Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhiều lần nói gay gắt về y đức- đạo đức thầy thuốc. Đó là điều đương nhiên, vì nếu vô đạo đức thì không thể làm ngành y. Người bước chân vào ngành y đều nằm lòng lời thề Hippocrates- bản chất là cứu người.
Khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào vùng khó khăn.
“Các đơn vị y tế trong toàn ngành tiếp tục quán triệt tập huấn, học tập về kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử; rèn luyện các kỹ năng, tổ chức các hội thi nhằm tuyên truyền rộng rãi trong toàn ngành về đạo đức nghề nghiệp, ý thức, tinh thần phục vụ nhân dân từ người quản lý, bác sĩ cho đến y sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng và đến tận bảo vệ. Đó là chủ trương của Bộ Y tế”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từng nhấn mạnh.
Nhắc lại, ngày 22/4, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, mục tiêu là các đơn vị y tế phải tăng cường mối quan hệ thân thiện giữa bệnh viện với người bệnh và người nhà người bệnh. Theo đó, các đơn vị trong ngành Y tế phải biết lắng nghe phản ánh, bức xúc của người bệnh. Các cơ sở khám, chữa bệnh phải kiện toàn, thực hiện tốt xử lý thông tin “đường dây nóng” để nghe ý kiến người dân.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều chủ trương, chính sách để thay đổi phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế nhằm làm hài lòng bệnh nhân. Trong đó, rất đáng kể là việc đột phá về cơ sở hạ tầng, công nghệ; đột phá về nhân lực. Đáng chú ý là hàng loạt các biện pháp đổi mới về quan điểm, nhận thức lấy người bệnh làm trung tâm; đổi mới về quản lý; đổi mới về cách làm và đổi mới về phong cách, thái độ phục vụ. Nói chung, lắng nghe phản hồi là chủ trương mới, tích cực của ngành Y tế; từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.
Bộ Y tế cũng đã tập trung các giải phép nhằm giảm quá tải bệnh viện và tăng cường chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế, việc giảm tải bệnh viện, người bệnh không còn phải nằm ghép giường là việc khó thực hiện.
Trong tình cảnh đó y đức của ngành y lại càng phải được đề cao – chí ít là để hạn chế những tiêu cực từ thực tế. Cũng thật khó tưởng tượng một giường lại có tới ba bệnh nhân nằm “tráo đầu đuôi”; lại có cả người nhà bệnh nhân bò từ gầm giường ra chào Bộ trưởng Bộ Y tế khi bà Tiến tới thăm.
Nhiều năm qua, vấn nạn trong ngành y tế - nhất là việc y đức của người thầy thuốc làm xã hội băn khoăn, bức xúc. Không thể chấp nhận bác sĩ điều trị móc ngoặc với nhà thuốc kê đơn khống để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phải mua quá nhiều loại thuốc không cần thiết với giá cao chỉ để hưởng chênh lệch giá. Không thể chấp nhận việc phải đưa tiền cho y tá để tiêm “nhẹ” giúp bệnh nhân đỡ đau. Cũng không thể chấp nhận việc các bác sĩ giỏi trong bệnh viện nhà nước, vừa ăn lương lại vừa nhận tiền bên ngoài để làm thuê cho các phòng khám. Họ vừa nhận tiền nhà nước lại lợi dụng chuyên môn của mình để thu tiền trên những người bệnh.
Người xưa nói, có bệnh thì vái tứ phương. Phương quan trọng nhất chính là bệnh viện – trong đó vai trò của người thầy thuốc là quyết định. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, có không ít thầy thuốc theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ bỏ vinh hoa phú quý từ nước ngoài về chiến khu, tự tiêm vacine sốt rét vào cơ thể mình. Họ biết, có thể mình phải chết nhưng những chiến sĩ và đồng bào vùng tạm chiếm được sống. Giáo sư Đặng Văn Ngữ, Giáo sư Phạm Ngọc Thạch... là bằng chứng sinh động về người thầy thuốc cách mạng.
Nhưng thật đáng tiếc nhiều năm qua y đức của người thầy thuốc đi xuống. Không có tiền người bệnh phải nằm ngoài hành lang, người bệnh phải nằm chung giường. Không có tiền người bệnh không được mổ. Có tiền, chửa đến tháng thứ 7 vẫn nạo phá thai – cho dù lúc đó đã là một sinh linh trên cõi đời.
Trong xã hội Việt Nam, từ xưa tới nay, chữ ”thầy” là vô cùng cao quý. Xã hội phong kiến chỉ công nhận “thầy” đối với thầy giáo, thầy thuốc, thầy cúng. Khi đã được gọi là thầy thì phải xứng danh làm thầy. Tiếc rằng không ít người trong ngành y đã quên điều đó cũng như đã quên những điều dạy của Hippocrates.
Trở lại với việc của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, có thể bà chưa làm được giảm tải bệnh viện vì “lực bất tòng tâm”, nhưng những nỗ lực của bà về nâng cao y đức đã được xã hội thừa nhận. Bà đã đặt trúng vấn đề người dân bức xúc, xã hội mong mỏi. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “lương y phải như từ mẫu”, dù không phải làm mẹ bệnh nhân nhưng cán bộ y tế phải vì dân. Trong lúc ốm đau bệnh tật, không có người bên cạnh, thì cán bộ y tế phải là người gần gũi nhất với người bệnh, tiếp sức sống cho người bệnh. Vì thế, với người làm công tác y tế, điều quan trọng nhất chưa hẳn đã là tay nghề mà là một tấm lòng.