Cân đối nguồn thu chi khi tự chủ đại học

Thu Hương (thực hiện) 19/08/2022 07:12

Từng công tác tại Trường Đại học Xây dựng từ năm 1962, TS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam khẳng định, thực hiện tự chủ, các trường đại học (ĐH) đã thay đổi rất nhiều, từ số lượng, chất lượng giảng viên, sinh viên, cơ sở vật chất theo hướng tích cực, có lợi cho cả nhà trường và người học.

TS Nguyễn Mậu Bành.

PV: Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, cả nước có tổng cộng 141/232 trường ĐH đủ điều kiện tự chủ theo Luật Giáo dục ĐH. Khi thực hiện tự chủ, thu nhập của giảng viên, người lao động đã tăng lên rõ rệt so với thu nhập bình quân giai đoạn trước. Lương, thu nhập tăng thêm và phúc lợi trung bình tăng 20,33% so với trước tự chủ. Đây có phải là một tín hiệu vui, thưa ông?

TS Nguyễn Mậu Bành: Tôi được biết có một số cơ sở giáo dục ĐH thu nhập tăng thêm đáng kể so với lương cơ bản. Như Trường ĐH Hà Nội tăng thêm 100%, Trường ĐH Kinh tế TPHCM tăng thêm 75%, Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội tăng thêm 70%, Trường ĐH Kinh tế quốc dân tăng thêm 60%... Những con số tăng thêm này là niềm vui với người lao động khi đời sống giáo viên, giảng viên được nâng lên. Điều chúng ta mong muốn bấy lâu nay là nhà giáo sống được bằng lương đang dần được hiện thực hóa, bản thân tôi rất phấn khởi.

Tuy nhiên, khi nhìn vào nguồn thu của các trường đang thực hiện tự chủ chủ yếu vẫn là học phí. Trong đó, giai đoạn 2016-2021, nguồn thu chi cho con người (bao gồm cả chi thu nhập tăng thêm và chi vượt giờ) chiếm tỷ trọng trên 50%/tổng chi cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo ĐH và sau ĐH, tôi lại thấy băn khoăn. Bởi khi kinh phí chủ yếu dành để chi trả cho con người, chi tăng cường điều kiện dạy và học chiếm tỷ trọng thấp sẽ khó có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học.

Thưa ông, khi các trường thực hiện tự chủ, vấn đề học phí tăng là khó tránh khỏi nhưng từ những thống kê như ông vừa nói, đầu tư cho cơ sở vật chất, sinh viên… chưa đồng đều và tương xứng sẽ khó nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Tự chủ ĐH có 2 mặt. Vừa là cởi trói để các trường có thể tự chủ về khoa học công nghệ, tự chủ về đào tạo và một phần về mặt tài chính, từ đó tạo ra nguồn lực để đẩy mạnh công tác đào tạo và nguồn lực động viên giảng dạy, trong đó có các giảng viên khoa học. Tự chủ đòi hỏi phải có kiểm soát của nhà nước, không thể để tình trạng học phí rất cao mà xã hội không thể chấp nhận được.

Cần phải có kiểm soát của Nhà nước và nếu phát hiện những bất thường phải có xử lý. Muốn vậy các cơ quan chức năng như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính… phải thanh kiểm tra thường xuyên. Các trường phải minh bạch chi thường xuyên cho giáo viên, cơ sở vật chất, sinh viên, chi đào tạo khác… để xã hội cùng giám sát.

Đặc biệt là cam kết về chuẩn đầu ra tương ứng với học phí tăng để người học thấy rõ họ được lợi gì nếu chọn trường A mà không phải trường B. Ngay trong cùng một trường, một ngành đào tạo, học phí giữa hệ đại trà và chất lượng cao cũng khác nhau, thậm chí gấp 2-3 lần học phí. Vậy chất lượng đào tạo ra sao, cần có cam kết cụ thể.

Tăng thu nhập cho giảng viên là hợp lý nhưng bên cạnh việc khuyến khích về vật chất đối với các giảng viên, nhà khoa học, cũng cần những cơ chế động viên khác về nhiều mặt như tiền lương, tinh thần, tôn vinh đãi ngộ… Khi họ đang làm việc, ngay cả khi về hưu vẫn có những ưu đãi với họ. Như vậy mới giúp trí thức cống hiến, nhiệt huyết với nghề.

Về phía sinh viên, người học, tôi cho rằng những chính sách tín dụng hiện nay cần cởi mở hơn để người lao động bình thường, không chỉ là hộ gia đình nghèo, cận nghèo được tiếp cận vay vốn để học ĐH. Đây là đầu tư xứng đáng cho tương lai.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cân đối nguồn thu chi khi tự chủ đại học