Tôi bất ngờ được một người bạn vong niên là kỹ sư xây dựng mời thăm một số công trình giao thông trọng điểm của TP HCM, đúng vào dịp cuối năm. Địa điểm ghé thăm đầu tiên là cầu Thủ Thiêm 2. Tôi ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh lao động nhộn nhịp của công nhân dù thành phố vừa qua giai đoạn phong thành dập dịch covid - 19. Vừa mở kính xe hơi, ngắm những công nhân đang đang miệt mài làm việc trên công trường, vừa tận hưởng ngọn gió hơi se lạnh như tiết trời mùa thu đất bắc. Tôi tò mò:
- Cầu Thủ Thiêm 2 sắp hoàn thành rồi phải không?
Người bạn đồng hành quay sang tôi mỉm cười:
- Đã hợp long ngày 2/9/2021 và dự kiến sẽ khánh thành vào ngày 30/4/2022.
Rồi như câu hỏi của tôi chạm đúng “chỗ ngứa” anh thuyết trình:
- Đây là cầu có thiết kế dây văng đối xứng, dài 1,4 km, có trụ tháp hình vòm cao 113m nghiêng về phía Thủ Thiêm với 6 làn xe, khởi công xây dựng vào ngày 3/2/2015, với tổng mức đầu tư 4.260 tỉ đồng. Theo kế hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 30/4/2018. Tuy nhiên, do thiếu vốn và vướng giải phóng mặt bằng và sau đó gián đoạn bởi dịch Covid-19 nên cầu chậm tiến độ, có thời gian phải tạm dừng thi công.
Tôi lặng im ngắm cây cầu và vẻ hoành tráng của nó đang hiện ra trước mắt. TP HCM đang hồi sinh sau khoảng thời gian chật vật vì dịch Covid -19. Cây cầu bắc trên sông Sài Gòn, nối quận 1 trung tâm thành phố với Thành phố mới Thủ Đức. Khi hoàn thành, cây cầu sẽ kéo gần lại khoảng cách giữa trung tâm thành phố với Thành phố Thủ Đức. Ở chiều ngược lại nó cũng sẽ tạo cho giao thông các quận 4, 7, Bình Chánh, Bình Tân (Long An), Vĩnh Long, Cần Thơ và các tỉnh còn lại của trung tâm kinh tế vùng đất chín Rồng.
Nhưng không chỉ cầu Thủ Thiêm 2, những ngày cuối năm này, thành phố đang tất bật với những công trình nước rút như dự án cầu Bưng mới, cầu Phước Lộc sang Nhà Bè, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh, dự án mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh nối thành phố với tỉnh Bình Dương, Long An... lắng nghe người bạn đường say sưa kể về những dự án giao thông, tôi nhắm mắt hình dung ra những công trình hạ tầng tầm cỡ, trong tương lai, không kém những công trình của một thành phố nước ngoài.
Đường cao tốc TP HCM - Long Thành, Long Thành - Dầu Giây, TP HCM - Mộc Bài, đường vành đai 2 nối với khu công nghệ cao. Trước đó là đại lộ Đông Tây, nay là đường Võ Văn Kiệt. Đại lộ Phạm Văn Đồng nối Bình Dương, Đồng Nai với sân bay Tân Sơn Nhất. Và, từ con đường, phóng tầm mắt về phía chân cầu Sài Gòn, bóng dáng của một thành phố hiện đại đã hiện hữu với những cao ốc chọc trời, những khu chung cư cao cấp vươn lên kiêu hãnh như biểu tượng của một tiến trình đổi mới và hội nhập.
Nhưng con đường hội nhập vào biển lớn không chỉ là dáng vẻ hoành tráng của những công trình giao thông. Và càng không không đơn giản là cái vươn vai của cậu bé làng Gióng như trong huyền thoại. Từ câu chuyện những công trình giao thông của người bạn đồng hành, tôi bỗng suy nghĩ miên man về sự nghiệp đổi mới đất nước do đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Đổi mới là một cuộc cách mạng với những cơn “đau đẻ” kéo dài trước khi sinh hạ cuộc sống mới. Đó là cuộc vật vã đau đớn để lột xác những năm đầu giải phóng trên con đường tìm kiếm hướng đi lên đầy chông gai chưa từng được vạch ra trong lộ trình. Thoát khỏi cuộc chiến tranh xâm lược của một đế quốc khổng lồ, nhưng chúng ta cũng mất hẳn “bầu sữa” của nền kinh tế thực dân mới từ bên kia đại dương. Hai lần cải tạo tư sản sai lầm khiến nền kinh tế thêm kiệt quệ. Cơ chế quan liêu bao cấp với cung cách quản lý thị trường kiều ngăn sông cấm chợ, khiến thành phố bị bao vây cô lập và cận kề nguy cơ nạn đói.
Lãnh đạo thành phố trong cơn bĩ cực, đã buộc phải “xé rào”, phá vỡ quy tắc quản lý đắp đập be bờ, cử trực tiếp cán bộ về Đồng bằng sông Cửu Long mua gạo về phân phối cho dân. Cách làm đó không chỉ cứu được hàng triệu người khỏi nạn đói hiện hữu mà còn mở ra một con đường sống của nền kinh tế - cơ chế quản lý mới: Cơ chế để thị trường tự điều tiết.
