Tháng Công nhân năm nay, nhiều địa phương trong cả nước, Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố đã gặp gỡ, đối thoại với công nhân. Sáng 23/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân, người lao động Thủ đô. Trước đó, tại Chương trình “Cảm ơn người lao động”, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cũng đã gặp gỡ cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động tiêu biểu.
Tại các buổi gặp gỡ, đối thoại, công nhân, người lao động có dịp trình bày với lãnh đạo tỉnh/thành những vấn đề trong cuộc sống, đồng thời nêu kiến nghị, nguyện vọng. Những buổi gặp gỡ trực tiếp, đối thoại luôn được công nhân, người lao động chờ đợi. Không chỉ mong nhận được sự chia sẻ, mà công nhân, người lao động còn kỳ vọng người đứng đầu chính quyền tỉnh/thành cho biết giải pháp gì để “hóa giải” những khó khăn họ đã, đang và sẽ tiếp tục gặp phải.
Trong nhiều vấn đề được công nhân, người lao động đặt ra hiện nay, nổi lên việc nhà ở xã hội và rút bảo hiểm xã hội một lần. Đó chính là tâm tư, lo lắng của nhiều người. Tuy nhiên, cũng không dễ gì giải quyết được ngay. Như người ta thường nói, vì còn “độ trễ của chính sách”. Nhưng dẫu thế thì người đứng đầu chính quyền tỉnh/thành cũng cảm nhận được rõ hơn, từ đó có quyết tâm hành động cao hơn.
Từ việc Chủ tịch UBND tỉnh/thành gặp gỡ, đối thoại với công nhân, người lao động trong Tháng Công nhân, cũng xin được nói thêm về vấn đề tiếp dân đã thành chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trong đó có Quy định số 11-QĐ/TƯ ngày 18/2/2024 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”.
Về việc này, lãnh đạo nhiều địa phương, các bộ ngành đã thực hiện tốt. Nhưng cũng nhiều nơi có thể nói là vẫn bê trễ. Trong khi Quy định là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy và cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Riêng đối với người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, tiếp công dân là trách nhiệm rất rõ ràng. Theo quy định tại Luật Tiếp công dân, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng. Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân ít nhất 2 ngày trong 1 tháng và Chủ tịch UBND cấp xã phải trực tiếp tiếp công dân 1 ngày trong 1 tuần.
Tuy nhiên, thông tin tại một hội nghị góp ý báo cáo chuyên đề giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp cho thấy, suốt 18 tháng giám sát, số ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh trên địa bàn toàn quốc chỉ đạt 42% yêu cầu theo quy định. Đáng chú ý, có 5 Chủ tịch UBND tỉnh chỉ tiếp dân 1 ngày và 4 Chủ tịch tỉnh không tiếp dân ngày nào. Thay vì trực tiếp tiếp dân, nhiều Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Phó Chủ tịch tiếp dân thay 272 ngày (chiếm 23%); hoặc Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng ban Tiếp công dân tiếp dân thay 208 ngày (chiếm 18%). Rất ít địa phương có Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động tổ chức tiếp dân đột xuất, tiếp đoàn đông người để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương…
Nói như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thì cần công khai thông tin những đơn vị nào mà người đứng đầu không tiếp công dân, kể cả cấp tỉnh, kể cả bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, ngành. Báo cáo trước Quốc hội để Quốc hội rõ.
Tất nhiên, đến nay tình hình cũng đã tích cực hơn, nhưng cũng không vì thế mà lơi lỏng vì câu chuyện người đứng đầu cơ quan hành chính thực hiện không đầy đủ lịch tiếp dân theo quy định đâu đó vẫn còn. Cũng vì thế mà những bức xúc bị tích tụ, dồn nén, từ đó nảy sinh khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Nhiều ý kiến cho rằng, để người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước không thể lấy lý do quá nhiều công việc mà “lười” tiếp dân, thì cần làm rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu. Không thể có quyền mà không chịu trách nhiệm. Cũng không thể đòi hỏi trách nhiệm mà không giao quyền tương ứng. Cạnh đó, cũng tránh việc ủy quyền tiếp dân cho Thanh tra và các cơ quan chuyên môn, vì người dân muốn được Chủ tịch UBND lắng nghe cũng như nhận được câu trả lời trực tiếp.
Tiếp dân để gần dân hơn, hiểu dân hơn. Lãnh đạo gần dân không chỉ lắng nghe mà từ đó có những tiếp thu, điều chỉnh cần thiết. Từ đó có được sự đồng thuận, tạo được niềm tin trong nhân dân, người lao động. Đó là việc làm thực sự cần thiết.