Sáng 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về các báo cáo tư pháp. Xử lý các tội phạm lừa đảo, tham nhũng là chủ đề được các ĐBQH quan tâm.
Các đại biểu tranh luận tại Hội trường.
Lừa đảo “có đất sống” có phải do sự “vẽ đường” của một bộ phận công chức?
Mở đầu phần thảo luận, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) băn khoăn khi tình hình trật tự, an toàn xã hội diễn biến phức tạp, gây bất an cho người dân. ĐB Vượt nhắc đến việc, xuất hiện nhiều băng nhóm, đường dây hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỷ đồng, mức độ ngày càng nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều nơi. Như vụ Công ty Alibaba lừa đảo hàng ngàn người, số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng, khó có khả năng khắc phục. Công ty Angel Lina cũng có hành vi lừa đảo tương tự, chiếm đoạt trên 300 tỷ đồng của người dân…
Theo ĐB Vượt, “lĩnh vực bất động sản đang là môi trường cho lừa đảo hoành hành mạnh nhất, hình thành nên các băng nhóm lừa đảo có tổ chức, chiếm đoạt tài sản gây nhiều hậu quả, hệ lụy về kinh tế và trật tự xã hội, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu khi một số tổ chức tín dụng vô tình tiếp tay cho các dự án ma của băng nhóm lừa đảo này” - ĐB nói và đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tăng cường chỉ đạo thanh kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời.
“Hiện nay còn nhiều công ty lừa đảo hoạt động kiểu Alibabba, Công ty Angel Lina, theo đó hình thành các dự án ma, phân lô bán nền được sinh ra từ liên minh ma quỷ, băng nhóm xã hội đen núp bóng doanh nghiệp với thủ đoạn lừa đảo chuyên nghiệp, tổ chức tinh vi” - ĐB nói và bảy tỏ: Liệu có phải tại cơ chế, kẽ hở của pháp luật, sự lỏng lẻo của cơ quan quản lý nhà nước không?
Bản chất của chạy chức là tham nhũng
Ở góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) trong phát biểu của mình đánh giá cao những kết quả tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng như báo cáo đã nêu.
Tuy nhiên, ĐB cũng nêu lên thực trạng: Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn có hiệu quả, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, ĐB Sinh cũng nhận định, nguyên nhân gốc rễ của nạn tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp và dai dẳng ở nước ta hiện nay là do một số cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói không đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tiêu cực, tham nhũng.
“Một cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ trong thực thi nhiệm vụ công vụ nhũng nhiễu thì gọi là tham nhũng vặt, loại tham nhũng này tạo nhiều bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Nhưng nếu hành vi này có sự chỉ đạo, làm ngơ, thậm chí có sự ăn chia của người lãnh đạo, quản lý một cách có hệ thống thì công tác phát hiện, đấu tranh ngăn chặn gặp vô cùng khó khăn. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh tham nhũng vặt được nêu trong Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ là phần nổi của tảng băng tình hình tham nhũng mà thôi, thực tế tệ nạn tham nhũng còn rất nghiêm trọng”- ĐB Sinh nói.
Ông Sinh cũng cho rằng, ngày 23/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký Quy định số 205 quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đẩy lùi tệ chạy chức, chạy quyền mà bản chất là tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ. Lĩnh vực này lâu nay được coi là điểm nóng của tệ tham nhũng, song vẫn nhiều người coi là vùng cấm bởi vì chưa có các quy định của pháp luật điều chỉnh một cách đồng bộ và đầy đủ.
Từ một số thực trạng, ĐB Nguyễn Tiến Sinh cho rằng: Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải làm liên tục và không ngừng nghỉ, làm đồng bộ và có hệ thống, trong đó không chỉ là quyết tâm chính trị mà cần phải được thể chế bằng các quy định của pháp luật.
“Chính phủ cần sớm thể chế hóa các quy định của Trung ương về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý và lãnh đạo, tài sản liên quan đến người thân, tài sản không giải trình được nguồn gốc nhưng chưa chứng minh được do phạm tội mà có. Xây dựng quy trình quy định về thu hồi, hủy bỏ, cách chức, giáng chức đối với cán bộ có vi phạm quy trình về công tác cán bộ, các cán bộ vi phạm quy định về chạy chức, chạy quyền” – ĐB kiến nghị.