Theo xu thế chung của thế giới, các trường đại học Việt Nam ngày càng chú trọng đến vấn đề xếp hạng và từng bước coi đây là cơ hội để nhìn lại chính mình, từ đó cải thiện chất lượng, nâng cao uy tín, thương hiệu của trường đến với xã hội, với người học và hội nhập quốc tế.
Kết quả khởi sắc
Tạp chí giáo dục Times Higher Education (THE) vừa đưa ra danh sách xếp hạng các trường đại học (ĐH) trên thế giới năm 2023. Có 6 ĐH Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng này, gồm ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Huế. THE là bảng xếp hạng ĐH lớn nhất và đa dạng nhất cho đến nay khi bao gồm 1.799 trường ĐH trên 104 quốc gia và khu vực. Trong đó, Trường ĐH Duy Tân và Trường ĐH Tôn Đức Thắng nằm trong nhóm 401-500; ĐH Quốc gia Hà Nội trong nhóm 1.001-1.200; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Huế và ĐH Quốc gia TPHCM trong nhóm 1.501+.
Lần đầu tiên có tên trong bảng xếp hạng của THE, ĐH Huế cho biết trong 5 năm từ 2017 đến 2021, tổng số bài Scopus của ĐH Huế đạt gần 1.650 bài và tất cả các năm đều trên 150 bài. Giữ vững uy thế và nâng tầm xếp hạng tại các bảng xếp hạng ĐH thế giới là một trong những định hướng quan trọng của ĐH Huế trong những năm qua. Để làm tốt được điều này, ĐH Huế đang có nhiều chính sách nhằm phát triển quy mô và nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng đào tạo khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế để hướng đến mục tiêu vào nhóm 1.000 ĐH hàng đầu thế giới và nhóm 300 ĐH châu Á và phát triển thành ĐH Quốc gia theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, nước ta có 10 cơ sở giáo dục ĐH nằm trong bảng xếp hạng Webometrics; 11 cơ sở giáo dục ĐH nằm trong bảng xếp hạng ĐH châu Á (QS Asian University Rankings 2022); 7 cơ sở giáo dục ĐH tại bảng xếp hạng THE Impact Rankings năm 2022... Các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế là tin vui với những người quan tâm tới giáo dục nước nhà.
TS Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục ĐH (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nhìn nhận, căn cứ xếp hạng toàn cầu như thước đo gián tiếp chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam. Giáo dục ĐH nói chung thời gian qua có sự tăng trưởng đáng kể nhưng so với các nước xung quanh, còn tụt hậu nhiều. Chất lượng giáo dục ĐH và nghiên cứu của các trường có tiến bộ nhất định nhưng chưa đạt mức mong muốn. Cụ thể, theo báo cáo phân tích ngành giáo dục giai đoạn 2011-2020 do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam công bố, nhiều chỉ số về nghiên cứu khoa học, xếp hạng ĐH của Việt Nam vẫn ở vị trí cuối bảng. Trong đó, các chỉ số về nghiên cứu khoa học, xếp hạng trường ĐH tại báo cáo trên cho thấy Việt Nam bị bỏ xa so với nhiều nước trong khu vực. Tại các bảng xếp hạng quốc tế uy tín, Việt Nam đều có đại diện lọt top 1.000 thế giới nhưng vẫn ở vị trí cuối. Trong khi đó, các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Malaysia, Singapore, Thái Lan đều ở top 100, thậm chí có trường còn thuộc top 10.
Thời gian qua, nhiều trường ĐH Việt Nam nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, chuyển từ truyền đạt kiến thức sang học thông qua thực hành, nghiên cứu, đào tạo theo tín chỉ… Tuy nhiên, phương thức dạy học truyền thống vẫn thống trị trong các trường ĐH Việt Nam. “Các trường ĐH từng bước quốc tế hóa chương trình đào tạo bằng cách nhập khẩu chương trình của các trường ĐH uy tín trên thế giới. Tuy nhiên, dù cố gắng mang chương trình nước ngoài về nhưng các trường vẫn chưa mang được văn hóa quản trị ĐH nên kết quả chưa như kỳ vọng” - TS Lê Đông Phương nhận định.
