Tại buổi thảo luận của Tiểu ban 3: Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực diễn ra sáng 15/12 trong khuôn khổ Hội thảo Việt Nam học lần thứ 5, các đại biểu đã cùng thảo luận về vấn đề tự chủ ĐH. Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay các quy định về tự chủ đã được cải tiến khá nhiều nhưng vẫn chưa mạnh dạn thực thi, bị ràng buộc bởi quá nhiều cơ chế, luật định cũng như các trường ĐH vẫn mang tâm lý e dè.
Tham gia thảo luận, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói: “Tự chủ ĐH bước đầu thực hiện có cái tốt, nhưng cũng có nhiều vấn đề phát sinh, hiện nay tôi đứng trước áp lực. Nếu có mở rộng tự chủ ĐH mà không quản lý được thì không khác nào mở hàng loạt ĐH như trước đây”.
“Các trường hiện nay hoạt động phụ thuộc chủ yếu vào học phí của học sinh trong khi bộ máy cồng kềnh, người vào học ít, chất lượng thấp, học phí thấp thì làm sao nuôi được thầy giỏi? Trường nào làm đơn xin, tôi sẽ duyệt cho phá sản. Những trường tốt không những được tuyển sinh, có mức học phí cao mà còn được xem xét đầu tư thêm để phát triển tốt hơn, không phân biệt giữa trường công và trường tư. Tư cũng tốt, công cũng tốt tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, trừ một số trường nhà nước giao, đặc biệt như Khoa học cơ bản” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Sắp tới liên quan đến tự chủ, trước hết là về tuyển sinh, Bộ GD&ĐT sẽ mạnh dạn, tất nhiên là không buông, sẽ cho các trường tự xác định chỉ tiêu, căn cứ vào công khai giảng viên thực tế chứ không phải giảng viên “mượn, ký hợp đồng cho có”. Như thế các trường không thể trách Bộ chuyện “ảo” nữa. Bộ sẽ hỗ trợ cổng thông tin, theo đó tất cả các thông tin điểm, người đăng ký nguyện vọng và các trường sẽ vào đó tự phải chọn người học. Cách làm này nhằm tạo hành lang, Bộ sẽ không làm thay về tuyển sinh.
Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Muốn tự chủ phải tự chịu trách nhiệm, chứ không phải muốn làm gì thì làm. Tới đây, các trường ĐH sẽ thấy quy chế tuyển sinh tôi làm rất mạnh, ông hiệu trưởng nào mà không quản lý được phải chịu phạt. Nhất là trường công, để cấp dưới làm sai, tôi xử lý Hiệu trưởng. Hội đồng trường phải là thực quyền. Năm tới, tôi chỉ đạo là các trường ĐH trực thuộc Bộ sẽ tiên phong tự chủ, không trực thuộc ai cả, bước ra thị trường mà người đứng đầu Hội đồng trường chịu trách nhiệm trước pháp luật”.