Cai nghiện là việc làm khẩn thiết đối với cộng đồng nhưng những bất cập về thủ tục hành chính, kinh phí, vấn đề việc làm...đã trở thành rào cản đối với công tác này. Tại Hà Tĩnh công tác cai nghiện đang vướng những “nút thắt” cần được tháo gỡ.
Học viên Trung tâm chữa bệnh, giáo dục - lao động xã hội tỉnh Hà Tĩnh
tham gia lao động, sản xuất.
Theo thống kê của Công an tỉnh Hà Tĩnh, hiện có gần 800 người nghiện có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh hết thực trạng ở đây, bởi số người nghiện ma túy “chìm” rất khó thống kê. Thực tế phải hơn 2.300 trường hợp và có xu hướng tăng theo từng năm. Đối tượng sử dụng ma túy ngày càng lan rộng.
Ranh giới giữa cai nghiện và tái nghiện là rất mong manh. Anh Trương Viết Hòa (thôn La Xá, xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà) là đối tượng nghiện lâu năm, sau khi được gia đình, làng xóm, chính quyền vận động anh đã tự nguyện đi cai nghiện. Sau 1 năm nỗ lực anh đã cai thành công và đi xuất khẩu lao động sang Malaysia, từ chỗ hộ nghèo, nay gia đình anh Hòa đã thoát nghèo và dần khấm khá hơn.
Nhưng không phải “đường về” của ai cũng tốt đẹp như anh Hoàn. Cách đây ít năm, P.H.T. (SN 1987 cũng ở xã Thạch Lâm) là công nhân đóng tàu ở thành phố cảng Hải Phòng, cuộc sống đang trôi qua yên bình, bỗng một ngày T vướng vào vòng xoáy ma túy rồi trượt dài theo những chuyến “đi bay”, “đi lắc”, “đập đá”... Sa vào con đường nghiện ngập, T nhanh chóng đánh mất công việc đang làm tại Hải Phòng và trở về quê.
Năm 2013, T. là một trong những con nghiện được chính quyền địa phương đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm chữa bệnh, giáo dục – lao động xã hội tỉnh Hà Tĩnh. Sau 1 năm cai nghiện, T. trở về quê nhưng chỉ sau 2 tháng T. lại tái nghiện và rồi phải trở lại Trung tâm cai nghiện lần 2.
Hiện nay có hai hình thức cai nghiện: Cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện.Với hình thức cai nghiện tự nguyện, gia đình và người nghiện đến trung tâm xin làm thủ tục cai nghiện. Tuy nhiên gia đình phải chịu hoàn toàn kinh phí.
Còn đối với hình thức cai nghiện bắt buộc thì thủ tục rất rườm rà. Thứ nhất, người nghiện phải tự nhận mình là nghiện hút ma túy (hoặc bị công an bắt quả tang sử dụng ma túy). Sau đó, người nghiện được đưa vào giáo dục theo tinh thần Nghị định 221/2013/NĐ - CP: Giáo dục ít nhất ba tháng tại nơi cư trú. Mỗi tháng đối tượng tự kiểm điểm một lần, có cán bộ phụ trách tổ dân phố nhận xét. Nếu thấy chưa tiến bộ (nghĩa là vẫn duy trì nghiện hút), công an phụ trách mới đề xuất đưa vào diện cai nghiện bắt buộc. Lúc này, phải có xác nhận của công an xã, phường; đoàn thanh niên xã, phường; hội phụ nữ xã, phường; Mặt trận xã, phường; y tế xã, phường. Sau đó chuyển hồ sơ hoàn chỉnh lên đội tổng hợp xem xét và tiếp tục chuyển sang phòng LĐTB&XH, sau đó chuyển tiếp sang Tòa án nhân dân huyện. Sau khi có quyết định của tòa án nhân dân, công an huyện phối hợp với phòng LĐTB&XH thi hành quyết định đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc.
Để làm xong những thủ tục này, người nghiện đã có cơ hội “tẩu thoát” khỏi nơi cư trú nên việc bắt buộc cai nghiện giống như “bắt cóc bỏ đĩa”. Được biết, ngay từ đầu năm 2015, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã có kế hoạch đưa từ 30 – 50 đối tượng đi cai nghiện nhưng tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm chữa bệnh, giáo dục – lao động - xã hội tỉnh Hà Tĩnh chỉ mới tiếp nhận được 3 đối tượng cai nghiện bắt buộc.
Cai nghiện là một việc làm khó, cần thời gian dài, tuy nhiên theo phác đồ điều trị, đối tượng cai nghiện bắt buộc điều trị kéo dài trong vòng 1 năm (với những đối tượng tái nghiện nhiều lần thì thời gian có thể lâu hơn), đối tượng cai nghiện tự nguyện điều trị kéo dài trong vòng 6 tháng. Với liệu trình như vậy liệu có đảm bảo cho người nghiện thực sự cắt cơn?
Hơn nữa, “đường về” của những người sau khi cai nghiện cũng hết sức gập ghềnh, bị người đời dị nghị, xa lánh, cơ hội tìm kiếm việc làm bị hạn chế. Ông Nguyễn Văn Sỹ - Giám đốc trung tâm chữa bệnh, giáo dục – lao động xã hội tỉnh Hà Tĩnh nhận định: “Công tác cai nghiện đã khó nhưng việc để đối tượng tái hòa nhập cộng đồng, không tái nghiện trở lại càng khó khăn hơn. Việc này không chỉ được quyết định bởi bản thân đối tượng nghiện mà còn là việc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội. Việc quan tâm tạo việc làm cho đối tượng là quan trọng nhất để giúp người nghiện hoàn lương”.
Những bất cập này chính là “cái khó bó cái khôn” đối với công tác cai nghiện.