Văn hóa

Cách nào đưa nghệ thuật Tuồng vào đời sống đương đại?

Hoàng Vân 28/11/2023 13:25

Từ thực tế Tuồng đang bị mai một và xa rời khán giả, các chuyên gia bày tỏ mong muốn tới đây Tuồng sẽ sớm được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể. Bởi nếu được ghi danh đây sẽ là cơ sở để di sản này được bảo vệ và phát huy giá trị trong đời sống đương đại.

Nghệ thuật Tuồng trong di sản văn hóa truyền thống Việt

677.jpg
Nghệ thuật tuồng được xem là vốn quý của sân khấu dân tộc, mang ý nghĩa nhân văn, giá trị thẩm mỹ cao và đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Thiết kế sáng tạo 2023, Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động nhằm đưa nghệ thuật Tuồng đến gần với công chúng.

Theo Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, Tuồng là một loại hình sân khấu truyền thống của Việt Nam, hình thành trên cơ sở nền nghệ thuật ca, vũ, nhạc, những trò diễn xướng dân gian. Tuồng đã xuất hiện từ rất lâu đời nhưng đạt đến đỉnh cao vào khoảng thế kỷ 18-19 ở triều đình nhà Nguyễn và được triều đình nhà Nguyễn coi là quốc kịch.

Đặc trưng độc đáo nhất của Tuồng là tính bi hùng. Tuồng được coi là sân khấu của những người anh hùng có lý tưởng cao cả. Mỗi vở Tuồng, mỗi nhân vật đều là những bài học, những tấm gương về đạo lý, đặc biệt là đạo trung quân ái quốc. Thủ pháp ước lệ là đặc trưng xuyên suốt trong nghệ thuật trình diễn. Khoa trương cách điệu là một nguyên tắc thể hiện đòi hỏi các yếu tố ngôn ngữ tham gia trong vở diễn như: Hát, nói, diễn, động tác, hóa trang, phục trang, bài trí sân khấu, âm nhạc... phải tuân thủ. Tuồng chú trọng lột tả cái thần của sự kiện và con người, không đi sâu vào chi tiết tỉ mỉ, dùng phương pháp gợi tả để lôi kéo, kích thích trí tưởng tượng của người xem cùng tham gia sáng tạo và đồng cảm với nghệ sỹ trình diễn.

Cùng với sự hấp dẫn về giá trị tư tưởng, tính nhân văn sâu sắc của từng trích đoạn, khán giả còn được chứng kiến và cảm nhận sự tinh tế trong nghệ thuật biểu diễn cũng như sự điêu luyện thể hiện hết mình của người diễn viên Tuồng.

70.jpg
Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội vốn là một rạp hát Tuồng có tên Sán Nhân Đài, sau đó lần lượt được đổi tên là Lạc Việt rồi Hiệp Thành. Ảnh: BQL Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội.

Trong nghệ thuật Tuồng, sàn diễn là nơi kể chuyện chứ không phải nơi xảy ra câu chuyện. Chính vì thế, để có thể diễn tả được nhiều không gian thời gian khác nhau, Tuồng thường ít hoặc không bài trí sân khấu. Người diễn viên Tuồng mang không gian trên mình, khi nhân vật xuất hiện thì không gian xuất hiện, khi nhân vật đi vào hoặc cần thay đổi thì không gian, thời gian trước đó không còn nữa. Nghệ thuật biểu diễn trong Tuồng có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi vì người diễn viên không chỉ biểu hiện tâm trạng, tính cách nhân vật mà trong những hoàn cảnh nhất định còn phải diễn tả không gian và thời gian trong tích trò. Sân khấu trống (không trang trí) cũng là một thủ pháp diễn tả độc đáo của Tuồng.

Dù vậy, Tuồng hiện được xem là môn nghệ thuật hàn lâm, là di sản độc đáo của người Việt, bởi tính “bác học” nói trên, không nhiều khán giả ngày nay có thể xem và hiểu về Tuồng.

Cách nào giữ chân khán giả?

Vì lẽ đó và đặt trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, thực trạng của sân khấu truyền thống nói chung, nghệ thuật Tuồng nói riêng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt là khi loại hình nghệ thuật này đang đối mặt với nhiều khó khăn, trước tiên là đổi mới để phù hợp với thị hiếu của khán giả.

Theo TS. Lư Thị Thanh Lê, Giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, để giúp công chúng tiếp nhận những tinh hoa của nghệ thuật tuồng thì cần tôn vinh nghệ thuật tuồng bằng cách thường xuyên giới thiệu các vở tuồng kinh điển cũng như những vở được dựng mới. Bên cạnh đó, cần có thêm những trích đoạn tuồng ngắn để giới thiệu với du khách, giúp họ hiểu thêm nét đặc sắc của tuồng; đem tuồng vào công nghiệp văn hóa, tạo ra sinh kế bền vững cho các nghệ sĩ...

Từ thực tế Tuồng đang bị mai một và xa rời khán giả, bà Chu Thu Phương, thành viên Ban Thư ký, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam bày tỏ mong muốn tới đây tuồng sẽ sớm được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể. Bởi nếu được ghi danh đây sẽ là cơ sở để di sản này được bảo vệ và phát huy giá trị trong đời sống đương đại.

Đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy Tuồng, bà Chu Thu Phương cho rằng các nhà thực hành, quản lý văn hóa cần bảo tồn Tuồng gốc. Đồng thời ứng dụng nhạc Tuồng vào múa hiện đại, ghép múa Tuồng với kịch câm, ứng dụng chất liệu Tuồng trong thời trang và sản xuất đồ lưu niệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách nào đưa nghệ thuật Tuồng vào đời sống đương đại?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO