Với mỗi gia đình người Việt, ngày Tết không thể thiếu đi cặp bánh chưng bày trên bàn thờ ông bà, tổ tiên. Mỗi dịp Tết đến xuân về với người Việt Nam, hẳn ai cũng nhớ tới câu đối Tết: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Ý nghĩa truyền thống của bánh chưng
Bánh chưng đã có lịch sử lâu đời trong ẩm thực truyền thống Việt Nam và có vị trí đặc biệt trong tâm thức của người Việt bởi sự ra đời của nó được bắt nguồn từ nguồn gốc của dân tộc Việt Nam.
Bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho đất, nó còn gói trong đó là một nền văn minh nông nghiệp lúa nước phát triển. Bánh chưng chính là sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi.
Bên ngoài là chiếc lá dong dùng để gói, bên trong là các nguyên liệu: gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, hạt tiêu, muối những nguyên này là sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi. Tất cả sản phẩm này từ sức lao động của con người được hòa quyện một cách tinh tế, hài hòa và hợp lý trong chiếc bánh chưng.
Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ gia đình. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, những chiếc bánh nhỏ gói riêng cho trẻ nhỏ.
Dinh dưỡng của mỗi chiếc bánh chưng
Mặc dù, với cuộc sống hiện đại ngày nay, bánh chưng vẫn là món ẩm thực trong mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu với các gia đình người Việt Nam. Bánh chưng thường được ăn với dưa góp, hành muối. Đây cũng là một cách ăn truyền thống rất khoa học của cha ông ta, bởi lẽ, xét về mặt dinh dưỡng, cách ăn đó có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, vì nguyên liệu bao gồm gạo nếp (nhóm chất bột đường); đỗ xanh; thịt lợn (nhóm chất đạm động vật và đạm thực vật; nhóm chất béo); hành củ; hạt tiêu (nhóm vitamin và khoáng chất)…
Mặt khác, bánh chưng được làm từ gạo nếp, khó tiêu, chính vì vậy, khi ăn bánh với dưa góp, hành muối sẽ kích thích tiêu hóa, giúp cho chúng ta không bị đầy bụng.
Cách lựa chọn, bảo quản bánh chưng
Ngày nay, vì công việc bận rộn, nhiều gia đình không tự gói mà đi mua bánh chưng. Chính vì vậy, chúng ta cần lưu ý trong cách chọn và bảo quản bánh chưng để bánh chưng luôn được đảm bảo trong ngày Tết.
Theo kinh nghiệm của các nhà sản xuất, bánh mốc là do lá, do vậy lá để gói bánh chưng phải rửa thật sạch, sau đó dựng góc nhà cho ráo nước, tránh nơi có gió. Khi mua bánh chưng về không được cho vào túi nilon mà cần treo lên, nếu trời nồm phải cho vào ngăn mát của tủ lạnh.
Ở môi trường tự nhiên, bánh chưng thường để được 5 ngày. Nếu để trong ngăn mát tủ lạnh được 15-20 ngày nhưng bánh chưng sẽ bị rắn, lại gạo.
Nếu luộc bánh chưng bằng thùng tôn hoa, bánh sẽ có màu xanh rất đẹp, nếu luộc thùng nhôm hay inox bánh có màu lá xanh nâu. Khi mua nên chọn bánh có màu xanh nâu vì thùng tôn chứa nhiều tạp chất kim loại, tuy cho bánh màu xanh nhưng không tốt cho sức khỏe.
Nhiều người kinh doanh muốn sản xuất nhanh có sản phẩm bánh chưng để bán ra thị trường, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, mọi người tiêu dùng cần chú ý trong việc lựa chọn bánh chưng ngày Tết bởi những chiếc bánh xanh đẹp, dẻo thơm lại tiềm ẩn chứa hóa chất không tốt cho sức khỏe.
Chất độc được nhắc tới chính là pin. Môi trường chính trong những viên pin là môi trường kiềm. Trong môi trường này, diệp lục (chất tạo màu xanh cho lá cây) có trong lá dong gói bánh sẽ chuyển thành màu xanh đậm. Đồng thời, kiềm còn giúp tinh bột hấp thụ nước tốt và trong hơn. Do đó, nhiều người đã dùng pin để luộc bánh chưng, vừa làm bánh chưng nhanhchín, hạt nếp trong, màu vỏ lá lại xanh hơn, bắt mắt hơn.
Tuy nhiên, những nguy cơ tiềm tàng lại không được nhiều người chú ý tới, đó là các kim loại nặng có trong pin: Chì (PB), Thủy ngân (Hg), Cadmium (Cd) và Asen hay còn gọi là thạch tín (Á),…đều là những chất cực độc, nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người.
Bí quyết nhỏ giúp mọi người tránh chọn phải bánh chưng luộc có pin là cần chú ý tới màu sắc của bánh khi mua. Thời gian luộc bánh chưng thường là 8 – 9 giờ mới chín, do đó lớp lá bên ngoài thường ngả màu, hơi vàng hay xanh nâu. Bánh chưng luộc có pin mất ít thời gian hơn, vỏ ngoài sẽ có màu xanh mướt, ánh tím.