Kinh tế

Cách nào giúp đồng bào vùng biên phát triển kinh tế?

Thái Linh 06/09/2023 11:05

Nhiều năm nay, Đảng và nhà nước ta luôn có chủ trương chăm lo, đầu tư, hỗ trợ nhiều mặt để giúp người dân ở vùng biên giới ổn định cuộc sống, từ đó an tâm bám bản, bám làng, không vượt biên trái phép, không buôn lậu hoặc bị lợi dụng, mua chuộc vận chuyển hàng cấm qua biên giới.

Do vậy, nhiều chính sách ưu đãi đã được ưu tiên cho bà con đồng bào vùng biên giới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Trong đó, Nghị định 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương mục Chương trình MTQG 1719 là một ví dụ.

Ngân hàng Chính sách huyện Bù Đốp. Ảnh: budop.binhphuoc.gov.vn
Ngân hàng Chính sách huyện Bù Đốp.

Tại huyện biên giới Bù Đốp (Bình Phước), việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi cho người dân vùng biên là trợ lực giúp người dân an tâm phát triển sản xuất, chăn nuôi, ổn định cuộc sống được ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thực hiện rất tích cực.

Đơn cử như trường hợp của gia đình bà Hoàng Thị Khôi, một trong những hộ dân tộc Tày của ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến, huyện biên giới Bù Đốp cho biết, nhờ vốn vay từ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), gia đình bà đã bổ sung thêm đàn dê, chăm sóc được vườn tiêu và nuôi ong lấy mật. Mùa nào gia đình bà cũng có nguồn thu ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Bà Hoàng Thị Khôi ở ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp chăm sóc đàn ong mật của gia đình. Ảnh: baodantoc.vn
Bà Hoàng Thị Khôi ở ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp chăm sóc đàn ong mật của gia đình.

Đầu năm 2022, gia đình chị Thị Út, thôn Thác Dài, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập được Nhà nước hỗ trợ các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vốn chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh với tổng 150 triệu đồng. Ngoài xây dựng nhà ở kiên cố, gia đình chị được khoan giếng có nước sạch sinh hoạt, được hỗ trợ mua một cặp trâu giống làm sinh kế. Nhờ được hỗ trợ đồng bộ các nhu cầu, kết hợp với thu nhập ổn định từ cạo mủ cao su của vợ chồng chị, cuối năm 2022 gia đình đã thoát nghèo bền vững.

Bà Khôi, chị Út chỉ là 2 trường hợp trong hàng nghìn trường hợp được nhận sự hỗ trợ từ Chương trình vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Khi người dân có vốn để phát triển sản xuất, đời sống kinh tế ổn định thì người dân vùng biên giới nan tâm bám làng, bám đất để làm ăn. Không ai có thể lôi kéo, xúi giục vượt biên trái phép. Từ đó, bà con tích cực tham gia đẩy mạnh phong trào quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…

Ông Võ Trọng Hòa, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Bình Phước cho biết, thực hiện Nghị định số 28, Ngân hàng được giao triển khai 5 chương trình cho vay, gồm: cho vay hỗ trợ đất ở; cho vay hỗ trợ nhà ở; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Đến nay, Ngân hàng đã giải ngân được 14 tỷ 810 triệu đồng cho 208 hộ dân có nhu cầu vay vốn.

Trong quá trình triển khai thực hiện cho vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương mục Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 1 (từ 2021-2025), còn một số khó khăn, vướng mắc như: Tiến độ rà soát, lập, phê duyệt danh sách các đối tượng thụ hưởng còn chậm, do một số ngành chủ quản chưa có hướng dẫn, quy định định mức. Một số hộ thuộc đối tượng hỗ trợ nhà ở nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở hoặc địa điểm hộ gia đình dự kiến làm nhà thuộc đất sản xuất nông nghiệp nên nguồn vốn này đến nay chưa được triển khai. Thời gian tới, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Bình Phước tiếp tục phối hợp Ban Dân tộc tỉnh, UBND cấp huyện, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện bình xét cho vay đúng quy định.

Công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần nhân dân vùng biên luôn được Đảng và nhà nước ta quan tâm. Ảnh: budop.binhphuoc.gov.vn
Công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần nhân dân vùng biên luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm.

Lãnh đạo Dân tộc tỉnh Bình Phước cho biết: Chương trình cho vay theo Nghị định số 28 của Chính phủ là chủ trương lớn, có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với đồng bào DTTS. Có nguồn vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi và xây dựng nhà ở chính là động lực giúp bà con DTTS an cư để lao động, sản xuất, từng bước giảm nghèo bền vững, xây dựng điểm sáng biên cương.

Cùng với nguồn vốn cho vay theo Nghị định số 28 của Chính phủ, Ban Dân tộc tỉnh đã và đang phối hợp chính quyền các địa phương đẩy nhanh giải ngân 216 tỷ đồng từ Chương trình MTQG 1719 để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nguồn vốn này sẽ là động lực làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, biên giới của tỉnh Bình Phước trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách nào giúp đồng bào vùng biên phát triển kinh tế?