Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) (Anh) vừa công bố kết quả bảng xếp hạng QS ASIA 2018-2019 cho 505 trường đại học (ĐH) hàng đầu châu Á.
Theo thống kê của QS, với tổng số 505 cơ sở giáo dục ĐH tham gia xếp hạng, cùng vị trí xếp hạng mới, Trường ĐHBK Hà Nội thuộc “top” 52% các trường trong danh sách. Năm nay, theo công bố, ĐHQG Hà Nội đứng thứ 1 Việt Nam, ĐHQG TP Hồ Chí Minh đứng thứ 2, Trường ĐHBK Hà Nội ở vị trí thứ 3 (ở vị trí 261-270, vươn lên 30 bậc so với năm 2018), kế đến là Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế.
Sinh viên Trường ĐH Ngoại thương TP Hồ Chí Minh.
Thông tin về việc xếp hạng các trường ĐH Việt Nam hiện cũng đang được chia sẻ nhiều trên báo chí và mạng xã hội. Cụ thể hơn, theo Bảng xếp hạng A3 Ranking, giáo dục ĐH Việt Nam được xếp thứ 53 trên thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có 2 ĐH góp mặt trong danh sách 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới, đó là ĐHQG Hà Nội (xếp vào nhóm 801-1000) và ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh (nhóm 701-750).
Bảng xếp hạng A3 Ranking có nghĩa là: Academic Ranking for Academics by Academics, gồm các xếp hạng Top 2000, Top 500, Top Under 50, Top Under 20 và The Countries Ranking. UniRank là hệ thống xếp hạng giáo dục ĐH quốc tế đánh giá và xếp hạng hơn 13.600 trường ĐH tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các trường được xếp hạng thỏa mãn các điều kiện sau: Được cấp phép và/hoặc được công nhận kiểm định bởi tổ chức có liên quan đến giáo dục ĐH hợp pháp của Việt Nam; cấp bằng ĐH thời gian đào tạo ít nhất 4 năm (bằng cử nhân) hoặc sau ĐH (thạc sĩ hoặc tiến sĩ); thực hiện phương thức đào tạo trực tiếp. So với năm 2018, bảng xếp hạng QS-Asia năm 2019 bổ sung thêm tiêu chí “Mạng lưới nghiên cứu quốc tế”, nâng tổng số lượng tiêu chí lên 11.
Những con số trong bảng xếp hạng, có thể khiến những người chưa quan tâm lắm đến giáo dục ĐH phải nghiền ngẫm thật lâu để so sánh. Nhưng trước mắt, cần hiểu là giáo dục ĐH của Việt Nam đã và đang được đánh giá cao trên bảng xếp hạng thế giới, thậm chí có những trường ĐH được thăng hạng.
Cũng từ bảng xếp hạng được các tổ chức quốc tế ghi nhận, một băn khoăn lớn đang đặt ra: Làm thế nào để tấm bằng ĐH của Việt Nam được thế giới công nhận? Bởi trên thực tế việc quy đổi văn bằng ĐH của sinh viên tốt nghiệp trong nước không hề là chuyện dễ dàng khi ra nước ngoài. Hay nói khác đi, tấm bằng tốt nghiệp ĐH Việt Nam chưa mang tầm quốc tế. Trước mắt mới chỉ được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá, trong đó có WIPO, QS và World Bank.
Nhìn ở một góc độ khác, lâu nay chúng ta cũng triển khai đánh giá xếp hạng các trường ĐH trong nước. Việc đánh giá này hiện cũng đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Tại hội thảo gần đây nhất có chủ đề “Nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường ĐH Việt Nam”, do Bộ GDĐT và ĐHQG Hà Nội phối hợp tổ chức, đại diện BTC cho hay: Xếp hạng ĐH là công cụ để đánh giá chất lượng ĐH. Đây là biện pháp bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục, quy định về xếp hạng sẽ đưa vào Luật Giáo dục ĐH và Nghị định, Thông tư để các trường thực hiện. Dẫu thế, vẫn có những ý kiến thẳng thắn cho rằng: Hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam có nhiều khác biệt với thông lệ chung của các nước phương Tây, và nhìn chung là còn khá lộn xộn. Vì vậy việc kiểm định, xếp hạng và đánh giá chất lượng giáo dục ĐH hiện nay nên coi như một kênh trong số nhiều công cụ đánh giá chất lượng ĐH, không nên quá kỳ vọng vào nó.
Theo các chuyên gia giáo dục, việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng đặt ra ở thời điểm này là cần thiết, cấp thiết- cho dù không còn sớm nữa. Mặc dù những năm qua đã có nhiều cố gắng đổi mới, cải cách nội dung giáo dục ở các cấp học theo hướng tiến bộ hơn, song nhìn chung so với một số nước trong khu vực và trên thế giới, nền giáo dục của nước ta vẫn còn lạc hậu, nhất là nội dung giáo dục ở bậc ĐH. Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, nội dung chương trình giáo dục ĐH đang bộc lộ rất nhiều bất cập và hạn chế.
Đáng chú ý là, nội dung kiến thức đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa tạo được sự thống nhất gắn mục tiêu giáo dục với nhu cầu tìm kiếm việc làm đối với người học. Tiếp đó là chưa tạo được sự liên thông giữa các chuẩn mực giáo dục ĐH trong nước và quốc tế. Việc liên thông kiến thức giữa các cơ sở giáo dục ĐH trong nước và ngoài nước rất khó khăn do có sự khác biệt về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo giữa các cơ sở giáo dục ĐH trong nước và quốc tế. Điều này gây khó khăn cho người học khi hội nhập trong một thế giới phẳng.