Hơn 70% lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là nữ. Trong đó, nữ lao động di cư chiếm tỷ trọng lớn. Họ đã và đang góp phần tích cực vào phát triển kinh tế của địa phương thì bản thân lại gặp nhiều khó khăn về vật chất, tinh thần: Sống trong những căn nhà trọ chật hẹp, phải xa con cái, chi tiêu dè sẻn… Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ đối với nữ lao động tại các khu công nghiệp.
Khó khăn chồng chất
Chỉ chưa đầy hai tháng nữa là Tết Nguyên đán, nhưng chị Hà Thị Liên, công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam, khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long, (Hà Nội) ngổn ngang trăm mối trong lòng. Mấy người trong gia đình chị hàng ngày sống trong căn nhà trọ chật hẹp tại khu nhà cho thuê ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Hai đứa con, đứa lớn đang phải gửi ông bà ở quê. Bởi nếu đón cháu về đây sinh sống cùng sẽ tốn thêm tiền ăn, tiền học, lại phải thuê gian phòng rộng hơn mới đáp ứng được chỗ ở 4 người. Để bám trụ được ở thành phố và có tiền gửi về quê, hai vợ chồng chị phải sống tằn tiện trong nhiều năm qua. Năm nay, tình hình kinh tế kém khởi sắc, công ty ít tăng ca nên chị càng phải tiết kiệm hơn.
Tương tự như chị Liên, chị Lê Thị Tuyết (25 tuổi, quê ở Nghệ An), hiện đang làm công nhân điện tử tại một công ty ở tỉnh Vĩnh Phúc. Với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng, chị Tuyết chỉ dành dụm được khoảng 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Phần lớn thu nhập phải trang trải cho việc ăn ở, điện nước, sinh hoạt. Con chị hiện đang ở quê. Dù rất nhớ con nhưng mỗi lần đi lại tốn kém, nên hàng ngày chị gặp con qua… điện thoại. Cũng may, có mạng xã hội nên có thể nhìn thấy con hàng ngày. Mặc dù vậy, nhiều lúc chị nhớ con đến phát khóc mà không biết phải làm sao…
Hiện nay, những KCN lớn đang là động lực tăng trưởng, góp phần đem lại sự phát triển cho nhiều tỉnh, thành phố. Tại đây có hơn 70% là lao động nữ. Trong số này, lao động nữ di cư lại chiếm phần lớn. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề đặt ra trong đời sống vật chất, tinh thần của những người đang góp phần tạo ra sự phát triển cho xã hội ấy.
Theo khảo sát mới đây của Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, đa số lao động nữ di cư phải thuê nhà trọ để ở, chiếm 53,7%, số có nhà riêng khi di cư nhỏ chiếm 19,1%, trong khi số lao động được doanh nghiệp bố trí nhà, ký túc xá tập thể rất thấp, chỉ chiếm 0,3%. Điển hình là mô hình những dãy nhà thấp, lợp pro xi-măng hay lợp tôn được chia thành những gian nhỏ, mỗi hộ gia đình công nhân hay một nhóm công nhân chung tiền thuê một phòng.
Hiện nay, 64,7% lao động nữ di cư ở những căn nhà trọ chật chội, không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu như ánh sáng, nước sạch, vệ sinh, thiếu tiện nghi sinh hoạt, không đảm bảo an toàn. Với mức thu nhập còn thấp, nhóm lao động này thường tiết kiệm, không sắm sửa những vật dụng cần thiết trong gia đình như điều hòa, máy giặt, tủ lạnh…
Bên cạnh những nhà trọ công nhân còn xuất hiện những khu chợ công nhân, chủ yếu là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng thiết yếu với giá rẻ xuất hiện ngay gần các khu trọ.
Cần thêm cơ chế đảm bảo cho lao động di cư
Phó trưởng Ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thu Phương chia sẻ: Một gia đình lao động nữ di cư phải chi gần 10 triệu đồng cho các khoản thuê nhà, tiền học cho con, tiền điện, nước, ăn uống... Trong đó, mức chi dành cho thuê nhà từ 1 - 2 triệu đồng. Vì những điều kiện chưa thuận lợi nên phần đông lao động nữ di cư phải chấp nhận cuộc sống xa con. Điều này gây thiệt thòi rất lớn cho những đứa trẻ khi thiếu sự chăm sóc, nuôi dạy trực tiếp của cha mẹ, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển về thể chất cũng như tâm lý của trẻ, đồng thời cũng ảnh hưởng đến tình cảm, tâm lý của bản thân người lao động khi phải xa con.
Những vấn đề nêu trên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nữ lao động di cư mà còn ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục thế hệ con cái của họ, khi con cái lớn lên thiếu bàn tay chăm sóc của cha mẹ.
