Việc mới đây cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố một loạt cán bộ, nguyên cán bộ của Đà Nẵng và TP HCM liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận xã hội, bởi không có “vùng cấm” trong quá trình tố tụng.
Song, đây cũng là bài học đau xót trong công tác cán bộ đối với các cấp, ngành, địa phương, từ sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái đạo đức của không ít cán bộ trong bộ máy công quyền.
Có tới 8 người từng giữ hoặc đang giữ những vị trí quan trọng như Phó Chủ tịch UBND TP, Giám đốc Sở TN-MT, Chánh Văn Phòng UBND TP, Phó Chánh Văn phòng UBND TP, Trưởng phòng Quản lý đô thị... đã bị bắt giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú về các hành vi: Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Những người này bị cơ quan tố tụng cáo buộc câu kết hoặc dung túng, tiếp tay cho Vũ “nhôm” vi phạm pháp luật.
Trong số những người bị khởi tố điều tra có một số bị can đã về hưu nhưng vẫn bị lôi ra ánh sáng, chứng tỏ không có cái gọi là “hạ cánh an toàn” trong công cuộc phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Ngọn lửa trong lò không chỉ cháy rực, thiêu rụi nhưng thanh củi mục, thoái hóa, mà còn tiếp thêm sức mạnh và niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng của Nhà nước, niềm tin vào công lý, sự nghiêm minh của pháp luật.
Song, bên cạnh việc hàng loạt cán bộ phải trả giá cho những hành vi vi phạm pháp luật thì dư luận xã hội cũng không khỏi băn khoăn về việc những tài sản công, những mảnh “đất vàng” mà họ đã câu kết, móc ngoặc, tiếp tay cho Vũ “nhôm” chiếm đoạt của Nhà nước liệu có thể thu hồi?! Việc trừng phạt những người vi phạm bằng các bản án nghiêm khắc đương nhiên là rất cần, song điều quan trọng hơn là phải thu hồi bằng được những khối tài sản lớn đã bị thất thoát, chiếm đoạt, nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa chung.
Và lẽ tất nhiên muốn thu hồi triệt để tài sản công đã bị thất thoát thì phải làm rốt ráo, phanh phui đến tận cùng vụ án, “chỉ mặt, điểm tên” những tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Một số ý kiến cho rằng, trong hành vi vi phạm pháp luật của những bị can vừa bị khởi tố thì đâu là trách nhiệm của những người đứng đầu đơn vị, cơ quan nơi họ làm việc. Ví dụ, một ông phó chủ tịch UBND thành phố dù có được phân công trực tiếp theo dõi mảng thì cũng không thể “qua mặt” chủ tịch được, hay một chánh văn phòng nhỏ bé không thể tự tung tự tác làm bậy được nếu không có người chống lưng...
Ngay cả khi bị cấp dưới lừa dối, báo cáo không trung thực nhưng nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì người lãnh đạo cũng phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu vì đã không thường xuyên kiểm tra, giám sát, buông lỏng quản lý. Có rất nhiều quy định của Đảng, cũng như nhiều đạo luật đều chỉ rõ người đứng đầu các cấp ủy, bộ, ngành, địa phương... phải chịu trách nhiệm khi buông lỏng quản lý để xảy ra những hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, đơn vị của mình. Theo đó, với hành vi câu kết, tiếp tay cho Vũ “nhôm” của những người vừa bị khởi tố thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới?
Nhiều luật sư cho rằng, ngoài trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị có cán bộ vi phạm pháp luật, những cơ quan như thanh tra, kiểm toán, công an... cũng không tránh khỏi sự liên đới khi mà trong một thời gian dài không chỉ ra được những hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng đó. Chẳng phải trách nhiệm giám sát mọi hoạt động của UBND chính là HĐND đó sao? Vì sao trong một thời gian dài như vậy mà cơ quan quyền lực cao nhất tại địa phương này không hề phát hiện ra những nhà đất công sản đã bị Vũ “nhôm” và các bị can phù phép bốc hơi bay đi mất?
Chẳng phải theo quy định, mỗi cơ quan, đơn vị đều phải định kỳ thanh tra, kiểm toán đấy sao? Vì sao trong những lần làm việc, các cơ quan thanh tra, kiểm toán lại không thể phát hiện ra những hành vi chiếm đoạt tài sản nhà nước của Vũ “nhôm” và những bị can vừa bị khởi tố? Chỉ có thể xảy ra hai khả năng, đó là thanh tra, kiểm toán qua loa, sơ sài, thiếu trách nhiệm nên không phát hiện được vi phạm, hoặc có sự nhấm nháy, dung túng, bỏ qua lỗi vi phạm. Kể cả rơi vào trường hợp nào thì những người thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm toán cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: Phải quán triệt phương châm phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới; nơi nào tự kiểm tra không phát hiện, hoặc phát hiện nhưng xử lý vi phạm nương nhẹ thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không “rút kinh nghiệm” chung chung.
Mục đích kỷ luật là để “trị bệnh cứu người”, cảnh tỉnh, răn đe, tránh những sai lầm tương tự tái diễn. Vẫn biết cái giá phải trả khi xử lý cán bộ tay đã nhúng chàm là vô cùng đau xót, song cần phải cương quyết mới có thể làm trong sạch hàng ngũ cán bộ trong bộ máy nhà nước.