Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), song thực tế cho thấy các gói hỗ trợ cần được đẩy nhanh.
Số DN ngừng hoạt động tăng cao
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2020 có hơn 100 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm 2019. Như vậy, tính trung bình mỗi tháng có gần 8,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Đây là con số chưa từng có trong 10 năm trở lại đây.
Tiếp đó, những tháng đầu năm 2021, con số DN phá sản, tạm ngừng kinh doanh tiếp tục xuất hiện theo chiều hướng đi lên. Cụ thể, số liệu của Tổng cục Thống kê cho hay, trong Quý I năm 2021 có tới 40.323 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 23.837 DN tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 59,1% tổng số DN rút lui khỏi thị trường trong Quý I năm 2021. Số DN buộc phải tạm dừng, chờ phá sản, hoàn tất thủ tục giải thể gia tăng trong thời điểm hiện nay tiếp tục phản ánh sự khó khăn của điều kiện sản xuất, kinh doanh và tổng cầu một số ngành đã và đang giảm sâu do tác động của đại dịch Covid-19.
Để đánh giá sơ bộ về tác động của dịch Covid-19 đến bức tranh hoạt động của cộng đồng DN, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện khảo sát nhanh DN tại 4 địa phương gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng và Đà Nẵng với tổng số 350 DN. Trong số các DN được khảo sát, có 24,2% DN đang thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh và trong số này, một tỷ lệ rất lớn là các DN tạm ngừng kinh doanh do tác động của đại dịch Covid-19 (75,3%)
Cũng theo kết quả khảo sát của cơ quan này, tới 85% DN trong tổng số 350 DN cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Hơn một năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã bóp nghẹt cộng đồng DN, đặc biệt là các DN ngành du lịch, may mặc, da giày... Theo phản ánh của nhiều DN, dịch bệnh đã khiến cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các giao dịch thương mại quốc tế tạm ngưng, ngành du lịch “đói khách”, dệt may, da giày “đói đơn hàng”...
Cần đẩy nhanh, mạnh các gói hỗ trợ
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, mặc dù Chính phủ đã triển khai rất nhiều giải pháp và tiếp tục hỗ trợ các DN trong giai đoạn này, tuy nhiên quá trình thực hiện chính sách còn hạn chế, cần có các giải pháp để những chiếc “phao cứu sinh” được tung ra đúng lúc, đúng thời điểm, hỗ trợ DN một cách thiết thực hơn.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sunhouse cho rằng, các gói hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra trong thời gian qua là rất kịp thời, song cần chia ra các nhóm DN khác nhau để có những giải pháp hỗ trợ phù hợp. Cụ thể, với những DN nhỏ cần vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh, còn những DN lớn cần được mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để nguồn nhân sự chất lượng cao có thể làm việc lại bình thường.
“Tôi cho rằng, cần thiết nên chia nhóm DN để có các gói hỗ trợ, các DN lớn không cần hỗ trợ như các DN nhỏ khác, các DN lớn chiếm đến 80% đóng góp ngân sách thì lại cần chuyên gia vào, mở rộng sản xuất, từ đó tạo công ăn việc làm cho các DN vệ tinh”- ông Phú nêu quan điểm.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme), các gói hỗ trợ cần sát với thực tế, bộc lộ tính khả thi hơn, giúp DN dễ dàng tiếp cận hơn. Ông Anh cho rằng, hiện nay, việc hỗ trợ mới chỉ được thực hiện theo cách cào bằng. Việc đưa ra một gói hỗ trợ cho tất cả các DN dường như chưa sát với thực tế. Các DN cho rằng, một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần DN không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN.
“Các văn bản sửa đổi và hướng dẫn dường như chỉ mở rộng đối tượng chứ chưa thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ. Đây là một trong những lý do khiến chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống” ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh đồng thời kiến nghị, cần có các giải pháp để các chính sách hỗ trợ được đẩy nhanh hơn giúp các DN tiếp cận sớm trong bối cảnh dịch bệnh đã tác động quá nặng nề đến DN hiện nay.