Để làm rõ những vấn đề xảy ra với nữ lao động di cư, nhằm góp phần cảnh báo những bất cập, tạo cơ sở để đưa ra những kiến nghị xác đáng trong chăm lo đời sống nữ lao động di cư, Ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai đợt khảo sát về “Thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Khảo sát được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 8/2023. Nhóm phỏng vấn 906 người lao động, 32 người sử dụng lao động và 62 cán bộ công đoàn cơ sở tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại 10 tỉnh/thành tỉnh, Công đoàn ngành Trung ương. Những con số của đợt khảo sát cho thấy, có 47,1% lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất sống bấp bênh, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống; 31,6% con nhỏ lao động nữ di cư được gửi về quê nhờ người thân gia đình chăm sóc. Tiền lương của lao động nữ di cư dao động từ 5-7 triệu đồng/tháng (chiếm hơn 60%). Ngoài ra, lao động nữ di cư được doanh nghiệp hỗ trợ thêm tiền ăn ca, ăn trưa (khoảng 400-600 nghìn đồng/tháng); tiền làm thêm giờ; tiền hỗ trợ nhà ở; phụ cấp trách nhiệm...
Thực tế này cho thấy, để ổn định đời sống người lao động, qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho người lao động nói chung, nữ công nhân di cư nói riêng. Bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, để đảm bảo quyền lợi của lao động nữ di cư, Ban Nữ công đề xuất công đoàn cần có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp… Tăng cường các buổi tuyên truyền dành cho lao động di cư về các chủ đề như bình đẳng giới, nuôi dạy con, gia đình, chính sách pháp luật. Công đoàn ngoài giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, còn cần thường xuyên khảo sát đoàn viên để lấy tiếng nói thực tế từ cơ sở. Bên cạnh đó, công đoàn cần có nhiều chính sách cho con em lao động di cư như xây dựng nhà trẻ trong khu công nghiệp, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, xây dựng quỹ khuyến học và hỗ trợ thủ tục pháp lý... giúp họ yên tâm lao động.
Bà Thái Thu Xương - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam:
Đảm bảo chính sách cho nữ lao động di cư
Trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ phối hợp đề xuất xây dựng và tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, nhà trẻ, mẫu giáo, chăm sóc sức khỏe nữ đoàn viên, người lao động. Hỗ trợ lao động nữ di cư có việc làm bền vững, môi trường làm việc an toàn; tạo điều kiện để lao động nữ được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội chất lượng. Bên cạnh đó, Công đoàn cũng sẽ đề xuất xây dựng và triển khai Đề án “Hỗ trợ công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc và nuôi dạy con”. Thúc đẩy chương trình “Nuôi con bằng sữa mẹ” thông qua mô hình “Phòng vắt trữ sữa” tại nơi làm việc. Ngoài ra, tổ chức Công đoàn cũng thương lượng với người sử dụng lao động hỗ trợ kinh phí cho lao động nữ nuôi con nhỏ... Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các ban, ngành liên quan, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp trong xây dựng, thực thi quy định về bình đẳng giới, bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới...
Bà Bùi Thị An - Đại biểu quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội:
Tập trung giải quyết bất cập đối với công nhân
Hiện nay lao động di cư từ vùng này sang vùng kia, từ Bắc vào Nam và vùng Tây Nguyên cũng như từ nông thôn ra thành phố đều diễn ra khá phổ biến, càng ngày càng đông hơn. Đặc biệt, từ sau đại dịch Covid-19 vừa qua, đời sống người dân có khó khăn hơn. Họ mất việc ở chỗ này thì họ đi tìm việc ở chỗ khác. Tuy nhiên, gánh nặng này lại đang đặt lên vai của tổ chức Công đoàn. Vì mục tiêu bảo vệ quyền lợi người lao động nên tổ chức Công đoàn cũng cần xem xét các doanh nghiệp đã trả lương người lao động tương xứng chưa. Bên cạnh đó, phải rà soát lại toàn bộ số lao động nữ ở từng công ty và trong phạm vi mình quản lý có vấn đề gì bất cập hay không. Ví dụ như vấn đề tiền lương có ngang bằng không. Nếu họ có gia đình thì con cái họ có được đi học không... Do đó, cần rà soát lại đối với lao động nữ ở từng nơi, từng doanh nghiệp, kể cả công ty tư nhân, công ty Nhà nước xem đang có những bất cập gì để từ đó kiến nghị. Công đoàn phải bảo vệ bằng được quyền lợi chính đáng của người lao động, trong đó đặc biệt quan tâm đến lao động nữ đi làm ăn xa và từ nơi khác đến.