Làm từ thiện khó, tiêu tiền từ thiện càng khó hơn. Làm sao để cho đúng chỗ, đúng người.
Năm 2003, nhà báo Hải Âu (tên thật là Hoàng Kiên Định) (CLB cứu hộ xuồng hơi PVC) tham gia một dự án cho người nghèo của tổ chức UNDP, kể từ đó, anh trở là thành viên trong nhiều tổ chức từ thiện như: Sưởi ấm bản cao Otofun, Chương trình Cơm có thịt và rất nhiều các nhóm thiện nguyện khác. Vùng hoạt động của anh và các nhóm tại Tây Bắc: Pa Ủ - Mường Tè, Dìn Phàn Sáng - Hà Giang, Miền Trung có A Lưới - Huế, Lệ Thuỷ - Quảng Bình…
Tôi trò chuyện với nhà báo Hải Âu khi anh cùng CLB cứu hộ xuồng hơi PVC đang chuẩn bị đi vào vùng ngập lũ tại Hà Tĩnh. Lần này các anh tập trung trợ giúp cho các vùng: Cẩm Vinh, Đại Nài, Thạch Thắng và Thạch Tân.
Như chia sẻ của nhóm, ngay khi có thông tin vùng Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh đang bị ngập nặng do mưa lớn, hồ Kẻ Gỗ sức chứa đã đầy buộc phải xả, anh em CLB gấp rút bỏ tiền, chuẩn bị phương tiện cá nhân, và kêu gọi bạn bè thông qua mạng xã hội cùng nhau chia sẻ. Anh em huy động thuyền hơi của của bạn bè trên cả nước, cùng nhau mua nước, lương khô, áo phao, lương thực thực phẩm, đồ ăn nhanh, chạy xe suốt đêm vào Hà Tĩnh để ứng cứu ngay lập tức.
Là người có nhiều kinh nghiệm về các hoạt động cứu trợ, đồng thời tham gia nhiều diễn đàn với tiêu chí tương thân tương ái, luôn hỗ trợ lẫn nhau, những hoạt động thiện nguyện, nhà báo Hải Âu luôn có mặt để chia sẻ cùng anh em tiếp sức và hỗ trợ những bà con gặp khó khăn và những vùng bị thiên tai dịch hoạ, góp một chút công sức nhỏ trong việc cứu hộ, cứu trợ cho đồng bào.
Nhà báo Hải Âu tham gia nhiều nhóm thiện nguyện, đi rất nhiều nơi, có nhiều trải nghiệm, được tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn, anh mới thấy xót xa và thương đồng bào. “Hôm trước đi cứu hộ vùng lũ ở Lệ Thuỷ - Quảng Bình, xuồng hơi của tôi là xuồng đầu tiên đưa được những suất cơm cứu trợ ở khu vực bị cô lập vì nước sống gió to, không phương tiện nào tiếp cận được, dân không có gì ăn, toàn nhai mỳ tôm sống do ko có nước sạch và ko có gì đun nấu”, Nhà báo Hải Âu kể lại. “Sau ba ngày mới tiếp cận được nhà dân. Nhìn thấy đội cứu hộ đến họ không ngại nước lũ, lội đến cổ ra lấy xuất cơm, mừng ứa nước mắt”.
Đội cứu hộ chia thành hai nhóm. Nhóm đưa người ra khỏi khu vực bị cô lập và nhóm hỗ trợ đồ ăn lương thực. Nhóm cứu người cũng đưa được hơn 300 người gồm người già, trẻ em, người ốm ra khỏi khu vực nguy hiểm an toàn. “Nhưng có một trường hợp thương tâm là em bé ở Ba Đồn, do bị lũ chia cắt, mấy ngày không có phương tiện nào đưa bé đi viện, khi đội cứu hộ xuồng hơi vào đến nơi, đưa bé đi ra gần tới bờ thì bé mất trên tay thành viên của đội, bốn anh em ngồi trên xuồng đều ứa nước mắt, chỉ cần sớm hai tiếng là cứu được cháu bé. Anh em chúng tôi sẽ không bao giờ quên”.
