Cân nhắc kỹ việc thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng

Việt Thắng 21/06/2023 16:56

Hạn chế tối đa việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, nhất là khi có yếu tố thương mại chi phối hoặc đan xen.

Chiều 21/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường cả ngày về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phát biểu tại hội trường, ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã có nhiều nỗ lực trong tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chuyên gia và nhân dân cả nước, đồng thời bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo tiếp thu, giải trình cũng như báo cáo thẩm tra dự án luật.

Về thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, bà Hoa cho biết, so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp trước, dự thảo Luật lần này có thay đổi khi mở rộng hơn các trường hợp thu hồi đất theo 3 nhóm: thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng, thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước, công trình sự nghiệp, thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng.

“Quy định tại điềm e, g khoản 3 Điều 79 dẫn chiếu sang Luật Đấu thầu là chưa rõ ràng. Đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu chọn nhà đầu tư chỉ là cách thức giao đất, cho thuê đất, không phải là tiêu chí xác định trường hợp thu hồi đất. Hơn nữa, việc Nhà nước thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm cả dự án nhà ở thương mại, trường hợp này rất khó để xác định có nằm trong trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng hay không”, bà Hoa phân tích

Từ đó bà Hoa đề nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc các trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, nhất là khi có yếu tố thương mại chi phối hoặc đan xen.

ĐB Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) cho biết, việc sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều công ty nông lâm nghiệp không sản xuất, hoặc sản xuất kém hiệu quả, khiến đất đai bị lấn chiếm, lãng phí.

“Đất nông lâm trường thường là những nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sống xung quanh. Đồng bào có tập quán sống ở đâu thì sản xuất ở đó, tuy nhiên, hiện nay còn thiếu đất sản xuất. Dự thảo luật có quy định đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường sẽ bàn giao lại cho địa phương và ưu tiên giải quyết cho đồng bào dân tộc thiểu số”, bà Lan nói và đề nghị, cần bổ sung quy định vào Điều 79 dự thảo luật sửa đổi về nội dung thu hồi đất nông, lâm trường, kể cả đất đã giao, cho thuê nhưng các đơn vị không sản xuất, sử dụng đất không hiệu quả, không đúng mục đích, phải thu hồi đất có khả năng canh tác để giao cho đồng báo dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo sống ở khu vực có đất nông, lâm trường để canh tác, góp phần tạo sinh kế cho người dân.

Ngoài ra, bà Lan cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung đối tượng lực lượng y tế và giáo dục công tác tại khu vực có điều kiện xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo vào Điều 124, đồng thời bổ sung đối tượng này vào Điều 157 quy định miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho lực lượng viên chức y tế, giáo dục công tác tại các vùng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cân nhắc kỹ việc thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO