Đánh giá về công tác cai nghiện tại cộng đồng, gia đình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội(LĐTB&XH) cho biết, sau 5 năm triển khai Nghị định 94/2010/NÐ-CP (Nghị định 94) của Chính phủ quy định về cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, đến nay mới chỉ có 9/63 tỉnh, thành phố triển khai, thực hiện và đã tổ chức thực hiện cai nghiện cho 4.757 người, trong đó 2.710 người cai tại gia đình và 1.710 người cai nghiện tại cộng đồng.
Việc triển khai cai nghiện tại cộng đồng vẫn còn nhiều gian nan (Ảnh: Hồng Kiều).
Nhằm giảm gánh nặng cho các trung tâm, đồng thời huy động xã hội hóa công tác cai nghiện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2010/NÐ-CP (Nghị định 94) của Chính phủ, quy định về cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, sau 5 năm triển khai nhiều địa phương đã có cách làm hiệu quả để triển khai công tác cai nghiện phục hồi và hỗ trợ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng. Điển hình như TP. Hà Nội có 5 trung tâm đang thực hiện mô hình đề án thí điểm điều trị nghiện ma túy tự nguyện. Tại các trung tâm này đều thành lập tổ tiếp nhận học viên, chủ động xây dựng và ban hành quy chế hoạt động về quản lý và điều trị nghiện tự nguyện, bảo đảm kịp thời, đầy đủ. Bên cạnh đó, các học viên còn được tham gia các lớp giáo dục chuyên đề, giáo dục về hành vi nhân cách, giá trị sống cùng các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao phục hồi sức khỏe.
Tương tự tại Nam Định, trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh cũng tổ chức cai nghiện ma túy cho hơn 3.000 lượt người và điều trị thay thế bằng Methadone cho gần 1.600 người. Đáng chú ý, kết quả cai nghiện tại gia đình cộng đồng chiếm tỷ lệ cao. Trong quá trình cắt cơn, cán bộ y tế xã đã đến từng gia đình đối tượng để điều trị, hỏi thăm, động viên và hỗ trợ; đồng thời tư vấn dạy nghề, tạo việc làm và kết nối các dịch vụ phù hợp với điều kiện của người cai nghiện.
Hiệu quả việc triển khai Nghị định 94 đem lại rất lớn, nhưng sau 5 năm triển khai mới chỉ có 9 tỉnh/thành phố triển khai, nhiều tỉnh mô hình này vẫn nằm trên giấy.
Nguyên nhân, theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH), hoạt động cai nghiện ở đa số địa phương nặng về giao chỉ tiêu kế hoạch, chỉ tập trung vào giai đoạn cắt cơn - giải độc, chủ yếu thực hiện các biện pháp hành chính như lập hồ sơ, kiểm tra, theo dõi chưa đánh giá nhu cầu và xây dựng kế hoạch cai nghiện cho từng người. Nhiều nơi công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng được thực hiện như một thủ tục, điều kiện để đưa người đi cai nghiện bắt buộc tại trung tâm. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp tại một số địa phương chưa chặt chẽ và đồng bộ, dẫn đến chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cộng đồng trong công tác cai nghiện, sự lồng ghép các chương trình phòng, chống tệ nạn ma tuý chưa được thường xuyên, nên tỷ lệ đối tượng được dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm đạt tỷ lệ thấp. Đây cũng chính là lý do mới có 31/63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai trong đó mới có 9/31 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện.
Tuy nhiên ở góc độ khác, nhiều địa phương cho rằng, kinh phí và vấn đề tạo việc làm mới là một trong rào cản khiến việc triển khai cai nghiện tại cộng đồng gặp khó. Là tỉnh sớm quan tâm đến công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy, đặc biệt là công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, tuy nhiên đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định cho biết, nguồn lực cho cai nghiện tại gia đình, cộng đồng rất hạn chế, có 9/10 huyện không bố trí được nguồn ngân sách cho công tác này. Cùng với đó cơ sở vật chất của UBND cấp xã không đủ điều kiện, do đó đã không triển khai áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng cho các đối tượng không tự giác khai báo tình trạng nghiện và không tự cam kết hình thức cai nghiện.
Trên thực tế phản ánh từ nhiều địa phương cũng cho rằng, một trong những vấn đề khó khăn khi cai nghiện tại cộng đồng là do người nghiện không có việc làm nên dễ dẫn đến tái nghiện ngay sau khi cắt cơn. Do đó, cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy, đồng thời có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở dân lập điều trị nghiện tự nguyện.
Trước thực tế trên, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Lê Đức Hiền cho biết, Cục phòng, chống tệ nạn xã hội sẽ kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành bố trí kinh phí hỗ trợ địa phương cải tạo, nâng cấp các trung tâm chuyển đổi, các Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng theo Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy; hướng dẫn cụ thế về đầu tư và hỗ trợ kinh phí cho cai nghiện cộng đồng, đảm bảo hỗ trợ các chi phí cho người cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng. Đồng thời sửa đổi, bổ sung chế độ kinh phí hỗ trợ cho người sau cai tái hòa nhập cộng đồng (kinh phí hiện nay còn thấp, không đủ chi phí đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm).
Lê Bảo