Cách làm mới nông thôn ở Hải Phòng

Hải Nhi 14/08/2017 09:35

Thời gian qua, Hải Phòng xây dựng nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt, góp phần thiết thực xây dựng nông thôn mới.

Sản xuất rau xanh công nghệ cao tại Hải Phòng.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hải Phòng, đến nay ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã thu hút 6 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, Công ty đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco thuộc Tập đoàn VinGroup đầu tư sản xuất sản phẩm nông nghiệp tại huyện Vĩnh Bảo giai đoạn 1 tại xã Tân Liên trên 46,5ha, đưa ra thị trường một số sản phẩm an toàn thực phẩm (bí, dưa chuột, rau muống, đậu đũa...). Công ty TNHH DaBaCo triển khai xây mới, cải tạo chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải, diện tích 6,7 ha tại xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên). Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Châu Giang sản xuất hoa, dưa trong hệ thống nhà lưới, nhà kính với quy mô 3 ha…

Hiện có 4 doanh nghiệp đang khảo sát địa điểm đầu tư nuôi trồng và chế biến thủy sản ở Tiên Lãng; sản xuất hoa, dưa trong hệ thống nhà lưới, nhà kính tại huyện Thủy Nguyên; xây dựng khu chăn nuôi phức hợp tại huyện Kiến Thụy; sản xuất rau gia vị tại huyện Thủy Nguyên.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân, TP Hải Phòng đang bắt đầu triển khai Đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn và nâng cao thu nhập nông dân giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025 (Đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp). Với việc chú trọng hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn và hình thành hệ thống cung ứng nông sản an toàn có truy xuất nguồn gốc, đây là quyết sách được người dân kỳ vọng sẽ định hướng, dẫn dắt để thu hút nguồn lực phát triển, hiện đại hóa nông nghiệp.

Ông Đỗ Đức Hưng, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết, để thụ hưởng hỗ trợ đề án, các cá nhân, hộ sản xuất nông nghiệp, thủy sản cần tham gia liên kết chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và được thành phố hỗ trợ một lần bằng 50% kinh phí xây dựng nhà lưới, nhà bạt, nhưng không quá 1 tỷ đồng/ha; hỗ trợ 50% kinh phí làm vòm che, màng phủ, hệ thống tưới nước tự động, quạt nước, sục khí, nhưng không quá 200 triệu đồng/ha. Trong hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo đề án, các doanh nghiệp được hỗ trợ khi thực hiện dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 850 ha quy mô lớn và 1.940 ha quy mô vừa.

Đề án cũng đưa ra đối tượng, mức hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn. Trong đó, hỗ trợ chứng nhận vùng sản xuất nông sản an toàn, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ mỗi xã xây dựng một sản phẩm thế mạnh đặc trưng. Ngoài ra, một số chính sách hỗ trợ khác được đề cập trong đề án như hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển trang trại chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng công trình xử lý chất thải cho trang trại, khu sản xuất nông nghiệp tập trung; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Văn Hà khẳng định, đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nhằm hướng đến sự đồng bộ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện phát triển sản xuất nông sản, thủy sản hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Đồng thời, có cơ chế đủ mạnh để thu hút vốn, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TP Hải Phòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách làm mới nông thôn ở Hải Phòng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO