Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đem lại nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam nhưng đi kèm với đó là những tác động khá rõ đến một số ngành lao động thủ công hay những ngành nghề gắn với quá trình tự động hóa, như dệt may, lắp ráp điện tử... Việt Nam cần phải làm gì để ứng phó với xu thế này? Câu trả lời được giới chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại Diễn đàn Cách mạng công nghiệp 4.0 do Bộ Công thương tổ chức ngày 11/4.
Đầu tư vào công nghệ để chủ động bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.
Tác động đến nhiều ngành kinh tế
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang xóa nhòa khoảng cách giữa thế giới thực với thế giới ảo thông qua các công nghệ tiên tiến, sự đổi mới, sáng tạo không ngừng. Cuộc cách mạng này tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội như công nghiệp, nông nghiệp, ngân hàng, giao thông vận tải, dệt may…, đến DN và các địa phương”.
Đồng thời bà Thoa khẳng định, đây là cơ hội mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt để tranh thủ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sớm thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, theo bà Thoa, nếu không định hướng được rõ ràng mục tiêu, cách thức tiếp cận và tham gia thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới giáo dục, phát triển khoa học và công nghệ phù hợp thì sức ép đặt ra cho Việt Nam bởi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là rất lớn.
Nói về những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Trần Việt Hòa- Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) cho hay, với xu hướng phát triển và ứng dụng nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo và robot thông minh, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đe dọa lao động kĩ năng thấp và một số công việc như hành chính, văn phòng. Một nghiên cứu của Đại học Oxford đã ước tính, có tới 47% công việc hiện nay sẽ có tỉ lệ 75% tự động trong vòng 20 năm tới, chủ yếu là các công việc có thu nhập trung bình và văn phòng thường ngày mà không đòi hỏi trình độ kỹ thuật. Trong khi đó, theo một báo cáo về lao động và việc làm của Tổng cục Thống kê, trên 90% lao động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lao động giản đơn, trình độ lao động thấp.
“Thực tế này trở thành một thách thức rất lớn trong chính sách phát triển công nghiệp cũng như chính sách phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam thời gian tới”, ông Hòa nhận định.
Làm chủ công nghệ để tự tin hội nhập quốc tế. (Ảnh: T.L).
Phải làm chủ được công nghệ
Việt Nam hoàn toàn có thể tiến lên và đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chỉ cần có cách tiếp cận độc đáo, khác biệt và khả thi sẽ giúp Việt Nam tận dụng cơ hội CMCN 4.0 bứt phá phát triển. Tuy nhiên, không thể không nói đến những ngành sẽ phải đối diện với những khó khăn, mà theo PGS.TS. Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, những ngành gắn với lao động thủ công sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, kế đến là ngành nghề gắn với quá trình tự động hóa.
Ví dụ, ngành dệt may, với những thao tác cắt, may thì máy móc đều có thể thay thế được. Công nghệ 4.0 có thể làm việc 24/24 giờ mà không cần “nạp năng lượng”, thậm chí làm trong điều kiện không cần ánh sáng mà vẫn kiểm soát được tốc độ, chất lượng sản phẩm.
“Hay với ngành lắp ráp điện tử, robot cũng có thể thay thế. Gần nhất là ngành lái xe, trước tiên là lái xe taxi có thể nhanh chóng bị loại ra khỏi cuộc chơi trong vòng chưa đầy 20 năm nữa”- ông Thiên nhận định.
Vẫn theo ông Thiên, Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng của phát hiện vấn đề và nhu cầu, của toàn dân và của các doanh nghiệp siêu nhỏ. “Và Việt Nam muốn đón nhận được thì phải đi trước một bước. Ngoài việc nâng cao giáo dục đào tạo, nhân lực số, kết cấu hạ tầng thì thể chế của Việt Nam cũng cần tăng khuyến khích, thúc đẩy sáng tạo và lấy doanh nghiệp làm trung tâm”, ông Thiên nêu quan điểm.
Nhận định về những chuyển biến mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra hiện nay, TS Phạm Đình Thưởng- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) cho rằng, những thay đổi trong công nghệ những năm gần đây đã được nhận định là những dấu hiệu của một cuộc cách mạng công nghiệp và đây là cuộc cách mạng có tác động toàn cầu.
Tuy nhiên, theo TS Thưởng, nếu như những thách thức trong hoạch định chính sách trước những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp đối với các nước phát triển là một thì đối với những nước đang phát triển như Việt Nam sẽ là mười. Như vậy, Việt Nam cần phải vượt qua khá nhiều thách thức để có thể làm chủ được tình thế, đặc biệt làm chủ về công nghệ. Mặc dù để có thể làm chủ công nghệ không phải việc dễ dàng, song theo vị chuyên gia này, với tình thế của Việt Nam hiện nay không quá khó.
“Chúng ta đã và đang có những yếu tố quan trọng cho cuộc cách mạng lần này, đó là tỷ lệ dân số và DN sử dụng Internet cao: khoảng 54% dân số vào năm 2016, đứng thứ 5 khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh cũng đạt tới 55%... đó là những yếu tố để khẳng định ngành công nghệ thông tin đang có sự phát triển mạnh mẽ và là cơ hội để chúng ta có thể vươn lên làm chủ công nghệ”- TS. Phạm Đình Thưởng nhấn mạnh.
TS. Phạm Đình Thưởng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) cho rằng: “Đối với Việt Nam, làm chủ công nghệ ở giai đoạn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dường như lại dễ hơn việc làm chủ công nghệ ở những cuộc cách mạng công nghiệp trước. Ngoài yếu tố hoàn cảnh lịch sử, thì những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây là những thay đổi hoàn toàn khác biệt ở một môi trường cách xa về khoa học và công nghệ, từ sử dụng máy hơi nước đến dây chuyền sản xuất hàng loại, đến tin học và tự động hóa. Còn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chúng ta có quá nhiều yếu tố để kế thừa: Tin học, Internet và tự động hóa…” |