Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Ở các nước 60, 70, 80 tuỗi vẫn làm Đại sứ. Cho nên nếu không có chính sách sử dụng thì sẽ rất khó khăn, vì thế cho phép Chính phủ được quy định một số trường hợp đặc biệt.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thảo luận tại tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện.
Chiều 26/10, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: Luật Cơ quan đại diện được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2009 có hiệu lực từ ngày 2/9/2009.
Sau 7 năm thi hành, Luật đã phát sinh yêu cầu sửa đổi, bổ sung đối với một số điều khoản như: Luật chưa thể chế hóa quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về quy trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Bên cạnh đó, luật chưa quy định các tiêu chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, phục vụ việc xem xét bổ nhiệm, qua đó lựa chọn được các cán bộ có năng lực, đóng góp hiệu quả cho công tác đối ngoại.
Đặc biệt, Bộ Ngoại giao đã kiến nghị và được các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ chấp thuận bổ nhiệm một số trường hợp có yêu cầu công tác đối ngoại, cán bộ có năng lực xuất sắc, kinh nghiệm và uy tín trong đối ngoại song đã quá độ tuổi bổ nhiệm. Những Đại sứ này đã đóng góp đáng kể vào việc làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam và nước sở tại, củng cố tổ chức, bộ máy và phát huy vai trò của cơ quan đại diện.
Nhằm tranh thủ các cán bộ có năng lực tốt, kinh nghiệm, cần có quy định để chính thức hoá thực tiễn này. “Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện ở nước ngoài là cần thiết” - ông Minh nói.
Phát biểu tại tổ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phân tích thêm: Thứ nhất, trước đây các Đại sứ được cử đi do Chính phủ gửi danh sách sang Ban tổ chức Trung ương xin ý kiến. Sau đó trình lên Chủ tịch nước phê chuẩn. Nhưng theo Hiến pháp mới nêu rõ phải có quy trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và duyệt Đại sứ. Luật cũ không nêu rõ tiêu chuẩn, tiêu chí của Đại sứ mà theo Pháp lệnh ngoại giao. Cho nên Luật mới sẽ làm rõ tiêu chuẩn lựa chọn, xét duyệt Đại sứ.
Thứ hai, Luật đầu tư công, Luật đấu thầu có quy định xây dựng đại sứ quán ở nước ngoài phải đấu thầu. Nếu chúng ta áp dụng theo luật trong nước thì khó vì phải theo nước sở tại. Cho nên luật bổ sung việc đã ở nước ngoài thì phải áp dụng theo nước sở tại, những trường hợp đặc biệt áp dụng thế nào thì Chính phủ quy định chi tiết.
“Ví dụ muốn xây dựng đại sứ quán ở nước ngoài theo luật trong nước quy định phải đấu thầu, nhưng nhiều nước không có đấu thầu. Có thời điểm lúc giá đang thấp chúng ta có khả năng mua được nhưng vì vướng thủ tục nên cuối cùng mất cơ hội mua với giá thấp. Do đó Luật này có những điều khoản áp dụng cho trường hợp ở nước ngoài” - ông Minh cho hay.
Điểm thứ ba, theo ông Minh là theo quy định, cán bộ đi Đại sứ một nhiệm kỳ thì phải còn đủ 36 tháng tuổi trước khi nghỉ hưu; tức là 57-60 tuổi không được làm Đại sứ. Chưa kể 7 địa bàn trọng điểm như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Campuchia, Lào, Nga, Liên hợp quốc thì Đại sứ phải là Thứ trưởng. Như vậy ở trong nước thì 57 tuổi vẫn còn tuổi lao động, vẫn là Thứ trưởng nhưng ra nước ngoài để làm Đại sứ thì không được. Nếu quy định như vậy sẽ mất đi những cán bộ có kinh nghiệm nhất là ở những nước quan trọng càng cần người có kinh nghiệm. Ở các nước 60, 70, 80 tuỗi vẫn làm Đại sứ. Cho nên nếu không có chính sách sử dụng thì sẽ rất khó khăn, vì thế cho phép Chính phủ được quy định một số trường hợp đặc biệt.
Theo ĐB Nguyễn Văn Hiên (Lâm Đồng), trong trường hợp đấu thầu mua, sửa chữa cơ quan đại diện thì việc lập chủ trương đầu tư được tiến hành theo thủ tục rút gọn là cần thiết. Tuy nhiên rút gọn cũng phải có nguyên tắc. “Vậy rút gọn như thế nào thì cần nêu rõ cụ thể? chứ không thể chung chung” - ông Hiên bày tỏ.
Giải trình về vấn đề được ĐBQH đặt ra tại tổ về việc cán bộ đi Đại sứ tại địa bàn khó khăn có chiến tranh thì có được hưởng thêm phụ cấp? hay có chế độ đãi ngộ gì sau khi hoàn thành nhiệm vụ hay không? Phó Thủ tướng cho biết: Thực tế do tình hình hiện đất nước ta còn khó khăn, nên người đi địa bàn khó khăn hay thuận lợi đều hưởng chung mức lương 450-500 USD/tháng. Đi địa bàn khó khăn không có trợ cấp thêm, trừ trường hợp nước sở tại có chiến tranh như Libya, Iraq. Nhiều trường hợp Đại sứ đối mặt với “sự sống và cái chết” như vừa rồi tại Lybia, đại sứ quán bị cướp hết tài sản nhưng cũng chỉ được phụ cấp mấy phần trăm so với lương.
“Bố, mẹ, vợ con chẳng may qua đời, Đại sứ đều phải bỏ tiền để về chứ nhà nước không có hỗ trợ. Sửa luật lần này có quy định cho phép được về. Đó là điểm nhân văn. Bộ Ngoại giao cũng có chính sách là lần trước cán bộ đã đi địa bàn khó khăn thì lần sau được đi địa bàn thuận lợi và ngược lại. Nhưng thường Đại sứ đi các địa bàn khó khăn chỉ đi một mình chứ không mang vợ con đi cùng” - ông Minh ngậm ngùi chia sẻ.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đọc báo cáo thẩm tra dự án luật.
Thẩm tra dự án luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật. Theo ông Giàu, việc sửa đổi, bổ sung nhằm quán triệt và triển khai thực hiện định hướng chiến lược của Đảng tại Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” và cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm tính thống nhất với các luật mới được ban hành có liên quan; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn mới.