Theo bác sĩ Tô Văn Lành- quyền Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cái Nước (Cà Mau), chỉ riêng trong tháng 7, trên địa bàn huyện ghi nhận 4 trường hợp người bị chó cắn (ấp Bào Tròn, xã Đông Thới; Ấp Rạch Muỗi, xã Phú Hưng và ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú).
Cơ quan thú y đã lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus dại. Chính quyền địa phương, nhân viên y tế đã đến xử lý ổ dịch và vận động những người bị chó cắn đi tiêm phòng vaccine ngừa bệnh dại. Còn Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cái Nước Lý Hùng Hiển cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có trên 15.000 con chó, mèo, trong đó chỉ có trên 500 con được tiêm phòng bệnh dại. Cơ quan chức năng đang phối hợp với chính quyền địa phương tiêm ngừa triệt để nhằm ngăn chặn số ca nguy hiểm do bị vật nuôi cắn.
Đươc biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận 5 trường hợp bị chó cắn, tất cả đều được tiêm phòng. Theo Phó trưởng Trạm Y tế xã Phú Hưng Phạm Xuân Vũ thì Trạm Y tế xã đã tiêm vaccine phòng bệnh hầu hết chó, mèo trong xã. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân chủ quan, lơ là trong phòng bệnh dại, không chủ động tiêm ngừa vaccine dại cho chó, mèo nuôi tại gia đình. Đó chính là nguyên nhân làm cho bệnh dại tiềm ẩn rất nguy hiểm.
Tuy rằng từ đầu năm đến nay, tại huyện Cái Nước chưa ghi nhận trường hợp bệnh dại trên người, tuy nhiên, tình hình bệnh dại được dự báo vẫn diễn biến phức tạp. Theo bác sĩ Tô Văn Lành, để thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh dại, mà nguồn lây nhiễm xuất phát từ chó mèo, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và cơ quan thú y. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giám sát và xử lý triệt để ổ dịch tại các địa bàn có chó dại, thực hiện tốt công tác tiêm ngừa phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo, đặc biệt là nâng cao ý thức phòng bệnh dại cho nhân dân.