Cần những bước đi thận trọng khi khôi phục điện Kính Thiên

Phạm Sỹ 06/12/2022 06:17

Năm 2022, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiếp tục tiến hành khai quật thăm dò tại khu vực phía Đông - Bắc di tích nền điện Kính Thiên thuộc Hoàng thành Thăng Long. Khu vực khai quật có tổng diện tích 990 m2, trong đó một phần diện tích khai quật liên quan đến nhà Cục Tác chiến.

Theo kết quả đợt khai quật khảo cổ được công bố mới đây, cuộc khai quật thu được nhiều kết quả quan trọng trong việc nhận thức các giá trị nổi bật toàn cầu của Hoàng thành Thăng Long. Cùng với việc tiếp tục xuất lộ tầng văn hóa dày 3m có từ thời Lý đến thời Pháp thuộc, cuộc khai quật đã phát hiện nhiều di tích. Nhiều dấu tích kiến trúc mới thuộc các thời kỳ Lý - Trần - Lê - Nguyễn đã được các nhà khảo cổ phát phiện.

Hố thám sát cạnh tòa nhà Cục Tác chiến.

Cần nghiên cứu kỹ lưỡng

Các hố thám sát ở tòa nhà Pháp cũ (tòa nhà Cục Tác chiến), lần đầu tiên xuất lộ Ngự đạo thời Lê Sơ được lát bằng gạch vuông đỏ cỡ lớn, bên cạnh là một lối đi phụ ở phía Đông bằng gạch lát nghiêng. Lối đi này cũng trùng khớp vào cửa phụ phía Đông của cửa Đoan Môn.

Sau khi khai quật lớp mặt, ở độ sâu trung bình 1,1m so với mặt bằng tại chỗ, đã xuất lộ hệ thống kiến trúc thời Lê Trung hưng với 4 loại hình dấu tích, gồm: Dấu tích sân Đan Trì; dấu tích Ngự đạo; dấu tích bó nền trên sân Đan Trì; di tích kiến trúc chưa xác định có chân tảng đá nhỏ; dấu tích cống nước.

Theo sử cũ, vào thời Lê Sơ và Lê Trung hưng có sân Đan Trì (hay sân chầu, sân Đại Triều, sân điện Kính Thiên, là nơi diễn ra các nghi lễ quốc gia quan trọng nhất của đất nước. Các cuộc khai quật thăm dò tại đây đều tìm thấy dấu vết sân Đan Trì.

Dấu tích sân Đan Trì thời Lê Trung hưng nằm trong lớp văn hóa Lê Trung hưng, ở cao độ +8,132m. Dấu vết nền sân phân bố rộng khắp hố khai quật. Dấu tích đã bị đào phá rất mạnh tại nhiều vị trí bởi các hoạt động/công trình giai đoạn sau (thời Nguyễn, thời Pháp thuộc, thời hiện đại). Sân Đan Trì chạy theo hướng Bắc - Nam, trải dài từ thềm rồng điện Kính Thiên tới cổng Đoan Môn, được dấu vết móng đầm gia cố trục Ngự đạo phân chia thành 2 khu vực: phía Đông và phía Tây. Sân Đan Trì gồm có móng sân và mặt sân.

Theo Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam Tống Trung Tín, hầu hết quy mô và cấu trúc của kiến trúc Lý đều chưa được làm rõ. Mặt bằng và các di tích thời Trần càng rắc rối nếu không nói là khó hiểu nhất ở khu vực này cũng như trong tổng thể di sản, bởi nhiều lý do khách quan, cần nghiên cứu từng bước.

PGS.TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, hiện là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, sau khi nghe báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học khu vực điện Kính Thiên năm 2022 đã đánh giá cao kết quả khai quật. “Hay đến mấy nó cũng chỉ là dưới dạng tài nguyên văn hóa. Nó không phải là sản phẩm du lịch. Chúng ta giữ được, chúng ta tôn tạo. Muốn phát huy, quảng bá được thì ngoài di tích, hiện vật gốc… thì những dịch vụ, những sinh hoạt văn hóa do du lịch làm để cùng tài sản đó thành một sản phẩm, gói sản phẩm văn hóa có giá trị mới qua trọng. Về mặt nguyên tắc bảo tồn, đã là phế tích kiến trúc mang tính chất khảo cổ thì còn dấu vết phải còn tìm, còn khai quật. Tiếp tục tìm đến tận cùng, hiểu hết mới đúng là nghiên cứu, hoàn thiện sâu sắc hơn giá trị nổi bật toàn cầu của di sản” - ông Bài nói.

Hố thám sát cạnh tòa nhà Cục Tác chiến.

Cân nhắc khi hạ giải tòa nhà di tích một thời kỳ lịch sử

Tuy nhiên, tòa nhà Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ) nằm trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) đang chia quảng trường trước cửa nền điện Kính Thiên đến Đoan Môn làm hai. Do đó, việc hoàn trả không gian điện Kính Thiên bị hạn chế. Bởi vậy, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cùng các nhà khoa học đang tìm một giải pháp phù hợp.

PGS Đặng Văn Bài cho rằng, những giá trị phát hiện của khảo cổ học cho thấy việc hạ giải tòa kiến trúc của Cục Tác chiến để có thể nghiên cứu khảo cổ học tiếp theo là hợp lý. Tuy nhiên, theo ông Bài, hạ giải nhưng vẫn bảo tồn phi vật thể của Cục Tác chiến dưới một dạng thức khác chứ không phải xóa bỏ. Việc hạ giải không ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản. Tuy nhiên, bản thân kiến trúc ở đây đang xuống cấp nghiêm trọng thì khả năng bảo tồn nguyên vẹn, lâu dài là khó.

Tương tự, PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, việc hạ giải nhà Cục Tác chiến là cần thiết để hoàn trả không gian Điện Kính Thiên.

Nhưng cũng không ít ý kiến băn khoăn về việc hạ giải nhà Cục Tác chiến. TS Phạm Lê Huy (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc hạ giải tòa nhà cần phải cân nhắc rất kỹ vì đây cũng là di tích của một thời kỳ lịch sử đất nước và cũng nằm trong khu vực cần được bảo tồn.

Ông Phạm Vinh Quang - Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO cũng lưu ý về sự thận trọng trong việc hạ giải tòa nhà này. “Việc hạ giải công trình trong khu di sản cần các nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước suy tính thận trọng và xây dựng đề án để thuyết phục UNESCO chấp thuận” - ông Quang nói.

Tại hội thảo khoa học quốc tế về nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội diễn ra mới đây, nhiều ý kiến cho rằng việc khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên cẩn phải rất thận trọng. Theo chuyên gia Tomoda (Viện Nghiên cứu di sản văn hóa quốc gia Tokyo), việc phục dựng Điện Kính Thiên có thể phải phá bỏ các công trình chồng lớp khác, do đó cần phải suy nghĩ một cách hết sức nghiêm túc để không làm tổn hại đến giá trị di sản. Cần chú ý đến yếu tố thời tiết, khí hậu bản địa có thể làm ảnh hưởng, bào mòn hiện vật khi đưa ra khỏi lòng đất, nhất là những hiện vật có chất liệu từ đất nung hay di vật đồ gốm. Vì vậy, cần tính toán, nghiên cứu kỹ để đưa ra phương án bảo quản phù hợp nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần những bước đi thận trọng khi khôi phục điện Kính Thiên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO