Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, muốn phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 cần một phần nguồn vốn xã hội hóa từ dự án nhà ở thương mại.
PV:Thưa ông, nhu cầu cấp thiết là thế nhưng nguồn cung nhà ở xã hội thời gian qua lại thiếu. Theo ông, những vướng mắc nào dẫn đến tình trạng này?
Ông Lê Hoàng Châu: Tôi cho rằng có khá nhiều vướng mắc cần tháo gỡ sớm. Doanh nghiệp (DN) tư nhân chưa được vay ưu đãi nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%; dự án nhà ở xã hội cho thuê chưa được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật Nhà ở 2014 và tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, vì Tổng cục Thuế đã có văn bản số 4216/TCT-TTHT ngày 17/10/2019 trả lời chỉ cho giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN.
Ngoài ra quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội của DN tư nhân rất rắc rối, nhiêu khê hơn thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Để gỡ khó cho DN khi tham gia xây dựng các dự án bất động sản, nhiều người cho rằng cần sửa Luật Nhà ở theo hướng quy định quy hoạch khu vực riêng để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở giá phù hợp với thu nhập của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị. Quan điểm của ông?
- Chúng tôi (Hiệp hội Bất động sản TPHCM) đã đề xuất bổ sung quy định UBND cấp tỉnh trích 10% tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn để phát triển nhà ở xã hội.
Theo đó, nếu chỉ trích 10% tiền sử dụng đất thu từ dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn thì số tiền không lớn, đặc biệt với tỉnh vùng sâu, vùng xa. Như thế sẽ khó có thể dành để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của các dự án; cũng như đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, nhất là nhà nước không có đủ ngân sách để thực hiện đền bù, tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Ngoài ra, Hiệp hội nhận thấy nếu bỏ quy định “các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ” thì khó thực hiện mục tiêu đến năm 2025 phát triển 570.000 căn nhà ở xã hội, đến năm 2030, phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Vì thế nên bổ sung quy định: “Các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải có trách nhiệm đóng góp nghĩa vụ tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ” vào Điều 43 và Điều 81 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhằm bổ sung một phần nguồn vốn xã hội hóa từ dự án nhà ở thương mại, để thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư.
Thưa ông, tại Khoản 5 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép “người thu nhập thấp đô thị, công nhân, lao động khu công nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang” được “hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định”, để “mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở”. Điều này được kỳ vọng tạo cơ hội cho người dân tiếp cận vốn để mua nhà ở xã hội?
- Đúng vậy, chính sách tín dụng “hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi dài hạn tối đa không quá 25 năm” là chính sách quan trọng nhất để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Bên cạnh việc nhà nước kiểm soát chặt chẽ giá thành, giá bán nhà ở xã hội thì chính sách quan trọng nhất, thiết thực nhất đối với người mua, thuê mua nhà ở xã hội là được “hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi dài hạn tối đa không quá 25 năm”. Về lâu dài khi nền kinh tế nước ta mạnh hơn thì có thể kéo dài thời hạn vay ưu đãi đến 30 năm như một số nước đang thực hiện.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nói về cơ chế chính sách, theo chia sẻ của một số doanh nghiệp, lợi nhuận các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội nhận được chỉ ở mức khiêm tốn, khoảng 10%. Trong khi, đầu ra cho sản phẩm vẫn gặp những vướng mắc về đối tượng mua, quy trình bán. Song để xin phê duyệt một dự án nhà ở xã hội thì mất khoảng 5 năm do trải qua nhiều khâu, nhiều thủ tục khiến chi phí đội lên. Thủ tục phức tạp cũng làm doanh nghiệp ngại tham gia.