Trong khi vaccine được coi như một phương thuốc hữu hiệu chặn đứng sự lây lan đại dịch Covid-19, được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu với gần 50% dân số thế giới đã tiêm ít nhất một mũi, thì ở khu vực Đông Âu, phần lớn người dân vẫn tỏ ra hoài nghi về công dụng của vaccine.
Đối mặt với sự bùng phát trở lại
Nga, quốc gia với niềm tự hào về việc phát triển một trong những loại vaccine Covid-19 sớm nhất thế giới, đã không thể thuyết phục nhiều người dân sử dụng nó và hiện đang phải đối mặt với tỷ lệ mắc mới và tử vong hàng ngày cao nhất trong suốt thời gian đại dịch diễn ra.
Ngày 20/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua đề xuất của Chính phủ về việc đóng cửa nơi làm việc trong vòng một tuần. Khoảng thời gian từ 30/10 đến 7/11 sẽ là “Ngày không làm việc”, nhằm ngăn chặn sự gia tăng đáng báo động về số ca nhiễm mới và ca tử vong vì Covid-19. Người lao động sẽ được hưởng nguyên lương trong khoảng thời gian này.
Romania, nơi cứ 5 phút lại có một người chết vì Covid-19, có tỷ lệ tử vong theo đầu người cao nhất thế giới trong tuần này. Chỉ 36% người trưởng thành ở Romania được tiêm phòng, so với 74% người dân trên toàn Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi đó, Latvia sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu tái áp đặt các hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt, trong bối cảnh làn sóng Covid-19 mới trỗi dậy trên khắp châu Âu. Chính phủ đã áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm kéo dài một tháng, từ 20h tối đến 5h sáng từ tuần này. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, quốc gia Baltic này đã có tỷ lệ ca mắc Covid-19 cao nhất trên thế giới sau nhiều tháng ngăn chặn thành công đại dịch này.
Với tỷ lệ chỉ 57% trong số 1,9 triệu dân ở Latvia đã tiêm chủng đầy đủ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) là 74%, Thủ tướng Latvia Krisjanis Kariņs cho rằng, tỷ lệ tiêm chủng thấp của đất nước là nguyên nhân dẫn đến số ca nhập viện tăng đột biến.
Trong tuần này, Bulgaria, nơi chỉ một phần tư dân số đã tiêm liều vaccine đầu tiên, đã cấm tập trung tại các không gian công cộng trong nhà đối với bất kỳ ai không xuất trình chứng nhận đã tiêm vaccine, xét nghiệm âm tính hoặc phục hồi sau khi đã nhiễm Covid-19 gần đây. Các trường học ở những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao sẽ phải chuyển sang dạy trực tuyến.
Tại Cộng hòa Séc, lần đầu tiên số ca mắc mới Covid-19 ở mức trên 3.000 ca kể từ cuối tháng 4 vừa qua. Với 3.246 ca mắc mới ghi nhận trong ngày 20/10, hiện tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này đã tăng lên 1,71 triệu ca. Giới chức y tế cho biết, phần lớn số ca mắc Covid-19 là những người chưa tiêm phòng.
Các biện pháp mạnh tay
Hàng nghìn lao động chưa tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ở Mỹ đang đối diện với khả năng mất việc khi ngày càng nhiều bang, thành phố và công ty bắt đầu thực hiện quy định bắt buộc tiêm chủng phòng Covid-19.
Một ví dụ điển hình mới đây, trường Đại học bang Washington (WSU) ngày 18/10 đã sa thải huấn luyện viên trưởng môn bóng đá và bốn trợ lý, vì họ không tuân thủ yêu cầu tiêm chủng vaccine của bang.
Hàng nghìn cảnh sát và cứu hỏa tại nhiều thành phố như Chicago và Baltimore, cũng có nguy cơ mất việc trong những ngày tới theo lệnh yêu cầu họ báo cáo tình trạng tiêm chủng hoặc đi xét nghiệm Covid-19 thường xuyên.
Trong khi việc tiêm chủng vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi, yêu cầu tiêm chủng đã có hiệu quả trong việc thuyết phục nhiều người lao động do dự tiêm vaccine ngừa Covid-19. Cuối tuần qua, điều phối viên về Covid-19 của Nhà Trắng Jeff Zient cho biết, hơn 77% người dân Mỹ đủ điều kiện đã tiêm ít nhất một liều vaccine. Quyết định yêu cầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhằm giảm số ca nhập viện và tử vong sau đợt gia tăng số ca nhiễm biến thể Delta.
Tại Canada, từ cuối tháng 11 tới, để được phép vào trụ sở Hạ viện làm việc, các nghị sỹ Canada bắt buộc phải tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ. Trong thông báo ngày 20/10, Chủ tịch Hạ viện Canada, Anthony Rota cho biết quy định này chính thức có hiệu lực từ ngày 22/11/2021. Yêu cầu mới sẽ áp dụng cho các thành viên Hạ viện, nhân viên văn phòng, nhà báo và một số đối tượng liên quan.
Sự cần thiết của vaccine
Nhật báo Le Figaro của Pháp số ra gần đây nhận định, tiêm vaccine phòng Covid-19 đặc biệt quan trọng do không chỉ đảm bảo an toàn cho mỗi cá nhân mà còn cho cả cộng đồng. Khi đại dịch ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới, tính cộng đồng càng cần chú trọng hơn nữa.
Giới khoa học lâu nay vẫn tranh luận về nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể mới nguy hiểm hơn trong những cộng đồng có tỷ lệ tiêm vaccine thấp. Trên thực tế, virus phát tán càng nhiều thì càng nhân lên nhiều đột biến gene ngẫu nhiên, tương tự như một kiểu “lỗi” mã hóa. Do đó, tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất nguy cơ phát triển của các biến thể mới.
Theo ông Samuel Alizon - Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS), các nghiên cứu quốc tế cho thấy việc tiêm phòng góp phần giảm khoảng 50% nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. Nghiên cứu của ông cùng các cộng sự tại Pháp cũng chỉ ra rằng tiêm chủng còn giúp giảm một nửa nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác.
Giám đốc Viện Di truyền học tại Đại học London (Anh), ông François Balloux, cho rằng dù hiệu quả bảo vệ của vaccine vẫn còn hạn chế và không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy vaccine có thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của virus, nhưng giải pháp tối ưu hiện nay vẫn là tiêm phòng.