Trước thực trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, nhiều băn khoăn về giải pháp bố trí giáo viên thế nào cho hợp lý? Có nên quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên hay không? PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này.
PV: Thưa ông, thừa, thiếu giáo viên không phải là câu chuyện mới mà đã tồn tại từ nhiều năm nay với nhiều giải pháp được đặt ra song tình trạng này vẫn tiếp diễn. Phải chăng, nguyên nhân là do ngành Giáo dục chưa quyết liệt?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Theo tôi được biết, thừa thiếu giáo viên không phải là chuyện của riêng Việt Nam, riêng thời điểm này mà là bài toán đã có từ lâu và nhiều nước trên thế giới cũng gặp tình trạng này. Chúng ta có thể tham khảo những kinh nghiệm từ các nước bạn để tìm giải pháp phù hợp với từng địa phương.
Chẳng hạn, với vùng sâu vùng xa, bên cạnh chế độ đãi ngộ về lương, thưởng, phụ cấp, ngành Giáo dục cần thể hiện rõ cam kết về việc cống hiến bao nhiêu lâu thì có thể được luân chuyển về xuôi nếu có nhu cầu để thu hút giáo viên đến những trường đóng ở những nơi đặc biệt khó khăn. Đối với môn thiếu hụt giáo viên, địa phương có thể đặt hàng đào tạo, thậm chí cấp chhương trình cung cấp học bổng cho các sinh viên đăng ký theo học ngành này…
Tôi lấy ví dụ thống kê 2 năm qua, chưa có nhiều địa phương triển khai theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP. Có nhiều lý do, song một trong những lý do nổi cộm đó là những vướng mắc về mặt pháp lý khi thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, trong khi việc tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP.
Nếu đặt hàng đào tạo, sau này người được đặt hàng cũng phải tham gia tuyển dụng, nếu không đạt thì không được vào ngành. Trong khi đó, những sinh viên tốt nghiệp sư phạm không phải do địa phương đặt hàng vẫn có quyền thi tuyển biên chế bình đẳng với sinh viên đăng ký theo diện đặt hàng.
Ngược lại, không phải sinh viên nào cũng mặn mà với việc hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt khi học ngành sư phạm hoặc đăng ký các chỉ tiêu cho địa phương đặt hàng do do lo ngại việc phân công công việc sau khi tốt nghiệp không phù hợp với mong muốn của bản thân. Đây là điều dễ hiểu.
Vì vậy, để chính sách và thực tiễn gặp nhau, tôi cho rằng cần có thêm những Thông tư, hướng dẫn cụ thể hơn, hành lang pháp lý rõ ràng để khi triển khai các địa phương không bị lúng túng, dẫn đến chưa mạnh dạn đăng ký đặt hàng với các trường dù đây là một chủ trương tôi cho rằng rất đúng đắn, rất sát thực tế hiện nay, tránh tình trạng đào tạo dư thừa, người học thất nghiệp…
Một trong những giải pháp để giải quyết tình trạng này là phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 5/2021, tỷ lệ giáo viên mầm non, phổ thông ngoài công lập chiếm 6,9% tổng số giáo viên của cả nước không hưởng lương từ ngân sách sự nghiệp. Tỷ lệ cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm 9,19%. Theo ông, tỷ lệ này đã tương xứng với chủ trương đẩy mạnh phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập mà Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra hay chưa?
- Trước hết, theo tôi đây là một tỷ lệ đáng ghi nhận. Kể từ khi bắt đầu manh nha ở thời điểm những năm 1990, hệ thống giáo dục ngoài công lập hiện nay đã ngày càng mở rộng cả về quy mô lẫn hình thức đào tạo, có ở các địa phương trong cả nước mặc dù tỷ lệ này ở từng địa phương, từng cấp học là khác nhau.
Ghi nhận những nỗ lực của ngành Giáo dục và các địa phương trong việc tạo điều kiện, khuyến khích để phát triển của hệ thống giáo dục ngoài công lập song rõ ràng từ chủ trương, chính sách đến thực tiễn là một chặng đường dài. Không thể cứ nói thúc đẩy là đẩy mạnh được mà cần có những chính sách cụ thể từ hành lang pháp lý với những ưu đãi về nhiều mặt để tạo đà thúc đẩy cho việc phát triển. Đó là chưa kể hàng loạt những khó khăn khách quan như dịch Covid-19 bùng phát dẫn đến việc hệ thống giáo dục ngoài công lập, đặc biệt là bậc mầm non bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên chưa đạt được sự phát triển như kỳ vọng.
Để tiếp tục giảm áp lực cho nhà nước, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của người dân, nhất là trong thời đại hội nhập toàn cầu, học tập suốt đời là yêu cầu của hội nhập quốc tế thì việc đẩy mạnh hệ thống giáo dục ngoài công lập là yêu cầu tất yếu, cấp bách cần đặt ra.
Bên cạnh rất nhiều giải pháp về thể chế, chính sách, từ kinh nghiệm quản lý giáo dục của mình, tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề chất lượng đào tạo. Nếu như trước đây, trường ngoài công lập chỉ là lựa chọn sau cùng của phụ huynh khi con không trúng tuyển vào các trường công lập thì trong nhiều năm trở lại đây, hệ thống trường ngoài công lập ngày càng khẳng định được chất lượng dạy và học.
Hữu xạ tự nhiên hương. Nếu chất lượng tốt thì không cần lo đến chuyện tuyển sinh, người học sẽ tự tìm đến, không lo trường ngoài công lập gặp khó dù trong hoàn cảnh nào.
Trân trọng cảm ơn ông!