Nhận định về quy hoạch bãi biển Sầm Sơn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Sầm Sơn cho rằng, nên có lộ trình, bước đi thích hợp trong chuyển đổi nghề cho ngư dân, từ đó bà con sẽ có thời gian để tiếp cận và thích nghi với ngành nghề mới.
Ảnh minh họa.
Những ngày này, Thanh Hóa “nóng” trước việc hàng trăm ngư dân thuộc thị xã Sầm Sơn kéo lên UBND tỉnh để kiến nghị, khiếu nại chủ trương di dời các bến thuyền nằm trong “Dự án không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương”. Vậy đâu là nguyên nhân chính khiến chính quyền vẫn chưa tìm được tiếng nói đồng thuận với bà con ngư dân? ĐĐK đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Phạm Gia Ất- Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Sầm Sơn xung quanh vấn đề này.
PV:Hơn 1 tuần qua, người dân thuộc các phường Quảng Cư, Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn (TXSầm Sơn) vẫn tiếp tục kéo lên tập trung trước cổng UBND tỉnh để khiếu nại chủ trương di dời các bến thuyền nằm trong dự án “Quy hoạch không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương”. Lãnh đạo tỉnh đã tổ chức đối thoại, một số giải pháp đã được đưa ra nhưng tình hình vẫn chưa hết căng thẳng. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn dến sự việc này?
Ông Phạm Gia Ất: Để thực hiện dự án này, Sầm Sơn có khoảng 705 phương tiện chủ yếu là thuyền mảng phải di dời đến bến mới và có trên 10 nghìn nhân khẩu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, về cơ bản đa số người dân đều ủng hộ chủ trương của nhà nước. Người dân hiểu rằng, Sầm Sơn cần phải được quy hoạch, xây dựng lại cho xứng tầm với tiềm năng vốn có của mình.
Xảy ra sự việc như vậy, tôi nghĩ mấu chốt vấn đề ở đây là chúng ta chưa có bước đi và lộ trình phù hợp. Cái cần nhất hiện nay với bà con là thời gian để thích nghi.
Tính từ khi tỉnh bắt tay vào triển khai dự án, chúng ta chưa có bất cứ một cuộc họp dân để thông báo, phổ biến, tranh thủ ý kiến của bà con. Lâu nay, MTTQ và chính quyền vẫn tổ chức tuyên truyền nhưng để tuyên truyền sâu, rộng và cụ thể về dự án thì chưa có. Nghề biển là nghề đặc thù, nên tôi vẫn nhắc lại rằng, điều bà con cần nhất hiện nay vẫn là thời gian để thích nghi và chuyển đổi nghề một cách bài bản. Nên chăng, cần có phương án thu hẹp dần các bến thuyền trong một khoảng thời gian nhất định.
Một điểm mấu chốt nữa khiến bà con chưa đồng thuận ở đây đến từ phía nhà đầu tư. Ngay từ khi bắt tay đầu tư vào Sầm Sơn, phía FLC đã có hoạt động không được lòng dân. Điển hình như vấn đề tại bãi khai thác ngao.
Khi tỉnh giao đất cho Tập đoàn FLC, rõ ràng không giao rừng phòng hộ cũng như phần mặt biển. Tuy nhiên khi triển khai, FLC vẫn xây dựng trên phần đất vốn là rừng phòng hộ, đồng thời thả phao không cho bà con ngư dân khai thác ngao tại bãi truyền thống. Chính điều này đã gây phản ứng âm ỉ nhưng gay gắt trong suy nghĩ của người dân.
Là người trực tiếp đến vận động, tuyên truyền, vậy tâm tư, nguyện vọng của bà con ngư dân Sầm Sơn là gì thưa ông?
- Sau khi có chủ trương và chỉ đạo của tỉnh, MTTQ thị xã đã phối hợp với MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên tại 4 xã phường có bến thuyền phải di dời, khảo sát cụ thể, chính xác các hộ nằm trong quy hoạch, phổ biến, tuyên truyền chủ trương chính sách đến từng hộ dân.
Điều bà con mong muốn nhất hiện nay vẫn là được nhà nước giành lại cho mỗi xã, phường từ 200 - 300m chiều dài theo bờ biển để làm nơi neo đậu tàu thuyền, tính kế sinh nhai. Bà con cũng cam kết sẽ hoạt động tuân theo đúng chủ trương của Nhà nước, sự sắp xếp của chính quyền.
Sau nhiều ngày nỗ lực vận động, tính đến chiều ngày 6/3, đã có gần 10 hộ dân ký nhận tiền đền bù, hỗ trợ theo Quyết định 705 (điều chỉnh) của UBND tỉnh và nhiều chủ thuyền mảng khác cũng cam kết sẽ tuân thủ theo đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Theo ông, để tìm được tiếng nói đồng thuận từ phía bà con nhân dân, trong thời gian tới, chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần làm những gì?
- Để tìm được tiếng nói đồng thuận của người dân Sầm Sơn trong thời gian tới, theo tôi, trước mắt tỉnh cần cụ thể, rạch ròi hơn nữa trong chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng có phương tiện khai thác hải sản gần bờ phải di dời, chuyển đổi cũng như các đối tượng không có thuyền mảng.
Thêm vào đó, phải rà soát lại các hộ có phương tiện khai thác hải sản. Rà soát ở đây chính là xác định cụ thể hộ nào đầu tư nhiều, hộ nào đầu tư ít. Từ đó có chính sách, mức hỗ trợ cụ thể hơn. Tránh việc cào bằng trong việc hỗ trợ, gây tâm lý bất mãn trong bà con. Nên có lộ trình, bước đi thích hợp trong chuyển đổi nghề cho ngư dân, từ đó bà con sẽ có thời gian để tiếp cận và thích nghi với ngành nghề mới.
Trong nhiều ngày qua, do bà con chưa tìm được tiếng nói chung với chính quyền, kéo lên tỉnh phản đối, đã có nhiều đối tượng quá khích lợi dụng tình hình kích động, gây rối, tạo tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người dân Sầm Sơn. Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân này. Tránh tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.
Trân trọng cảm ơn ông!