Cần bổ sung tội nhận tội thay người khác

Từ Khôi 19/08/2015 09:20

Để tránh bị truy tố, tránh bị ngồi tù vì hành vi phạm tội của mình, có người đã bỏ tiền thuê người khác nhận tội, đi tù thay. Hành vi này có nguy cơ nảy nở khi Bộ luật Hình sự chưa có quy định cụ thể về việc người nhận tội thay cũng phải bị xử lý hình sự.

Trong thực tế, hành vi nhận tội thay người khác cũng đã xảy ra. Ví như vụ tai nạn giao thông làm chết 3 người ở ngã tư Sài Đồng - HANEL, quận Long Biên, Hà Nội vào 2 h sáng ngày 3/7/2004. Đó là việc một chiếc xe ôtô Mercedes đang chạy trên Quốc lộ 5 với tốc độ cao theo hướng từ Hà Nội về Hải Phòng đã va chạm với xe môtô làm cả 3 người đi trên chiếc môtô này bị chết.

Người điều khiển chiếc xe ô tô vi phạm đã rời ngay khỏi hiện trường. Đến 16 h cùng ngày, có hai người tự tìm đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Hà Nội khai báo. Người thanh niên còn trẻ khai tên là Lập, còn người đàn ông trung niên khai tên là Lợi. Lợi cho biết, do quá hoảng sợ mà ông phải nhờ anh Lập đưa đến đây trình báo.

Tại đây, ông Lợi khai tên họ đầy đủ là Nguyễn Đức Lợi, SN 1960, trú tại số 19A Bến Bính, Hải Phòng. Ông Lợi khai tuy có bằng lái xe nhưng do hoàn cảnh kinh tế eo hẹp không mua được xe riêng nên ông ta chỉ đi lái xe thuê. Cách đây vài tuần, ông có thuê chiếc xe Mercedes của anh Hoàng Văn Tựa ở phường Trần Phú, thị xã Bắc Giang.

Mấy ngày đầu, ông Lợi chỉ lái xe ở loanh quanh khu vực thị xã Bắc Giang, sau đó mới được anh Tựa cho đưa xe lên Hà Nội để lấy hàng chở về Hải Phòng. Cho đến 2h sáng ngày 3/7, trên đường từ Hà Nội về Hải Phòng thì xe gây tai nạn. Lời khai của ông Lợi phù hợp với hiện trường, thời gian gây tai nạn với các chi tiết diễn biến của sự việc với nhân thân anh Tựa.

Tuy nhiên, có một điều khiến các điều tra viên băn khoăn là tại sao giữa ông Lợi và anh Tựa chỉ vừa mới quen nhau có vài tuần, không có mối quan hệ thân tình mà anh Tựa lại dám giao cả một tài sản lớn là chiếc xe cho ông Lợi đem lên Hà Nội, rồi lại chạy xe về Hải Phòng? Hơn nữa, khi hỏi ông Lợi về lịch trình của xe từ sáng ngày 2/7 đến 2 h sáng ngày 3/7/2004 (tức là lúc xảy ra tai nạn) tại Hà Nội thì ông Lợi có vẻ lúng túng và các lời khai về vấn đề này không thống nhất. Sau nhiều giờ động viên thuyết phục, giải thích, cuối cùng ông Lợi đã phải thú nhận toàn bộ chuyện đã nhận lời đi tù thay anh Lập với giá 50 triệu đồng.

Cũng có những vụ việc, hành vi nhận tội thay đã che mắt được cơ quan điều tra, tòa án và viện kiểm sát.

Ví như vụ việc xảy ra năm 2003 đối với anh Nguyễn Hữu Thạnh (Đà Lạt, Lâm Đồng) là tài xế xe khách chạy tuyến Đà Lạt - Nha Trang. Năm 2003, trên Quốc lộ 1 thuộc địa phận thị xã Cam Ranh (Khánh Hoà) xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Một ô tô khách đi lấn đường đâm vào xe máy chạy ngược chiều, khiến người điều khiển xe máy bị tử nạn. Thạnh tự nhận trực tiếp lái ôtô gây tai nạn. Anh ta bị tạm giữ và công an tiến hành các thủ tục tố tụng theo quy định.

Ngày 30/9/2003, TAND thị xã Cam Ranh xử sơ thẩm, phạt Thạnh 9 tháng tù về tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Ngày 18/2/2004, Thạnh làm thủ tục nhập trại giam Công an tỉnh Lâm Đồng. Chấp hành hình phạt được 5 ngày, Thạnh viết đơn kêu oan, xác định Nguyễn Văn Hiếu (ngồi cùng xe) mới là người trực tiếp lái ôtô gây tai nạn. Hiếu không có bằng lái nên chủ xe đã dàn xếp để Thạnh nhận tội thay.

Sau khi thẩm tra chứng cứ tại hồ sơ, kết hợp điều tra làm rõ một số tình tiết liên quan, ngày 27/5/2004, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Khánh Hoà đã ra kháng nghị tái thẩm bản án đã xử. Ngày 11/6/2004, Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh Khánh Hoà có quyết định tái thẩm, tuyên hủy toàn bộ án hình sự sơ thẩm của TAND thị xã Cam Ranh; trả tự do ngay cho Nguyễn Hữu Thạnh. Ủy ban Thẩm phán giao hồ sơ cho Viện KSND thị xã Cam Ranh điều tra lại theo thủ tục chung.

Vì hành vi nhận tội thay người khác không bị xử lý hình sự nên nhiều người vì bị o ép, cần tiền hoặc vì một lý do khác đã chấp nhận nhận tội không do mình gây ra. Hành vi này không thể khép vào tội “Không tố giác tội phạm” hoặc “Che giấu tội phạm” vì người nhận tội thay không “biết rõ” người thuê mình có phạm tội hay không và cũng không hề tác động đến quá trình điều tra, xử lý người phạm tội.

Theo luật sư Lê Luân – Đoàn Luật sư Hà Nội: Những thỏa thuận này đã diễn ra trong xã hội, nhưng nó không phải trường hợp đồng phạm, cũng không phải che giấu tội phạm vì có mặt khách quan hoàn toàn khác tội che giấu. Vì thế phải truy tố người nhận tội thay người khác. Nhưng hiện nay nội dung này cũng chưa có trong BLHS, vì thế cần có quy định loại tội này trong BLHS đang dự thảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần bổ sung tội nhận tội thay người khác