Cuối tuần qua, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Vũ Văn Ninh, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ. Đây là bài học cảnh tỉnh, răn đe để cán bộ phải biết giữ mình trong quá trình công tác.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Vũ Quốc Hùng- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: Cán bộ phải luôn luôn có ý thức tu dưỡng, rèn luyện để có bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức cách mạng vững vàng nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế tiêu cực.
Ông Vũ Quốc Hùng.
PV:Thưa ông vừa qua Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Vũ Văn Ninh, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ. Cá nhân ông có bình luận về vấn đề này? Và, theo ông mức kỷ luật đã đủ sức răn đe, cảnh tỉnh cho những cán bộ đang đương chức?
Ông Vũ Quốc Hùng: Việc làm đó của Bộ Chính trị rất nghiêm khắc, nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, nghỉ hưu nhưng mắc sai phạm trong thời gian công tác cũng vẫn phải bị xử lý. Bộ Chính trị đã có hình thức kỷ luật cảnh cáo và yêu cầu cấp có thẩm quyền kỷ luật về hành chính tương ứng với kỷ luật của Đảng. Tôi cho rằng đây là hành động mạnh mẽ rất cần thiết, mang tính răn đe. Một Phó Thủ tướng lúc về hưu tưởng rằng được an hưởng vui vẻ, nhưng giờ bị gọi ra để kỷ luật. Theo tôi, việc làm của Trung ương nói chung và Bộ Chính trị nói riêng để răn đe cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, là không có “hạ cánh an toàn”, không có “vùng cấm” trong xử lý cán bộ.
Vậy từ những lỗi sai phạm của cán bộ trong thời gian qua đã mắc phải và bị kỷ luật, theo ông sắp tới chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng chúng ta cần lựa chọn như thế nào để có được cán bộ có tâm, có tài trong bộ máy lãnh đạo?
- Nếu thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng một cách nghiêm túc thì sẽ sàng lọc và tuyển chọn được những cán bộ ưu tú có tâm, có tài. Điều lưu ý mà tôi muốn đề cập ở thời điểm bây giờ là chúng ta phải hỏi ý kiến của nhân dân. Vì ý kiến đánh giá nhận xét của người dân nơi cư trú, nơi công tác đối với cán bộ là vô cùng quan trọng. Mỗi đồng chí cán bộ ứng cử vào vị trí lãnh đạo các cấp phải rất rõ về lý lịch, không phải lý lịch là thành phần gì, mà là lai lịch của đồng chí đó từ khi trưởng thành cho đến nay.
Nói chung công tác cán bộ phải cẩn trọng từng bước một, nếu cứ đánh giá hời hợt, nghe “anh nọ giới thiệu anh kia” mà bỏ qua các khâu xét duyệt là không được. Những cơ quan làm nhân sự phải theo dõi sát sao. Các mối quan hệ của đồng chí đó ra làm sao? Có dựng “sân sau” hay không? Theo tôi việc này không khó gì cả, nhưng nếu vì nể nang nhau thì sẽ né tránh, ngại va chạm nên lờ đi, bỏ qua, rồi đồng ý cho xong. Làm như thế là để lọt những người không đủ tài, đủ đức vào bộ máy lãnh đạo .
Nhưng thực tế có nhiều người có lý lịch tốt nhưng sau khi vào vị trí nào đó một thời gian họ mới bắt đầu mắc các sai phạm, như Đảng từng nhận định đó là “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”. Vậy làm sao có thể đánh giá đúng và chọn được cán bộ có chất lượng vào bộ máy lãnh đạo thưa ông?
- Bản chất cán bộ cũng là con người, do đó lúc nào cũng phải tu dưỡng. Ông cha ta đã căn dặn tu thân, tề gia, trị quốc là việc làm thường xuyên. Còn thoái hóa, biến chất diễn ra trong một môi trường mới nên tự bản thân cán bộ phải luôn luôn có ý thức tu dưỡng, rèn luyện để có bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức cách mạng vững vàng nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực. Đạo đức của một người cán bộ đảng viên không tự nhiên mà có, đó là kết quả của quá trình tu dưỡng, học tập, rèn luyện bền bỉ. Trong quá trình công tác, trước những tác động tiêu cực của quá trình mở cửa hội nhập đòi hỏi người đảng viên phải luôn tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng để vượt qua khó khăn, thử thách và cám dỗ của những vật chất tầm thường. Nói tóm lại, làm cán bộ là phải biết tu thân.
Như vậy, ông có cho rằng phải tăng cường kiểm tra, giám sát đảng viên, nhất là phát huy vai trò của các tổ chức đảng gắn với việc tự phê bình và phê bình của cán bộ đảng viên?
- Tôi cho rằng đầu tiên phải giám sát chặt chẽ cán bộ và theo dõi một cách có hệ thống. Ngoài bản thân họ tự tu dưỡng thì tổ chức có vai trò rất quan trọng trong việc nhắc nhở, giám sát. Bởi không ở đâu nắm rõ về đồng chí, đồng nghiệp của mình bằng chính những người gắn bó với công việc hàng ngày của cán bộ, đảng viên đó.
Trân trọng cảm ơn ông!