Rồi một hợp tác xã mạnh dạn khoán nông nghiệp. Một công ty âm thầm phá bỏ kế hoạch hóa chỉ tiêu, một địa phương gạt bỏ chế độ tem phiếu, bù giá vào lương, một tổ hợp làm ăn tư nhân phi quốc doanh… tất cả những đột phá ấy của thành phố, như những con sóng ngầm xô ngã thành trì kinh tế quan liêu bao cấp, mở ra con đường chưa có tiền lệ và tư duy làm ăn khác không có trong giáo điều của một mô hình chủ nghĩa xã hội khô cứng, không tôn trọng thực tế khách quan.
Những đột phá của đời sống, lách qua vòng kim cô của cơ chế cũ, vô hiệu hóa dần những biển cấm và biển báo duy ý chí, đưa chúng ta quay dần về xa lộ của quy luật. Nền kinh tế quốc doanh thiếu nguyên liệu, đói hàng hóa, mua bán không được suốt những năm dài bao cấp đang ngắc ngoải đã được cứu bằng nền kinh tế thị trường.
Những nỗ lực cuối cùng cũng đã được khai thông. Nó chứng minh một chân lý không thể chối cãi: Đổi mới là sự đòi hỏi tất yếu, là mệnh lệnh của cuộc sống, là loại đường cứ đi rồi mới thành đường, nó chính là điều mà một nhà khoa học gọi là “quyền uy của lòng dân”.
Kiên định mục tiêu hội nhập và phát triển, con đường đổi mới là con đường đầy cam go. Đó là con đường đòi hỏi người lãnh đạo phải luôn tắm mình trong cuộc sống thực tiễn, nghe và nói tiếng nói của đời sống, của nhân dân. Những người đứng đầu thành phố trong những tháng năm đầy cam go của đất nước lúc ấy - những bộ óc kiệt xuất Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, sau này là Tổng bí thư và Thủ tướng chính phủ hiểu rất rõ điều đó.
Các ông hiểu rõ mảnh đất mà mình đã cùng nhân dân đổ máu đấu tranh giành độc lập dân tộc, đập cùng nhịp đập với trái tim nhân dân. Đó là lý do khiến các ông tiếp tục sẵn sàng đứng đầu sóng ngọn gió, vượt qua rào cản đầy uy lực của những tư duy giáo điều, tấn công vào cái cơ chế cũ kỹ và lạc hậu. Bởi các ông thấm nhuần rất sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Không thể có chủ nghĩa xã hội nếu không có no ấm cho mọi người, không có hạnh phúc cho nhân dân.
Bắt đầu từ hoạt động phong phú, sôi động của những doanh nghiệp tư nhân sau cởi trói, xé rào, kinh tế đã thu hoạch những vụ mùa hoa trái đầu tiên. Từ thực tiễn được kiểm nghiệm, vào năm 1989, thành phố đã cho ra đời các quy định tạo điều kiện phát triển cho kinh tế tư nhân, sau này là cơ sở cho việc hình thành luận điểm nền kinh tế nhiều thành phần của đường lối đổi mới. Khu chế xuất Tân Thuận là một hướng đột phá khác của kinh tế TP HCM.
Hoạt động có hiệu quả cao của khu chế xuất mở ra một mô hình về khu công nghiệp tập trung trên địa bàn, trở thành trào lưu xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp trong hàng loạt địa phương trong cả nước. Chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp được thành phố thí điểm cũng nhanh chóng được khẳng định là một hướng đi đúng mở ra lối thoát cho con đường tái cơ cấu doanh nghiệp quốc doanh.
Kết quả đã cân đong đo đếm được. Câu nói “cùng cả nước, vì cả nước” của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã được TP HCM thể hiện xuất sắc. Thành phố thực sự trở thành đầu tàu cho kinh tế cả nước. Từ năm 2001 đến 2010 GDP thành phố tăng trung bình hơn 11%/năm, bằng 1,2 lần vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của quốc gia. Từ năm 2011-2013, thấp hơn nhưng GDP vẫn tăng bình quân 9,6%/năm, gấp 1,7 lần mức tăng bình quân của cả nước.
Trong chặng cuối hành trình, xe của chúng tôi lại trở ra xa lộ Hà Nội. Con đường đang tiếp tục được mở rộng để tăng khả năng lưu thông. Trước mắt chúng tôi là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố, tuyến Bến Thành - Suối Tiên đang được gấp rút hoàn thành và sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2022. Tôi phóng tầm mắt về những cao ốc chọc trời đang mọc lên hai bờ sông Sài Gòn, sang tận Phú Mỹ Hưng và hình dung ra sức sống của một thành phố trẻ - sức sống bất diệt từ mạch sống nhân dân và ngẫm nghĩ về lời cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu “Sài Gòn - TP HCM đi trước và về đích trước”.
Gió từ sông Sài Gòn vẫn lồng lộng thổi về.