Ngày 18/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Xây dựng sửa đổi và Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tác hại thiên tai và Luật Đê điều.
Đại biểu Quốc hội tổ 3 thảo luận ngày 18/11. Ảnh: Quang Vinh.
Áp dụng công nghệ để cung cấp thông tin quy hoạch
Liên quan đến Dự án Luật Xây dựng sửa đổi, ĐB Đào Thanh Hải (Hà Nội) cho rằng, Luật lần này vẫn chưa đủ chế tài cho việc bảo tồn những nét văn hóa phố cổ của một số tỉnh trên địa bàn toàn quốc. Do đó Luật cần có những quy định để vừa bảo tồn, vừa giữ đảm bảo cuộc sống cho người dân. Dẫn chứng từ việc người dân khu vực Hoàn Kiếm, Hà Nội muốn sửa chữa, cải tạo nhà ở hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà đã phải sống hàng mấy chục năm nay không có ánh sáng tự nhiên, và không được phép cải tạo, ông Hải cho rằng, Luật lần này cần phải điều chỉnh để làm sao tạo điều kiện cho người dân nhưng đồng thời vẫn giữ được nét văn hóa phố cổ. Theo đó, Bộ Xây dựng có thể phối hợp với các địa phương xây dựng ra 5-7 mẫu thiết kế nhà theo đúng tiêu chuẩn phố cổ để cho người dân dựa vào đó và được phép sửa chữa, miễn làm sao sau khi xây dựng xong, chúng ta vẫn nhìn thấy những nét phố cổ.
Ông Hải cũng cho rằng, hiện nay không có một cơ chế chính sách cụ thể nào trong việc bảo tồn phố cổ, trong khi đó chỉ quy định chung là phải bảo tồn, phải giữ nguyên, không được sửa chữa, không cơi nới xây dựng nên có việc nhiều người xây dựng theo dạng đầu cơ, tìm mọi cách phá hỏng biệt thự và đưa nó vào tình trạng nguy cấp cấp 3 cần phải sửa chữa. Từ đó phá cả biệt thự đi xây thêm tòa cao ốc, khiến mật độ dân cư thay đổi. Theo ông Hải, việc bảo tồn các biệt thự cổ Hà Nội là một vấn đề hết sức nhạy cảm và vô cùng khó khăn và có nhiều uẩn khúc. Ngay các cấp chính quyền cũng rất khó khăn trong việc quản lý. Đấy là vấn đề mà Luật cần phải điều chỉnh.
Theo ĐB Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng), các thủ tục xây dựng cần rút gọn, đưa ra các nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng và đẩy mạnh khoa học kỹ thuật vào trong quản lý nhà nước gắn với phân định rõ trách nhiệm, chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư xây dựng tuân thủ quy trình, an toàn tính mạng, tài sản, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, và bảo vệ môi trường. Ông Khải cũng cho rằng, Luật không nên bỏ yêu cầu chứng chỉ về an toàn lao động vì trong xây dựng phải đảm bảo an toàn lao động, nếu không yêu cầu chứng chỉ về an toàn lao động vậy sẽ kiểm tra như thế nào? Ít nhất phải qua lớp đào tạo mới có thể biết để đảm bảo an toàn, rồi kiểm định chất lượng và định giá xây dựng. Đây là những vấn đề liên quan đến trình độ, nếu bỏ chứng chỉ sẽ không đảm bảo an toàn.
Còn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thì nhận định, với những công trình lớn, quy hoạch lớn, cần có quy định chặt chẽ giữa ngành xây dựng và giao thông vận tải để tránh xé lẻ, phá quy hoạch. Vì vùng nào là vùng lõi, mật độ nhà cửa nhiều, có thể bớt thay đổi vì mỗi lần thay đổi sẽ ảnh hưởng kinh phí rất lớn để giải phóng mặt bằng, tái định cư, đền bù nhà cửa. Còn trong khu mới, mật độ xây dựng còn thấp có thể biến khu mới thành những khu đô thị hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu để hình thành nên sẽ có vùng lõi là vùng cổ, và vùng mới là vùng hiện đại. Nhưng muốn vậy, Luật phải có những quy định để chính quyền địa phương xác định vùng lõi.
Tránh lãng phí trong diễn tập phòng tránh thiên tai
Liên quan đến dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tác hại thiên tai và Luật Đê điều, theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), trong diễn tập phòng chống thiên tai việc quy định cấp nào cũng phải diễn tập phòng chống sẽ gây lãng phí và hình thức, nhất là tại cấp xã. Do đó chỉ nên duy trì với những nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt, còn những nơi không có bão lũ cũng diễn tập sẽ khiến làm trở thành hình thức.
“Không làm thì bị ở trên ép xuống, còn làm thì lãng phí. Nhiều nơi nghèo nhưng xã vẫn phải diễn tập phòng chống thiên tai. Như ở Đồng Tháp, có nơi không xảy ra bão, lũ nhưng vẫn phải diễn tập, phải dựng một nhà tạm cho 3-4 người vào trong đó, không có mưa nên phải dùng vòi phun của bên phòng cháy chữa cháy để tạo mưa giả, còn gió không có nên cứ rung cây tạo hiện trường gió thổi. Sau đó diễn tập lực lượng cứu hộ mang cáng đến để đưa 3-4 người ra. Năm nào cũng phải diễn tập, không làm không được, mỗi lần diễn tập mất 100 triệu đồng, Sở Tài chính năm nào cũng kêu tốn kém”-ông Hòa cho hay đồng thời đề nghị chỉ nên diễn tập ở từng cấp, và tùy vào điều kiện của mỗi địa phương chứ không nên bắt buộc. Vì trong diễn tập ai cũng làm hoành tráng để được khen. Như vậy là tốn kém và bất hợp lý
Ông Hòa cũng đề nghị cần quy trách nhiệm cấp nào trong quản lý trang thiết bị phòng chống thiên tai. Do hiện nay không quy trách nhiệm cấp nào, xã hay huyện quản lý nên mua sắm thiết bị xong không bảo dưỡng, đến lúc sự việc xảy ra trang thiết bị bị rỉ sét không hoạt động được như các trang thiết bị trong phòng cháy chữa cháy vừa qua, khi xảy ra cháy thì lại không sử dụng được.
Theo ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) trong diễn tập phòng chống thiên tai không nên quy định cứng khung mà nên tùy vào điều kiện cụ thể của từng nơi, vì nơi đồng bằng khác với miền núi, nơi có thiên tai thường xuyên xảy ra khác với nơi không có thiên tai. “Diễn tập là rất cần thiết và hiệu quả, qua các vụ bão lũ xảy ra mới thấy hiệu quả của việc diễn tập, và ứng phó trong di tán dân, nếu không khi xảy ra sẽ bị lúng túng, thiệt hại về người và tài sản. Do đó trong diễn tập không nên dập khuôn theo 1 khung mà nên để tùy theo từng địa phương cụ thể, nếu cứ dập khuôn thì diễn tập phòng chống sẽ không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực”- ông Tùng cho hay.