Theo báo cáo hoạt động công tác của Ban Tiếp công dân Trung ương, tháng 4 này, tình hình khiếu kiện của công dân tăng cả về số lượt, số người, số vụ việc, số lượt đoàn đông người. Đặc biệt có những trường hợp người dân quá khích, thậm chí Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương còn bị nhắn tin đe doạ. Vấn đề cho thấy việc tuyên truyền pháp luật, ý thức công dân, ý thức pháp luật cũng như công tác tiếp dân, nhất là việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua vẫn chưa được như mong muốn.
Trong quá trình phát triển, việc nảy sinh những bất cập về chính sách, về con người cùng những tồn tại, hạn chế, tiêu cực, tham nhũng cũng là đương nhiên và việc khiếu nại, tố cáo (KNTC) cũng là đương nhiên. Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm đến vấn đề này.
Để giải quyết KNTC, hệ thống pháp luật nói chung, về KNTC nói riêng đã từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, thực tế đời sống luôn phức tạp, nan giải. Ngay trong lĩnh vực KNTC, thực tế lâu nay, hiện tượng người dân có những hành vi quá khích, vi phạm pháp luật, la hét, xúc phạm uy tín, danh dự của cán bộ, không chấp hành hướng dẫn của cán bộ ở nơi tiếp dân.
Trưởng ban tiếp công dân Trung ương trước đó cũng đã từng bị hành hung. Và rồi, những sự việc, sự vụ như trên xảy ra thật đáng tiếc. Cái đáng tiếc nhất cho chính những người dân, những người đi KNTC, khi thiếu hiểu biết, khi không làm chủ được mình, khi dồn nén bức xúc, họ đã trút bức xúc lên những người đang giúp đỡ, bảo vệ mình, bảo vệ pháp luật nói chung.
Cách đây hơn 3 năm, Chỉ thị số 35/CT-TƯ ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết KNTC, đã nhận xét: Tình hình KNTC nói chung và KNTC liên quan đến tham nhũng, hoạt động tư pháp, tôn giáo còn diễn biến phức tạp. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài, vượt cấp có xu hướng gia tăng. Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo về đất đai, tranh chấp tài sản chưa được giải quyết dứt điểm, để kéo dài...
Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa sâu sát, thiếu quyết liệt; người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức chưa quan tâm đúng mức đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC…Những đánh giá của Đảng đến nay vẫn nguyên tính thời sự.
Nói về việc tiếp dân, là nói đến một sự tương tác, gặp gỡ giữa cán bộ với nhân dân. Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Cán bộ chính quyền là đại diện của dân, được dân trao quyền, là công bộc của dân. Bởi vậy, khi dân đến với cán bộ, chính quyền là đến với người đại diện cho mình.
Cán bộ tiếp dân cũng là để giải quyết chính những vướng mắc của dân, của chính mình. Cũng tiếc thay khi chính người dân, hay có cán bộ lại quên đi trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, đôi bên thiếu sự cảm thông, chia sẻ cùng nhau.
Mục tiêu, quyết tâm của Chính phủ nhiệm kỳ này là “Chính phủ luôn gần dân, hướng về nhân dân”, mọi việc làm đều vì quyền lợi của dân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đã yêu cầu mỗi cán bộ tiếp dân phải đặt mình vào vị trí của người dân đi KNTC để tích cực, chủ động tìm các biện pháp xử lý dứt điểm, mạnh dạn sửa sai, không đùn đẩy trách nhiệm, yêu cầu kiện toàn bộ máy tiếp công dân. Các địa phương phải quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị 35/CT-TƯ, Luật Tiếp công dân, Nghị định 64/NĐ-CP…
Thực tế, với người tiếp dân, nếu không phải là người trực tiếp giải quyết thì cũng là cầu nối với người giải quyết. Khi đặt mình vào vị trí của người đi khiếu nại, người tiếp dân, giải quyết càng cảm thông, để chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu để giải quyết sự việc thực sự có lý, có tình.Vai trò của người tiếp dân rất quan trọng. Đặc biệt, khi người tiếp dân lại là người trực tiếp xử lý, giải quyết vụ việc.
Chính vì điều này nên pháp luật đã yêu cầu các lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các địa phương như Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố phải tiếp công dân. Chính phủ cũng đã trực tiếp vào cuộc khi trực tiếp Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Tổng Thanh tra Chính phủ đã đến các địa phương trực tiếp tiếp dân.
Để việc tiếp công dân, để giải quyết KNTC có được kết quả cao nhất, cả người dân, người cán bộ rất cần phải cùng thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Người phản ánh phải truyền đạt được những nội dung cần thiết nhất, chính xác nhất cho người tiếp nhận. Để rồi từ những kiến nghị, từ các quy định của pháp luật, đôi bên có thể cùng nhau xử lý, giải quyết vụ việc một cách hiệu quả tối ưu.
Tuy nhiên, trên thực tế, lâu nay, không ít những người đi KNTC vẫn chưa hội đủ các điều kiện để đảm bảo cho việc KNTC. Từ đơn thư cho đến thái độ, tâm tư chủ yếu nặng về cảm xúc, nỗi uất ức dồn lại. Không ít người đi KNTC không phản ánh được vấn đề chính cần kiến nghị, mà gặp cán bộ tiếp dân, chủ yếu lại đổ những bức xúc của mình lên cán bộ tiếp dân.
Quả thật, không gì khổ bằng cán bộ tiếp dân, lãnh đạo tiếp dân, khi phải gánh chịu những uất ức, bức xúc, dồn nén từ chính người đi KNTC. Chuyện nói lớn, la hét, những hành vi qúa khích, ngày này qua ngày khác, việc này qua việc khác. Nếu cán bộ tiếp dân chỉ cần thiếu kiên nhẫn, không cảm thông với bức xúc của người dân đi KNTC, rất dễ xảy ra những hiểu lầm không đáng có.
Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, lấy hiệu quả của công tác tiếp dân và giải quyết KNTC làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết qủa công tác, Đảng đã yêu cầu các cán bộ lãnh đạo “thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với xử lý, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh. Chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân”.
Làm sao để hạn chế thấp nhất KNTC? Thực tế những gì diễn ra cho thấy, mọi khó khăn, phát sinh thường xuất phát từ cơ sở. Nếu như vấn đề được xử lý, giải quyết ngay từ cơ sở, từ những người trực tiếp hiểu rõ nguồn cơn sẽ tránh đi bao nhiêu hệ lụy. Với mỗi vụ việc dù kéo dài, dù lên đến Trung ương, cuối cùng việc giải quyết vẫn từ cơ sở. Phải lắng nghe tiếng nói của người dân từ khu dân cư nơi sát đời sống nhất. Cần tăng cường công tác tiếp dân, lắng nghe, giải quyết vấn đề, vụ việc ngay từ cơ sở, từ khu dân cư.