Ngày 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Tại phiên họp, trình bày Tờ trình dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 16 năm thi hành, việc thực thi Luật Hóa chất tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 16 năm thi hành Luật Hóa chất năm 2007 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Theo đó, các quy định đối với dự án hóa chất chủ yếu tập trung vào các yêu cầu đảm bảo an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường, chưa đề cập các yêu cầu về công nghệ, định hướng phát triển ngành, chất lượng sản phẩm hay các yêu cầu về hóa học xanh và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, việc thi hành pháp luật về quản lý hóa chất đôi khi còn chưa nghiêm. Nhiều hóa chất nguy hiểm bị sử dụng sai mục đích gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Nhiều đơn vị xem nhẹ các quy định về an toàn hóa chất, không thực hiện hoặc thực hiện đối phó, hình thức, chưa đảm bảo công tác phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất. Giữa các cơ quan quản lý còn thiếu cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về công tác quản lý hóa chất.
Từ đó, trên cơ sở các chính sách được xây dựng, theo ông Diên, dự thảo Luật Hóa chất sửa đổi gồm 89 điều và được bố cục thành 10 chương. Về thủ tục hành chính, dự thảo Luật quy định 12 nhóm thủ tục hành chính. Mặc dù có phát sinh thêm thủ tục hành chính mới nhưng số thủ tục hành chính trong lĩnh vực hóa chất sẽ giảm đi 5 nhóm so với hiện nay. Các thủ tục hành chính được nghiên cứu, xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp, đơn giản hóa quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban này tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi).
Tuy nhiên theo ông Huy, có ý kiến đề nghị cần có chính sách đầu tư thích đáng, có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm để phát triển công nghiệp hóa chất, tránh việc đầu tư tràn lan, gây lãng phí, tốn kém và không hiệu quả. Theo đó, đề nghị nghiên cứu giữ lại quy định khoản 2 Điều 6 Luật Hóa chất hiện hành về việc Nhà nước đầu tư xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp hóa chất, xây dựng hệ thống kiểm soát an toàn hóa chất quốc gia, cơ sở dữ liệu thông tin an toàn hóa chất; làm rõ tiêu chí cụ thể về quy mô nguồn vốn và tiến độ giải ngân có cần quy định trong dự thảo Luật hay giao Chính phủ quy định để phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội từng thời kỳ.
Đặc biệt, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể trong dự thảo Luật để tạo cơ chế pháp lý triển khai chính sách quy định tại khoản 4. Nghiên cứu, bổ sung quy định về đầu tư phát triển, tuyển dụng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành hóa chất. Khuyến khích đầu tư nghiên cứu, ứng dụng những loại hóa chất ít độc hại cho môi trường và sức khỏe con người, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn. Bổ sung chính sách cụ thể để thúc đẩy tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Bên cạnh đó, theo ông Huy, có ý kiến đề nghị làm rõ chính sách nào do Nhà nước ưu đãi, chính sách nào do Nhà nước đầu tư; cần rà soát, cụ thể hóa đầy đủ các chính sách tại các điều, khoản cụ thể trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi.