Đại biểu HĐND TP Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần các thế hệ lãnh đạo đột phá, dám chịu trách nhiệm với thành phố để xây dựng Hà Nội thành thành phố đáng sống, bền vững, thông minh.
Ngày 6/7, đại biểu HĐND TP Hà Nội thảo luận tại hội trường về: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của thành phố; phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố; về giao kế hoạch vốn đầu tư công và kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của thành phố; về tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố.
ĐB Trần Anh Tuấn, Bí thư Thị ủy Sơn Tây cho biết, trong 6 tháng cuối năm, cần đẩy mạnh hơn nữa kinh tế dịch vụ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như mong thành phố hỗ trợ Sơn Tây thí điểm hệ thống xe điện, đưa đón khách du lịch từ các khu nghỉ dưỡng ra tuyến phố đi bộ và các di tích của Sơn Tây vào dịp cuối tuần.
ĐB Nguyễn Xuân Đại, tổ Hoài Đức cho rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP đã cơ bản được kiểm soát tốt; tỷ lệ người tử vong thấp. nhấn mạnh tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nhất là đã xuất hiện biến chủng mới, Tuy nhiên ông Đại đề nghị, cần tiếp tục chú trọng đến những nhiệm vụ quan trọng về dịch bệnh, đặc biệt là tiến độ tiêm vaccine.
Bên cạnh đó, theo ông Đại, với tình hình thế giới, nhất là do xung đột Nga-Ukraine hiện nay sẽ ảnh hưởng chung đến tình hình an ninh lương thực, phân bón. Hà Nội có hơn 188 ngàn ha đất nông nghiệp, 4 triệu người dân khu vực nông thôn. “Nếu không có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn thì sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô”-ông Đại nói.
Liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Bí thư Huyện uỷ Sóc Sơn Phạm Quang Thanh cho rằng, 6 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân thấp và phần lớn do nguyên nhân chủ quan như: quy trình, thủ tục đầu tư, dịch bệnh, nên cần có giải pháp, điều hành linh hoạt hơn để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công phục vụ việc phát triển chung của thành phố.
Cùng quan điểm, ĐB Phạm Đình Đoàn, tổ đại biểu huyện Mê Linh cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công còn thấp nên cần có quy trình rà soát năng lực cán bộ điều hành.
Đáng chú ý, theo ông Đoàn, xây dựng Thủ đô kế hoạch 2030, tầm nhìn 2050 có rất nhiều mục tiêu lớn và đây là một trong những định hướng quan trọng của thành phố nên rất cần các thế hệ lãnh đạo đột phá, dám chịu trách nhiệm với thành phố để xây dựng Hà Nội thành thành phố đáng sống, bền vững, thông minh. Đó là yêu cầu, mong muốn của người dân và là di sản để lại cho thế hệ sau.