Trao đổi với phóng viên, đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết, Bộ vừa có công văn gửi các địa phương có số lao động bỏ trốn bất hợp pháp ở Hàn Quốc cao. Theo đó, nếu đến ngày 31/12 mà tỉ lệ người lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc vẫn ở mức cao thì Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét không tuyển chọn lao động của các địa phương trên đi làm việc tại Hàn Quốc.
Lao động về nước đúng thời hạn có nhiều cơ hội quay trở lại Hàn Quốc làm việc.
“Ban đầu tôi cũng có ý định bỏ trốn, ở lại làm thêm một thời gian để có thêm thu nhập, nhưng rất may là tôi chưa thực hiện thì chứng kiến một số bạn bị bắt và trục xuất về nước. Một số người có kinh nghiệm “trốn” cũng bị bắt và trả về nước.Về nước trong tình trạng này không chỉ tay trắng mà còn nhục lắm”. - Anh Nguyễn Văn Giáp (Đông Anh, Hà Nội) đã có thời gian làm việc tại Hàn Quốc và về nước đúng thời hạn trong tháng 10/2015 tâm sự.
Cũng theo anh Giáp, mặc dù ở lại, thu nhập người lao động cao hơn nhưng luôn phải sống trong nơm nớp lo sợ, thiếu thốn đủ thứ.Vì không có tư cách lưu trú hợp pháp nên người lao động VN bất hợp pháp tại Hàn Quốc đang phải trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng nước sở tại.
Các lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nếu về nước trước ngày 31/12/2015 sẽ được miễn mức xử phạt lên đến 100 triệu đồng. Đây là một nội dung trong Nghị quyết 62 của Chính phủ, nhằm kêu gọi hơn 15.000 lao động đã hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc sớm quay trở về nước. Theo chính sách này, trong thời gian từ nay đến hết tháng 12/2015 nếu những lao động bỏ trốn ở lại Hàn Quốc tự nguyện xin về nước thì phía Hàn Quốc sẽ miễn xử phạt và thời gian cấm nhập cảnh cũng giảm xuống chỉ còn 2 năm so với 5 năm như trước đây.
Chính sách này được ngành chức năng kì vọng nhằm khuyến khích người lao động tự nguyện về nước, góp phần kéo giảm tỉ lệ bỏ trốn để có cơ sở đàm phán, ký kết lại thỏa thuận hợp tác lao động với Hàn Quốc.
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 62 của Chính phủ Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước. Tuy nhiên, cho đến nay mới có 2.000 lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước. Như vậy, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn vẫn chiếm tới 32,3%, và là quốc gia có số lao động cư trú bất hợp pháp nhiều nhất tại Hàn Quốc.
Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH ) cho biết, tại 15 tỉnh, thành phố hiện có trên 9.000 người Việt Nam đang làm việc bất hợp pháp chưa chịu về nước, dẫn đầu là Nghệ An với 1.454 người, tiếp đó là Hà Nội (948 người), Hải Dương, Thanh Hóa...
Xuất phát từ thực trạng trên, nhằm hạn chế số lao động Việt Nam bỏ trốn bất hợp pháp Bộ LĐTB&XH đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động lao động đang làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước. Đáng chú ý, tại công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Tĩnh, Thái Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Bộ LĐTB&XH khẳng định, nếu đến ngày 31/12 mà tỉ lệ người lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc vẫn ở mức cao thì Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét không tuyển chọn lao động của các địa phương trên đi làm việc tại Hàn Quốc khi bản ghi nhớ bình thường với Hàn Quốc được ký lại. Những biện pháp này là cơ sở để tiến tới ký Biên bản ghi nhớ bình thường về hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Được biết mới đây, Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức đưa ra quyết định tăng mức lương tối thiểu đối với người lao động bắt đầu từ 1/1/2016. Theo đó, mức lương tối thiểu hiện tại là 6.030 KRW/giờ làm việc (tương đương 115.200 đồng), tăng 8,1% so với năm 2015. Quy định mức lương tối thiểu của 1 tháng là 1.260.270 KRW (khoảng 24 triệu đồng) tương ứng với 1 tuần làm việc 5 ngày, 1 ngày làm việc 8 tiếng, tổng 209 giờ làm việc 1 tháng. Như vậy có thể thấy Hàn Quốc là thị trường có thu nhập khá cao, song cơ hội này sẽ không dành cho người lao động Việt Nam nếu tình trạng bỏ trốn bất hợp pháp vẫn gia tăng như hiện nay.