Theo dõi hàng năm đối với các sông băng mang tính biểu tượng ở New Zealand, các nhà khoa học đã rất sốc khi thấy chúng càng ngày càng bị thu hẹp.
Những sông băng dần biến mất
Hàng năm, các nhà khoa học ở New Zealand đều bay qua một số sông băng mang tính biểu tượng của đất nước - những sông băng cổ xưa bắt nguồn từ dãy núi Alps phía Nam, một dãy núi kéo dài dọc theo Đảo Nam. Hầu như năm nào họ cũng nhận thấy chúng bị teo tóp lại. Năm nay cũng không ngoại lệ.
Cuối tháng 3 vừa qua, nhóm các nhà khoa học đã dành 8 giờ bay qua các đỉnh núi, chụp hàng nghìn bức ảnh về các sông băng để khảo sát đường tuyết hàng năm. Ông Andrew Mackintosh - Giáo sư tại Đại học Monash ở Australia, người tham gia chuyến bay - cho biết, ông cảm thấy "sốc" trước những gì đã nhìn thấy.
“Một số sông băng nhỏ hơn phần lớn đã biến mất, trong khi các sông băng nổi tiếng như Franz Josef và Fox có dấu hiệu thu hẹp rõ rệt” - ông Andrew Mackintosh nói .
Ông Andrew Lorrey, nhà khoa học chính tại cơ quan nghiên cứu Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển Quốc gia (NIWA), đồng thời là điều phối viên của cuộc khảo sát, nói với CNN: “Kết quả quan sát năm nay cho thấy băng tiếp tục tan trên phía Nam dãy núi Alps”.
Sông băng là những khối băng khổng lồ hình thành trong và xung quanh các ngọn núi. Chúng phát triển trong mùa đông lạnh giá, có tuyết và thu hẹp khi nhiệt độ ấm lên. Các sông băng là nguồn nước ngọt cho gần 2 tỷ người trên toàn cầu, nhưng sự tan chảy nhanh chóng của chúng đang gây ra nhiều rủi ro, không chỉ làm tăng nguy cơ lũ quét chết người mà nó còn khiến mực nước biển dâng cao.
2 năm nắng nóng kỷ lục, khắc nghiệt đã gây thiệt hại cho các sông băng – Năm 2022 là năm nóng nhất từ trước đến nay của New Zealand, đánh bại kỷ lục được thiết lập chỉ 1 năm trước đó. Nhưng xu hướng giảm băng là lâu dài.
Cuộc khảo sát đường tuyết do NIWA tổ chức diễn ra hầu như hàng năm trong gần 5 thập kỷ nhằm mục đích ghi lại ảnh chụp nhanh của hơn 50 sông băng (có kích thước và độ cao khác nhau) càng gần thời điểm kết thúc băng tuyết càng tốt. Các nhà khoa học đang xem xét cụ thể lớp tuyết bao phủ chúng. Bằng cách hiểu vị trí của đường tuyết, “bạn sẽ nắm bắt được điều gì đó về tình trạng của các sông băng. Bởi tuyết cung cấp một lớp nuôi dưỡng và bảo vệ các sông băng, bắt đầu vào mùa thu và tiếp tục cho đến mùa xuân” - ông Lorrey nói.
Ông Lorrey nhận định: Tuyết giống như một khoản tiền gửi tiết kiệm cho sông băng, một vùng đệm chống lại thời kỳ ấm hơn sắp tới. Khi mùa tan băng bắt đầu vào mùa xuân, nó phải trải qua “tài khoản tiết kiệm” tuyết mới này trước khi đến được phần thân của sông băng.
Khi đường tuyết trên núi xuống thấp hơn, sông băng có thể đông lại. Nhưng khi đường tuyết lên cao hơn, nhiều sông băng sẽ bị tan chảy, chuyển sang màu đỏ và bị co lại. Kết quả từ chuyến bay năm nay sẽ được đưa vào một báo cáo về sự biến đổi dài hạn ở các sông băng, dự kiến được công bố vào cuối năm nay.
Tác động từ biến đổi khí hậu
Nói về nguyên nhân của hiện tượng băng tan, các nhà khoa học cho rằng, là do khủng hoảng khí hậu. Bà Lauren Vargo - nhà nghiên cứu về sông băng tại Đại học Victoria ở Wellington, người tham gia cuộc khảo sát – cho biết: “Sự thay đổi nhiệt độ là yếu tố chính thúc đẩy hoạt động của các sông băng ở New Zealand”.
Theo một nghiên cứu năm 2020 do bà Vargo và ông Lorrey là đồng tác giả, sự tan chảy khắc nghiệt vào năm 2018, một trong những năm tồi tệ nhất được ghi nhận đối với các sông băng ở New Zealand, có khả năng xảy ra cao gấp 10 lần do biến đổi khí hậu.
Theo ông Lorrey, nếu xu hướng nóng lên tiếp diễn, chúng ta sẽ mất thêm nhiều sông băng. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 1, có tới một nửa sông băng trên thế giới có thể biến mất vào cuối thế kỷ này, ngay cả khi các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng được đáp ứng.
Ngoài các tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra, các biến đổi khí hậu tự nhiên cũng đóng một vai trò lớn. Những năm La Nina kéo dài bất thường khiến nhiệt độ nước biển và không khí ấm hơn mức trung bình, góp phần thúc đẩy sự tan chảy của sông băng. Trong khi đó, “đối tác” El Nino, thường mang lại điều kiện mát mẻ hơn cho khu vực này của New Zealand, được dự báo sẽ xảy ra vào cuối năm và có thể tạm thời giảm nhẹ.
Ông Lorrey nói: “Tôi luôn mong chờ El Nino và nhìn thấy một đường tuyết ở nơi thường thấy. Tuy nhiên nó sẽ không cứu vãn được xu hướng tan chảy của sông băng. Bởi những El Nino xảy ra quá ít và cách xa nhau để có thể chống lại xu hướng ấm lên đang diễn ra mà chúng ta đang chứng kiến”.
Bà Vargo cho biết, ban đầu, sự thay đổi mạnh mẽ của các sông băng “rất thú vị” theo một số cách. Nhưng khi xu hướng này kéo dài sẽ khó chấp nhận. Theo bà Vargo, việc mất dần các sông băng được cảm nhận sâu sắc, bởi người dân New Zealand có sự liên kết với chúng. Trước đây, người dân có thể đỗ xe trong bãi của công viên quốc gia và chỉ phải đi bộ một quãng ngắn để chạm vào sông băng, nhưng giờ đây điều đó trở nên khó khăn hơn khi họ cần phải đi sâu hơn vào trong núi, thậm chí phải bay đến đó trên những chiếc máy bay nhỏ.
“Đó sẽ là một trải nghiệm nằm ngoài tầm với của nhiều người. Việc mất đi các sông băng sẽ có tác động đáng lo ngại tới môi trường” – ông Lorrey nói.
Sông băng cũng có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước cho các dòng suối trên núi cao, đặc biệt là trong những năm hạn hán. Sự thay đổi đang diễn ra là một lời nhắc nhở rằng, thiên nhiên đang thay đổi nhanh chóng. Sông băng là một yếu tố trực quan sinh động của sự thay đổi môi trường, giúp chúng ta hình dung rõ hơn về những thứ khác mà chúng ta không nhìn thấy.