Chính trị

Cải cách thủ tục hành chính: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Thái Nhung 23/01/2024 09:02

Người dân khi đăng kiểm xe máy, nộp thuế… hay làm các thủ tục hành chính công giờ đã dễ dàng, nhanh chóng và thuận lợi rất nhiều nhờ chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong hành chính công đang giúp tối ưu hóa quy trình hành chính, loại bỏ các bước không cần thiết, giảm thiểu các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

anhthaycover.jpg
Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Quang Vinh.

Cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh

Quá trình chuyển đổi số (CĐS) của Việt Nam từ năm 2020 đến 2022 tăng 48% từ 0,48 lên 0,71 và đạt khoảng 0,75 năm 2023. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam vào khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Có hơn 1.500 doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022.

Trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đến hết năm 2023, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528 TTHC liên quan đến công dân.

Đặc biệt, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực. Hoàn thành cấp 100% Căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện; cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử. Đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 15 bộ, ngành, 63 địa phương và 3 DN viễn thông; triển khai 38/53 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm hằng năm 2.505 tỷ đồng.

Việc giải quyết TTHC ở một số địa phương có sự thay đổi đột phá. Ví dụ tháng 6/2023, Quảng Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án đầu tư của DN có tổng mức vốn đầu tư gần 250 triệu USD chỉ trong 12 giờ làm việc kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công của tỉnh, rút ngắn thời gian 14 ngày làm việc so với quy định.

Tại tỉnh Bắc Ninh, đã cắt giảm các TTHC rườm rà; chất lượng dịch vụ công trực tuyến ngày càng được cải thiện. Chỉ số về dịch vụ công trực tuyến đạt 17,6/20; chỉ số về mức độ hài lòng đạt 17,8/18; số hóa hồ sơ đạt 10,9/22, trong đó 4/6 chỉ số cao hơn mức trung bình trong cả nước; 38.052 hồ sơ TTHC được thực hiện “5 tại chỗ”; 100% cơ quan, đơn vị thuộc UBND từ cấp tỉnh đến cấp xã triển khai việc tạo lập hồ sơ công việc trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung toàn tỉnh có ký số văn bản điện tử.

Thành phố Hà Nội đã hoàn thành chuẩn hóa quy trình điện tử của 1893/1893 TTHC. Hoàn thành khai báo, kiểm thử và tiếp nhận hồ sơ thanh toán 950/1.191 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng hơn 60% so với ban đầu. Kết thúc năm 2023, Ban chỉ đạo Đề án 06 của thành phố đã để lại dấu ấn mạnh mẽ bằng kết quả tích cực trong triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Nhờ đó đã giảm tầng nấc trung gian, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN khi thực hiện TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết, người dân không phải đi lại, tiết kiệm chi phí…

Chị Trần Nhật Lệ (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, CĐS trong các TTHC đã giúp người dân thuận lợi hơn trong việc thực hiện các dịch vụ công. “Ví dụ để đăng kiểm xe ô tô, thay vì phải đi sớm xếp hàng lấy số thì nay tôi chỉ cần đăng ký online rồi được hẹn lịch làm việc, không rườm rà mất thời gian như trước đây nữa” - chị Lệ nói.

Ông Nguyễn Thể - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Kiến trúc Bảo Anh (Hà Nội) cho biết, hiện nay việc số hóa các TTHC trong kê khai, nộp thuế, xuất nhập hàng hóa đã giúp công ty tiết kiệm được nhiều thời gian và nhân lực, tiết kiệm các chi phí thư tín, giấy mực và phí bảo quản hóa đơn. Đồng thời tạo minh bạch về chứng từ của các cá nhân, tổ chức, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, từ đó giúp cho hoạt động kinh doanh của DN được thuận lợi.

anh-bai-tren.jpg
Người dân thực hiện kê khai thông tin bằng phương tiện điện tử tại Trung tâm Hành chính công Quảng Ninh. Ảnh: Quang Vinh.

Chú trọng đào tạo nhân lực

Để có được những kết quả tích cực, thực chất, hiệu quả trong thời gian qua, ông Nguyễn Hùng Huế - Trưởng phòng Kiểm soát TTHC khối kinh tế ngành (Cục Kiểm soát TTHC - Văn phòng Chính phủ) cho biết, đó là có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ, chung tay của người dân, DN. Ông Huế cho biết, kinh nghiệm triển khai thời gian qua cho thấy, CĐS trong cải cách TTHC tập trung ở 5 trụ cột: Con người là trung tâm, chủ thể; thể chế; cải cách đóng vai trò dẫn dắt; dữ liệu là tài nguyên chiến lược; công nghệ, hạ tầng giúp hỗ trợ thúc đẩy trong việc thực hiện.

Tuy nhiên, theo ông Huế, mặc dù việc số hoá đã có nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn chậm, nhất là việc hoàn thành xây dựng đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; cũng như việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước và giải quyết công việc của người dân, DN còn yếu.

Hơn nữa, cải cách, CĐS là vấn đề mới, khó, đồng thời đụng chạm đến quyền lợi của một số cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức nên vẫn còn lực cản. Vấn đề hạ tầng công nghệ còn chậm được đầu tư, nâng cấp đáp ứng yêu cầu mới.

Bên cạnh đó, CĐS vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục như sự tham gia của cán bộ, công chức còn hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị coi đây là công việc của đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin. Người dân, DN tham gia vào quá trình này còn chưa thực tốt.

“Nhiều cơ quan, đơn vị chưa đặt đúng vai trò của cải cách trong CĐS nên thực tế nhiều dịch vụ công trực tuyến, quy trình, thủ tục điện tử chỉ đơn thuần chuyển từ giấy sang điện tử, chưa thực sự thuận lợi, đơn giản, thậm chí còn phức tạp hơn so với thực hiện trực tiếp” - ông Huế cho biết.

Để giải quyết những vấn đề này, theo ông Huế, cần có thời gian. Chẳng hạn làm sao để người dân tham gia kiểm thử, xây dựng dịch vụ công trực tuyến ngay từ đầu trước khi triển khai chính thức. Cần đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho CĐS, thay đổi nhận thức về CĐS, hay việc tập trung đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện CĐS...

Ông Huế cũng cho biết thêm về kế hoạch CĐS trong lĩnh vực cải cách TTHC năm 2024: “Chúng ta tiếp tục tập trung đẩy mạnh CĐS trong nội bộ cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, DN. Ngay tại Nghị quyết 01 và 02, Chính phủ đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm và giao chỉ tiêu cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện CĐS trong cải cách hành chính. Đây chính là cơ sở để bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai bảo đảm toàn diện, thực chất, hiệu quả”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải cách thủ tục hành chính: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO