“Khó khăn hiện nay như chúng tôi đã kiến nghị, đó là về cơ chế chính sách, nhưng không phải dành cho cấp huyện mà cho cấp cơ sở và khu dân cư. Bởi vì người làm Mặt trận ở khu dân cư vất vả hơn cán bộ huyện rất nhiều” - Đó là chia sẻ của của bà Nguyễn Thị Hải Yến – Phó Chủ tịch Mặt trận TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Bà Nguyễn Thị Hải Yến.
PV: Thưa bà, tại Vĩnh Yên việc vận động nhân dân thực hiện các phong trào, hay những bất cập nảy sinh từ đời sống được Mặt trận vào cuộc ra sao?
Bà Nguyễn Thị Hải Yến: Ngoài chương trình chung của Mặt trận thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, thời gian gần đây chúng tôi đã vận động để ổn định tình hình tôn giáo. Tiếp đến là vận động xây dựng chợ. Dự án xây dựng chợ có từ năm 2005 đến bây giờ mới được triển khai thực hiện nên Mặt trận vận động người dân di dời để xây dựng chợ mới cho đúng với quy mô của thành phố. Cuối cùng là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, có những dự án từ năm 2005 đến vừa rồi mới giải quyết xong.
Để thực hiện được điều đó, Mặt trận và các đoàn thể phải xuống trực tiếp từng nhà dân để triển khai nhiệm vụ công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
Nét nổi bật trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố là đã thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ và các đoàn thể phát động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày Vì người nghèo”, phong trào “giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”.
Năm 2016, chính quyền tổ chức ký cam kết với từng gia đình về việc thực hiện văn minh đô thị và bảo vệ môi trường. Riêng Mặt trận Vĩnh Yên đã thực hiện vai trò vận động để nhân dân ký cam kết với chính quyền và kết quả là 25.000 hộ dân của thành phố đã ký cam kết.
Qua hoạt động Mặt trận trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên nhiều năm qua, điều gì còn khiến bà băn khoăn?
- Điều băn khoăn của tôi hiện nay là công tác Mặt trận ở cấp cơ sở, một số cán bộ vẫn chưa hiểu rõ vai trò của Mặt trận. Như vậy từ một số cá nhân chưa thể hiện được vai trò của mình thì cấp ủy cũng chưa hiểu được.
Còn khó khăn hiện nay như chúng tôi đã kiến nghị, đó là về cơ chế chính sách, nhưng không phải là dành cho cấp huyện mà cho cấp cơ sở và khu dân cư. Bởi vì người làm Mặt trận ở khu dân cư vất vả hơn cán bộ ở huyện rất nhiều.
Cụ thể, nên có chính sách tiền lương phù hợp với nhiệm vụ của người làm Mặt trận trong khu dân cư. Số tiền lương hàng tháng ngang bằng mức lương tối thiểu, để họ an tâm công tác, nâng cao hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, nên có chính sách đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn để người làm Mặt trận học tập, tiếp cận sâu về chức năng, vai trò, trách nhiệm để tổ chức thực hiện đem lại hiệu quả, chất lượng cao hơn…
Về cơ chế giám sát của Mặt trận cấp huyện tại một số địa phương còn khá mờ nhạt. Với Mặt trận thành phố Vĩnh Yên việc thực hiện giám sát được quan tâm ra sao?
- Vai trò giám sát thành phố Vĩnh Yên thực hiện rất tốt. Tất cả các kỳ họp của UBND, Mặt trận đều được mời đến. Các chương trình, các đề án phát triển kinh tế xã hội đều xin ý kiến của Mặt trận và các tổ chức thành viên Mặt trận. Khi triển khai kế hoạch Ủy ban nhân dân cũng gửi sang xin ý kiến và sau đó Mặt trận giám sát tất cả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Cũng như vậy, Thành ủy gửi văn bản sang Mặt trận và các đoàn thể tham gia đóng góp ý kiến về công tác xây dựng Đảng.
Trân trọng cảm ơn bà!