Cùng với số lượng người mắc Covid-19 tăng nhanh trong những ngày vừa qua, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc, thì xuất hiện nhiều người tái dương tính với SARS-CoV-2.
Ghi nhận tại TP HCM, nhiều bệnh nhân tiếp tục xuất hiện đầy đủ các triệu chứng như ho, sốt, đau họng, ớn lạnh… Vậy phòng tránh tái nhiễm Covid-19 bằng cách nào?
Khi nào được coi là tái nhiễm?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các bằng chứng sơ bộ cho thấy những người từng mắc Covid-19 có thể bị tái nhiễm dễ dàng hơn với biến thể Omicron so với các biến thể khác nhưng thông tin còn hạn chế.
Các chuyên gia y tế cho biết, trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 thường gặp ở những người từng mắc một biến chủng trước đây. Ví dụ như người đã từng nhiễm chủng Delta, nay sẽ nhiễm thêm biến chủng mới Omicron. Đối với những người đã nhiễm biến thể Omicron rồi thì rất khó và hiếm xảy ra nhiễm lại cùng một biến chủng trong thời gian ngắn.
Giải thích kỹ hơn về vấn đề này, BS Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, sau khi khỏi Covid-19, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập SARS-CoV-2. Mặc dù vậy, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, bệnh nền... Do đó, nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh chủ quan không tuân thủ 5K, khi tiếp xúc F0 mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm. "Ví dụ lần dương tính đầu tiên, người bệnh nhiễm chủng Delta, lần thứ hai có thể nhiễm chủng Omicron", BS Phúc nói. Các bệnh nhân dương tính sau khoảng một tháng khỏi bệnh, triệu chứng nhẹ hơn lần đầu và được tư vấn tự cách ly điều trị tại nhà, không cần nhập viện.
Đồng quan điểm, BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TP HCM cũng cho rằng, việc tái nhiễm Covid-19 trong một thời gian ngắn sau khi mắc hoàn toàn có thể xảy ra vì người bệnh có thể nhiễm hai biến chủng khác nhau. BS Khanh cũng nhận định, trên 3 tháng một người khỏi Covid-19 rồi nhiễm lại mới được xem là tái nhiễm.
Còn TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lý giải: Điều lạ ở virus SARS-CoV-2 khi tấn công vào cơ thể lần đầu tiên, để lại miễn dịch không cao. Đây là cơ sở cho nguy cơ tái nhiễm. Thế giới và Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp tái nhiễm với các chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau. Ở chủng Delta, tỉ lệ tái nhiễm là 1% và chủng Omicron thì số ca tái nhiễm cao hơn.
Thừa nhân có thể xuất hiện tình trạng tái nhiễm, tuy nhiên, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lưu ý cần phải phân biệt rạch ròi giữa tái nhiễm và tái dương tính. Theo đó, tái dương tính là tình trạng được ghi nhận khi người mắc đang trong diễn biến của bệnh. Họ từng có giai đoạn xét nghiệm cho kết quả âm tính, sau đó dương tính. Trong khi đó, tái nhiễm SARS-CoV-2 được hiểu là tiếp tục mắc Covid-19 sau khi đã khỏi hoàn toàn.
Đánh giá giữa chủng Detal và Omicron, theo các chuyên gia, sẽ có những đặc điểm khác nhau. Nếu như người nhiễm biến chủng Detal sẽ có rất nhiều người bị mất mùi (5-6 ngày sau phát bệnh sẽ mất mùi) thì 80-90% người nhiễm Omicron sẽ không mất mùi.
Không nên dùng thuốc “vô tội vạ”
Với những hướng dẫn từ Bộ Y tế đồng thời dựa trên kinh nghiệm đã từng điều trị, chăm sóc các bệnh nhân nhiễm Covid-19 cũng như phân tích nhóm bệnh đang theo dõi, lời khuyên của một số bác sĩ có điểm chung là: Không nên lạm dụng, dùng thuốc vô tội vạ khi mắc/tái nhiễm Covid-19.
Khi thấy cơ thể tái xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, rát họng… nhiều người “theo kinh nghiệm” liền sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng virus… Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, không nên lạm dụng thuốc, chỉ nên điều trị các triệu chứng, sốt thì hạ sốt, ho thì uống thuốc ho… Các loại kháng sinh, kháng viêm, kháng virus… muốn dùng thì phải nên hỏi bác sĩ. Việc tự uống thuốc hoặc hướng dẫn cho người thân sử dụng thuốc sẽ ảnh hưởng đến bản thân và gia đình, có thể gây hậu quả đáng tiếc.
Tương tự, BS Trương Hữu Khanh cũng lưu ý, mọi người không nên quá hoang mang, lo lắng vì khi tái nhiễm dù là biến thể mới nhưng đa phần sẽ nhẹ hơn so với mắc lần đầu, nhất là người đã tiêm đủ vaccine phòng Covid-19. Theo BS Khanh, việc xác định nhiễm biến thể nào không quá quan trọng, nếu nhiễm Delta nhưng đã được tiêm ngừa đầy đủ sẽ nhẹ, có thể tự khỏi. Nhiều người nhiễm Delta rồi tái nhiễm Omicron càng nhẹ càng mau hết, còn nếu nhiễm Omicron rồi thì gần như không tái nhiễm Delta.
Trong khi đó, BS.CK1 Đinh Quang Thanh, Cố vấn chuyên môn, Phụ trách khoa Phục hồi chức năng – Vật lý trị liệu, BV Phục hồi chức năng, Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM cho biết, Covid-19 bị rồi có thể bị lại, di chứng của nó nặng nề hơn các virus khác. Cái tâm lý mà để nhiễm rồi để khỏi bị lại là sai lầm, vì trước mắt nhiễm rồi có thể bị lại, nhiều người bị đến 2-3 lần.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, người dân cần phải tuân thủ tốt 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đối với trường hợp đã nhiễm và chữa khỏi Covid-19, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường về mặt cơ thể cần phải nhanh chóng đi đến các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị kịp thời.
Theo Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS) của Vương quốc Anh, tỷ lệ tái nhiễm Covid-19 đã tăng gấp 15 lần kể từ khi Omicron xuất hiện, và tỷ lệ tái nhiễm hiện chiếm khoảng 10% tổng số ca nhiễm được báo cáo ở Anh, so với chỉ 1% trong tháng 11/2021.
Theo các nhà khoa học, hiện tượng tái nhiễm ngày càng nhiều là do khả năng miễn dịch của cộng đồng suy yếu, không còn đủ để ngăn ngừa virus. Sự xuất hiện của biến chủng mới như Delta, Omicron khiến hệ miễn dịch khó nhận biết, virus có thể lẩn tránh. Bên cạnh đó, SARS-CoV-2 hầu như xâm nhập cơ thể người thông qua mũi và họng. Kháng thể trong lớp niêm mạc này có xu hướng tồn tại tương đối ngắn so với miễn dịch toàn cơ thể. Điều đó giải thích tại sao miễn dịch ngăn bệnh chuyển nặng, thường bắt nguồn từ phổi, kéo dài hơn so với miễn dịch chống nhiễm trùng.