Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề kê khai tài sản, thu nhập cá nhân, ông Nguyễn Bá Sơn- Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, kê khai tài sản còn hình thức vì mới dừng ở việc kê khai, còn khi nào có “vấn đề” mới tiến hành thẩm tra. Theo ông Sơn, công khai bản kê khai là một chuyện, vấn đề là các bản kê khai đã được thẩm tra xác minh hay chưa, đó đang là vấn đề còn gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Bá Sơn.
PV: Thưa ông, vừa qua khi tiến hành thẩm tra báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 của Chính phủ, một vấn đề tiếp tục nhận được nhiều ý kiến, đó là việc kê khai tài sản còn hình thức. Trong hơn 1 triệu người phải kê khai tài sản thu nhập chỉ phát hiện 10 trường hợp vi phạm. Vậy cá nhân ông có suy nghĩ gì?
Ông Nguyễn Bá Sơn: Kê khai tài sản còn hình thức vì mới dừng ở việc kê khai, khi nào có “vấn đề” mới tiến hành thẩm tra. Vừa qua trong hơn 1 triệu người kê khai, xác minh thẩm tra đối với 46 người, trong đó có 10 người vi phạm. Thường những trường hợp nằm trong diện chuẩn bị bổ nhiệm, cất nhắc, bị khiếu nại tố cáo, hay chuẩn bị bầu cử, chúng ta mới tiến hành thẩm tra xác minh. Vì đang làm theo cách như vậy nên thời gian qua số liệu người được thẩm tra, xác minh bản kê khai chỉ ở chừng đó.
Theo ông làm sao để việc kê khai đạt hiệu quả cao hơn?
- Theo tôi cần có hệ thống cơ sở dữ liệu về vấn đề kê khai tài sản, thu nhập. Tức là phải có phần mềm cập nhật cơ sở dữ liệu từ các bản kê khai, có sẵn cơ sở dữ liệu. Khi có yêu cầu phát sinh phải kiểm tra đối với những trường hợp bổ nhiệm, cất nhắc, bị khiếu nại chúng ta có thể kiểm tra được ngay ,thay vì mỗi lần như thế lại phải đi thẩm tra xác minh. Khi có cơ sở dữ liệu đầy đủ, việc thẩm tra sau này sẽ đơn giản hơn rất nhiều và lúc đó có thể mở rộng diện thẩm tra, xác minh bản kê khai tài sản. Ban đầu việc thực hiện cơ sở dữ liệu có thể hơi vất vả vì chưa quen. Nhưng thời gian sau sẽ có cơ sở dữ liệu sẵn, đến khi có ý kiến, việc thẩm tra xác minh sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Vậy cơ sở dữ liệu đó theo ông được xây dựng thế nào?
- Đầu tiên phải xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung sau đó mới liên thông. Chúng ta không phải đang “trắng tay” vì hiện nay ngành thanh tra đã có một hệ thống cơ sở dữ liệu, vấn đề là các đơn vị có chủ động để làm hay không? Khi đồng bộ, dữ liệu kết nối lại với nhau mọi việc sẽ ổn. Vừa qua Thủ tướng đã ký ban hành Đề án về Chính phủ điện tử, vì vậy hệ thống cơ sở dữ liệu về kê khai tài sản cũng cần là một nội dung nằm trong đó.
Như vậy chúng ta cần thay đổi cách kê khai lần đầu, thưa ông?
- Bản thân việc kê khai hiện nay tạm ổn, vấn đề nằm ở việc kê khai xong có thẩm tra, giải trình hay không? Hiện chúng ta đang làm việc đó rất ít. Mong muốn của người dân là tất cả các đối tượng thuộc diện giữ chức vụ, quyền hạn đã kê khai nên chăng cần thẩm tra lại, giải trình sớm để nhập vào cơ sở dữ liệu, như thế sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch. Khi có ý kiến việc thẩm tra, xác minh và công bố số liệu cũng đơn giản. Như vậy không ai thắc mắc tại sao chỉ xác minh vài chục người. Do đó làm sao để việc thẩm tra, xác minh giải trình phải là câu chuyện diễn ra thường xuyên. Muốn vậy, phải có cơ sở dữ liệu ban đầu, việc thẩm tra xác minh ban đầu sau kê khai phải được làm sớm, khi hình thành xong mọi chuyện sẽ đơn giản, gắn được trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình thẩm tra, xác minh đối với bản kê khai. Khi có vấn đề phát sinh, căn cứ vào đó để đối chiếu, lúc đó mọi việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Bởi mỗi lần công bố cho thấy tổng số người được thẩm tra, xác minh ít hơn so với tổng số kê khai rất nhiều nên người dân cảm thấy không yên tâm.
Nhiều ý kiến cho rằng, kê khai tài sản chưa hiệu quả cũng một phần do chưa công khai. Vậy bên cạnh giải pháp về cơ sở dữ liệu, có cần công khai bản kê khai tài sản để tạo điều kiện cho mọi người giám sát, thưa ông?
- Hiện nay chúng ta vẫn đang công khai nhưng phạm vi công khai chỉ có ĐBQH, đại biểu HĐND mới công khai ở khu dân cư. Còn cán bộ, công chức chủ yếu công khai bản kê khai tài sản trong phạm vi tại cơ quan, đơn vị. Mọi người mong muốn mở rộng phạm vi công khai tài sản nhưng khi thảo luận sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, Quốc hội chỉ đồng ý phạm vi công khai vẫn giữ nguyên như trước đây. Tức là vẫn dừng ở mức cũ. Thực ra công khai bản kê khai chỉ là một chuyện, vấn đề là các bản kê khai đã được thẩm tra xác minh hay chưa? Và đó đang là vấn đề còn nhiều khó khăn.
Nhưng ngay cả xác minh bản kê khai tài sản đối với các chức danh từ giám đốc sở trở lên thì cũng khá khó khăn vì quá rộng, do vậy việc thu hẹp lại đối tượng kê khai tài sản đã được đặt ra vì bộ máy không thể đủ người để đi xác minh hết các bản kê khai, thưa ông?
- Câu chuyện không nằm ở việc khó khăn mà chúng ta thu hẹp lại, hay mở rộng ra. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta đã làm được đến đâu chứ không phải có đủ người làm hay không? Quan trọng là xác định đối tượng đó có cần phải thẩm tra hay không? Theo tôi những đối tượng đó nên thẩm tra xác minh lại bản kê khai vì đó là những người giữ chức vụ, quyền hạn. Do đó nên thẩm tra để có cơ sở dữ liệu ban đầu và đưa vào hệ thống cơ sở dữ liệu. Đến khi phát sinh, nếu cần thẩm tra lại mọi việc cũng sẽ đơn giản hơn nhiều, bởi thẩm tra đi kèm với nghĩa vụ phải giải trình.
Trân trọng cảm ơn ông!