Bà Hà Thị Nga, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để gửi tới kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV cần phản ánh đậm nét hơn sự lo lắng của cử tri trước những sự việc bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em trong thời gian vừa qua.
Ngày 8/5, tại Hội nghị lần thứ 12 Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhằm cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để gửi tới kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, nội dung của dự thảo đã có sự tổng hợp toàn diện, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của tầng lớp nhân dân, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đời sống của nhân dân, sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tổ chức thành viên trong các chương trình hành động. Đồng thời, báo cáo đã thẳng thắn nêu ra những tồn tại, hạn chế mà nhân dân, cử tri cả nước đang quan tâm, mong đợi.
Góp ý vào nội dung của báo cáo, bà Hà Thị Nga đề nghị, dự thảo cần phản ánh đậm nét hơn sự lo lắng của cử tri trước những sự việc bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em trong thời gian vừa qua, như vụ bé gái 8 tuổi tử vong do bị mẹ kế bạo hành tại TP Hồ Chí Minh; bé gái bị cha dượng xâm hại ở Sơn La,... Cử tri rất mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan đến vấn đề này.
Bà Hà Thị Nga cũng đề nghị, các cấp ủy chính quyền địa phương phải có giải pháp cụ thể để vận động xã hội, tích cực tham gia vào công tác phòng, chống, phát hiện sớm các vụ việc, tránh tình trạng các việc vụ việc kéo dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ trong gia đình bị hại mà còn gây hoang mang cho người dân.
Việc này đã làm, tuy nhiên cần có sự quan tâm thỏa đáng đầy đủ, cần có giải pháp mạnh hơn trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giáo dục nâng cao ý thức cho người dân, không để xảy ra các hành vi tương tự.
Về kiến nghị của Đoàn Chủ tịch, bà Hà Thị Nga đề xuất cần kiến nghị bổ sung để Nhà nước có giải pháp hữu hiệu hơn trong phát hiện, phòng ngừa và giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; tiếp tục phát huy các đường dây nóng về phòng chống bạo lực gia đình; cần tổ chức nghiên cứu các mô hình “Nhà tạm lánh”, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho các nạn nhân của bạo lực gia đình; cụ thể hóa các giải pháp trong luật, nêu ra những hạn chế bất cập của pháp luật hiện hành nói chung cũng như trong việc sửa đổi Luật phòng chống bạo lực gia đình sắp tới.