Cần chuyển động mạnh mẽ
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế các trường ĐH, việc tham gia xếp hạng minh bạch, tiếp cận theo chuẩn quốc tế là điều đương nhiên. Tuy nhiên, trước khi tiến ra thế giới, các trường cần đảm bảo yêu cầu kiểm định ngay từ trong nước. Đây là yếu tố quan trọng được các trường sử dụng làm căn cứ để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, xác định mức học phí, tự chủ mở ngành, tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài... Đồng thời, thông qua rà soát đồng bộ từ một góc nhìn bên ngoài khách quan hơn, các trường sẽ cải tiến chất lượng ở tất cả các vị trí trong từng lĩnh vực hoạt động, xây dựng được văn hóa chất lượng, điều chỉnh định hướng phát triển trường (nếu cần thiết) để liên tục phát triển và phát triển bền vững.
Ở một khía cạnh khác, nhiều chuyên gia chỉ ra để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, nâng tầm vị thế của giáo dục ĐH Việt Nam trên thế giới cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho giáo dục ĐH. Hiện nay, ngân sách chi cho giáo dục ĐH do Bộ Tài chính cung cấp năm 2020 chưa đến 17.000 tỷ, chiếm 0,27% GDP.
Nhưng theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, con số chính thức của thực chi chưa đến 12.000 tỷ. Tính theo số thực chi thì chưa đạt 0,78% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Trong khi để nâng mức căn bản tiên tiến so với thế giới cần 3 yếu tố: Nguồn lực dồi dào, quản trị ưu việt, tài năng hội tụ.
Để giải quyết bài toán khó khăn về nguồn lực, ông Sơn cho biết Bộ GDĐT đã đưa vào dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045 đề xuất mức chi cho giáo dục ĐH từng bước bằng mức trung bình của khu vực về tỷ lệ GDP.
Nhưng muốn nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước phải minh bạch hóa. Minh bạch tất cả khoản thu, khoản chi của các cơ sở ĐH trực thuộc các bộ, ngành, các địa phương thì mới tính được chi như thế nào cho hiệu quả. Trong đó, cần đẩy mạnh việc đặt hàng các trường đào tạo theo cơ chế cạnh tranh, tập trung vào những lĩnh vực có tính dẫn dắt, có sức mạnh lan tỏa, điều mới chỉ thực hiện ở khối quân đội và lĩnh vực đào tạo giáo viên.
PGS. TS Trần Quốc Bình - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội:
Thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong nhà trường
Công bố quốc tế, nghiên cứu khoa học là nhân tố quan trọng mang đến xếp hạng cho cơ sở giáo dục ĐH. Kinh nghiệm của trường ĐH Khoa học Tự nhiên trong thúc đẩy công bố quốc tế, hợp tác trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đó là chú trọng xây dựng văn hóa công bố quốc tế và đăng ký sở hữu trí tuệ. Tổ chức các diễn đàn trao đổi, chia sẻ để nâng cao khát vọng và kinh nghiệm công bố quốc tế. Có chính sách hỗ trợ, khen thưởng thường xuyên đối với bài báo quốc tế, sách chuyên khảo quốc tế. Việc tìm kiếm nguồn lực cho nghiên cứu cũng được chú trọng, thông qua tăng cường đề xuất và triển khai các dự án đầu tư thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu; khuyến khích cán bộ đăng ký đề tài với sản phẩm công bố quốc tế và chủ động trong hợp tác quốc tế.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Không phải cứ có tên trên bảng xếp hạng đại học thế giới là yên tâm
Chất lượng của ĐH phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Việc một số trường tham gia vào xếp hạng chất lượng ĐH thế giới là cố gắng của các trường đó. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế đó là đánh giá chất lượng chung của trường đó, chưa phải đánh giá chất lượng cụ thể của từng chương trình đào tạo. Vì vậy, tôi cho rằng bảng xếp hạng đó giúp tăng uy tín cho trường, có thêm căn cứ để xã hội, doanh nghiệp và phụ huynh, học sinh lựa chọn. Nhưng nếu khẳng định sinh viên tốt nghiệp trường được xếp hạng sẽ hơn hẳn sinh viên của trường khác thì chưa chắc. Nên coi kết quả xếp hạng là những thông tin có tính chất định tính hơn là định lượng.
Hiện nay có nhiều tổ chức xếp hạng ĐH khác nhau trên thế giới và mỗi tổ chức lại xếp hạng theo các tiêu chí khác nhau. Không phải cứ có tên trên các bảng xếp hạng thế giới là đã có thể yên tâm với chất lượng đào tạo của trường đó được. Nên về phía Bộ GDĐT, tôi cho rằng cần đưa ra quan điểm có công nhận hay không công nhận các kết quả xếp hạng, có thể đưa ra danh sách các tổ chức xếp hạng quốc tế có uy tín để người dân có cơ sở tin tưởng.
Lâm An (ghi)