tác kế toán, sai sót trong kê khai tính thuế thu nhập DN, các khoản chênh lệch tỷ giá cũng thường liên quan đến việc đánh giá lại các khoản mục có gốc ngoại tệ tại thời điểm cuối kỳ và chủ yếu phát sinh trong việc kê khai hoãn lại các khoản lãi, lỗ chênh lệch tỷ giá. Hiện nay, để thực hiện theo quy định về thuế thu nhập DN tại Thông tư số 78/2014/TT-BTC và các văn bản sửa đổi bổ sung, mỗi DN lại có cách tiếp cận khác nhau để theo dõi và xác định chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện. Các DN thường lựa chọn một trong hai cách: Một là, theo dõi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện ở một bảng tính ngoài hệ thống tài khoản kế toán. Cách thức này đơn giản, dễ theo dõi, ít sai sót nhưng có nhược điểm là khó áp dụng, tốn nhiều công sức nếu số lượng giao dịch, khoản mục bằng ngoại tệ lớn. Hai là, tận dụng hệ thống tài khoản kế toán để theo dõi. Cách thức này nếu được thiết kế và triển khai hợp lý sẽ phù hợp với các DN có số lượng giao dịch, khoản mục bằng ngoại tệ lớn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro sai sót cao hơn cách thức đầu tiên.
Không ít DN có theo dõi chênh lệch tỷ giá để kê khai tính thuế thu nhập DN nhưng phương pháp, kết quả tính toán chưa chính xác. Hình thức và nguyên nhân sai sót loại này thường rất đa dạng, có tính đặc thù cao với từng DN, vì vậy, KTV cần vận dụng kinh nghiệm có được từ các cuộc kiểm toán trước đây, đồng thời cần kiểm tra chi tiết đến các bảng tính theo dõi chênh lệch tỷ giá (nếu có).
Có thể tự đưa ra các tình huống, giao dịch giả định để đánh giá khả năng sai sót tiềm tàng
Thực tiễn kiểm toán cho thấy, DN có thực hiện kế toán đánh giá chênh lệch tỷ giá nhưng chưa kê khai hoãn lại khi tính thuế thu nhập DN. Để nhận diện sai sót này, KTV cần lưu ý đối chiếu tờ khai thuế thu nhập DN khi nhận thấy có phát sinh lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá khi đánh giá lại các khoản mục tài sản có gốc ngoại tệ. Ngoài ra, DN đã kê khai hoãn lại chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện ở các kỳ tài chính trước nhưng chưa kê khai bổ sung trên tờ khai tính thuế thu nhập DN của kỳ tài chính giá trị các khoản lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện nay chuyển thành đã thực hiện. Sai sót này xảy ra tương đối thường xuyên, do đó, KTV cần kết hợp đối chiếu giữa số liệu kế toán và thông tin kê khai trên tờ khai thuế thu nhập DN (cả tờ khai của các kỳ trước). KTV cũng có thể tự đưa ra các tình huống, giao dịch giả định mang tính giản đơn và áp dụng phương pháp tính toán của DN để kiểm tra tính hợp lý, đúng đắn của phương pháp đó.
Ngoài việc lưu ý đến các sai sót đã được phát hiện trong quá trình kiểm toán, KTV cũng nên quan tâm, nghiên cứu và đánh giá khả năng có các sai sót tiềm tàng, đặc biệt trong việc lựa chọn tỷ giá khi ghi nhận tài sản, nợ phải trả, doanh thu, chi phí. Tổng hợp kết quả kiểm toán DN của Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VI cho thấy, một số DN áp dụng chưa chính xác tỷ giá hạch toán tài sản cố định ở khâu nhập khẩu dẫn tới ảnh hưởng đến nguyên giá và chi phí khấu hao hằng năm. Tương tự, xác định sai tỷ giá của hàng hóa, nguyên vật liệu nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến giá vốn và giá trị hàng tồn kho.
Một số trường hợp DN áp dụng chưa chính xác tỷ giá khi ghi nhận doanh thu có thể ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước khi doanh thu được sử dụng làm tiêu thức để xác định, tính toán các khoản thuế, chẳng hạn như sử dụng doanh thu làm tiêu thức cho việc phân bổ thuế, xác định thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ. DN áp dụng chưa chính xác tỷ giá hạch toán của các giao dịch tại thời điểm phát sinh có thể dẫn tới việc tuy tổng lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá là không đổi nhưng làm thay đổi cấu phần giá trị chênh lệch tỷ giá thực hiện và chưa thực hiện, từ đó có thể ảnh hưởng đến nghĩa vụ về thuế thu nhập DN trong trường hợp phải hoãn lại phần giá trị chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện.
Ngoài ra, DN áp dụng tỷ giá chưa chính xác khi chuyển đổi số liệu kế toán của các công ty hoạt động ở nước ngoài trong quá trình hợp nhất báo cáo tài chính, từ đó có thể ảnh hưởng đến việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính. DN đánh giá chênh lệch tỷ giá cuối kỳ cho các khoản mục có gốc ngoại tệ trong khi các khoản mục này đã được đơn vị sử dụng công cụ tài chính để dự phòng rủi ro hối đoái.