Với nhà báo Hải Âu, người nổi tiếng có uy tín hay người của công chúng khi kêu gọi quyên góp cho hoạt động từ thiện thì khá nhanh và dễ, vì chính họ là những kênh truyền thông được nhiều người biết đến, yêu thích.
Tuy nhiên, nhà báo Hải Âu chia sẻ: “Làm từ thiện khó, tiêu tiền từ thiện càng khó hơn. Làm sao để cho đúng chỗ, đúng người. Kênh thông tin cực kỳ quan trọng, phải có người xác minh ở địa phương cần làm. Sau đó là phân bổ như nào cho hợp lý, hỗ trợ cái gì, vào thời điểm nào cũng rất quan trọng. Như vùng đang bị lũ chia cắt nước ngập thì ưu tiên nước uống, lương khô, chứ cho mỳ tôm thì làm sao nấu nướng được. Sau ngập thì nên hỗ trợ những thứ liên quan đến dịch tễ, y tế”.
Tại những điểm còn ngập, các anh bắt buộc phải vận chuyển bằng thuyền vào các điểm Uỷ ban Nhân dân, sau đó mới chèo đò tay đi chia đến từng hộ, có địa phương dẫn đi gọi từng nhà để phân phát. Còn trên bờ tổ chức tập trung người dân đến một chỗ rồi chia cho từng người:
“Có điểm nhà ngập tới nóc, sóng gió đánh đổ tường, đồ đạc trôi khắp nơi, lợn gà chết nổi lềnh phênh, cây cối hoa màu đổ rạp, mưa gió vẫn trắng trời, ai có nhà xây thì cố thủ ở tầng hai, không có điện nước để sinh hoạt, nấu ăn, chủ yếu nhai mỳ tôm sống, nếu có”, nhà báo Hải Âu chia sẻ tình cảnh bà con vùng lũ mà anh chứng kiến.
Vấn đề an toàn được anh em CLB luôn đặt lên hàng đầu. Ai tham gia cũng bắt buộc phải trang bị đồ chuyên dụng, bảo hộ đầy đủ như áo phao, phao cứu sinh, dây cứu hộ, đai cứu hộ, trang bị đồ lặn mặc bên trong, còi…, và quan trọng nhất mỗi người trong nhóm đều phải được đào tạo về kỹ năng sinh tồn, cũng như dày dạn kinh nghiệm lái thuyền, xuồng thì mới dám đi vào vùng bão lũ.
“Liên hệ với cấp cao nhất của chính quyền địa phương có mặt tại hiện trường để chắt lọc thông tin và lên danh sách ưu tiên các vùng cần ứng cứu và đề nghị địa phương cử người thông hiểu địa hình và các xóm làng đi cùng dẫn đường đến với những nhà nguy cấp nhất”. Là việc đầu tiên khi đoàn tới địa bàn. Chủ trương của cả nhóm là ưu tiên vận chuyển người bệnh, người già và trẻ nhỏ cần sơ tán đến nơi an toàn kết hợp với vận chuyển hàng cứu trợ. 6 thuyền chia 3 cặp ứng cứu cho các vùng theo sự điều hướng của chính quyền. Xuồng hơi của các anh đã vào được đến tận chân cầu thang nhà dân để đón đỡ người bệnh, sản phụ, người già.
Để công việc thiện nguyện được tổ chức tốt, theo nhà báo Hải Âu: “Chúng ta cần thông tin chuẩn xác, thời gian ứng cứu phải nhanh chóng. Cần có một người điều phối chính, lên kế hoạch, liên kết với chính quyền địa phương, xem cần gì, ở đâu để cùng phối hợp thì mới hiệu quả”.